Giới trẻ đô thị đối mặt với chứng mất ngủ kéo dài

Mất ngủ gây nhiều hệ lụy cho cuộc sống và sức khỏe của người bệnh, khiến tinh thần luôn uể oải, mệt mỏi.

Trao đổi với Zing, ThS.BSCKII Vương Thị Thủy, Giảng viên bộ môn tâm thần ĐH Y Dược Hải Phòng, cho hay rất nhiều người trẻ lứa tuổi 13-17 hoặc ngoài 20, 30 tìm đến bác sĩ để thăm khám sau khi mắc chứng mất ngủ.

“Khi được hỏi về nguyên nhân, hầu hết bệnh nhân tự chỉ ra là do áp lực cuộc sống, mối quan hệ yêu đương, mâu thuẫn với cha mẹ, học tập căng thẳng hoặc không thích ứng được với công việc. Một tỷ lệ nhỏ là mất ngủ không vì nguyên nhân gì, ngay cả khi có gia đình hạnh phúc, điều kiện kinh tế tốt”, bà nói.

“Rất nhiều bệnh nhân mất ngủ vài năm rồi mới tìm đến bác sĩ nhưng việc điều trị cần được tiến hành sớm. Nếu mất ngủ 2-5 ngày, có thể xem xét cơ thể, tự điều chỉnh chế độ sinh hoạt, uống trà thảo dược, giảm tải căng thẳng, đi đây đó để thư giãn. Trong trường hợp kéo dài đến 2 tuần, nên tìm đến bác sĩ bởi nhiều trường hợp khám ra không đơn thuần là mất ngủ mà là trầm cảm, lo âu”, bác sĩ nói.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ở Việt Nam, thống kê năm 2019 cho thấy tỉ lệ người dân bị mất ngủ đến khám tại các cơ sở chuyên khoa thần kinh chiếm 10-20%.

Năm 2021, theo công bố nghiên cứu về giấc ngủ của Tạp chí Y học Việt Nam, bệnh nhân mất ngủ có độ tuổi trên 30 chiếm tỷ lệ cao (90%). Tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới có xu hướng cao hơn nam giới.

Chứng mất ngủ gặp ở đối tượng lao động trí óc và lao động tự do (91,7%), hầu hết đã có gia đình. Thời gian mắc bệnh từ 3 tới 6 tháng chiếm tỷ lệ cao (63,3%). Các nguyên nhân gây mất ngủ bao gồm áp lực công việc, mâu thuẫn gia đình, tổn thất kinh tế.

Khảo sát về giấc ngủ trên 11.000 người tại 12 quốc gia của tập đoàn Phillips vào năm 2019 cho thấy 62% người trưởng thành không ngủ đủ giấc. Tại Trung Quốc, mất ngủ thậm chí trở thành vấn nạn quốc gia khi có khoảng 300 triệu người mắc chứng rối loạn giấc ngủ. Cuộc khảo sát của CNA với thanh thiếu niên Singapore cho thấy 55% người được hỏi cho biết họ phải vật lộn với giấc ngủ trong 2 năm qua.

Nhiều khách hàng trẻ là dân văn phòng hoặc làm việc với cường độ cao tìm mua các mặt hàng nước hoa, nến thơm, tinh dầu, xà phòng, sáp thơm... có tác dụng chữa lành, cân bằng cảm xúc. Không chỉ vậy những sản phẩm chăm sóc mắt, giảm quầng thâm cũng được tìm kiếm khá nhiều. 

Bedtime procrastination (RBP) - thức khuya, lấy “giờ ngủ” để trả thù cho khoảng thời gian bận rộn trong ngày. Triệu chứng này mô tả cách một người chủ động thức khuya để tìm cảm giác tự do - thứ họ không có khi quá bận vào ban ngày. RBP bắt đầu bằng những thay đổi rất nhỏ trước giờ ngủ, khi nhận ra, họ đã hình thành thói quen ngủ muộn, thậm chí thức đến sáng dù không có việc gì quan trọng.

Giấc ngủ có vai trò rất quan trọng đối với việc nghỉ ngơi, phục hồi của cơ thể. Người bình thường thường ngủ khoảng 7- 8 tiếng/đêm. Tuy nhiên, đối với những người bị mất ngủ, việc ngủ đúng giờ và đi vào giấc ngủ thường rất khó khăn. Họ thường không cảm thấy buồn ngủ, nằm trằn trọc mà không ngủ được. Một số triệu chứng của mất ngủ đó là trằn trọc, khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc, hay tỉnh giấc và không ngủ lại được... 

Do chất lượng giấc ngủ kém, cơ thể không được nghỉ ngơi, phục hồi hoàn toàn nên người bênh thường cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy, hay buồn ngủ và không thể tập trung vào ban ngày.

Tình trạng mất ngủ kéo dài có thể khiến hệ thần kinh bị ảnh hưởng, sinh ra chứng lo âu, trầm cảm.

Tình trạng mất ngủ kéo dài có thể khiến cơ thể cảm thấy vô cùng mệt mỏi, thiếu sức sống, thiếu tập trung. Người bệnh luôn trong trạng thái lờ đờ, uể oả. Không chỉ vậy, mất ngủ còn gây thoái hóa, ngộ độc tế bào, gây ra các bệnh tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường, thừa cân, béo phì, trầm cảm, lo âu…  Đặc biệt nguy hiểm nhất là đột quỵ. 

Việc điều trị mất ngủ bao gồm điều trị giảm các triệu chứng và điều trị nguyên nhân. Có người dùng thuốc an thần điều hòa giấc ngủ. Thế nhưng các thuốc này có thể có một số tác dụng phụ khiến cơ thể bị mệt mỏi khi thức dậy. Bên cạnh đó, sử dụng thuốc ngủ trong thời gian dài còn người bệnh phụ thuộc vào thuốc và chuyển từ mất ngủ cấp thành mất ngủ mạn tính, mất ngủ bệnh lý và làm tăng nguy cơ đột quỵ. 

Vì vậy, những người bị mất ngủ chỉ sử dụng thuốc khi thực sự cần thiết và cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh để sử dụng các loại thuốc phù hợp nhất.

Các thói quen ngủ nói riêng và thói quen sinh hoạt nói chung có tác động rất lớn đến giấc ngủ. Vì thế để cải thiện tình trạng mất ngủ, người bệnh nên tập thói quen đi ngủ đúng giờ và cố gắng đảm bảo số giờ ngủ mỗi ngày. Không nên hoạt động nhiều hay ăn uống quá no, sử dụng chất kích thích trước khi đi ngủ. Tránh dùng thiết bị điện tử trước khi ngủ. Bố trí không gian phòng ngủ hợp lý, luôn thông thoáng và yên tĩnh để giấc ngủ được sâu hơn. 

Đọc nhiều sách về tâm lý, viết lách, đạp xe, đi bộ, học bơi, tâm sự với bạn thân, cho phép bản thân khóc thoải mái hay cày phim có nội dung chữa lành... cũng là những cách cải thiện giấc ngủ. 

Mất ngủ gây nhiều hệ lụy cho cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Khi bị những triệu chứng mất ngủ đầu tiên, người bệnh cần tìm đến bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh sớm để được điều trị sớm và khắc phục kịp thời. 

Thanh Mai

Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ giải pháp chống ngập cho Hà Nội

Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ giải pháp chống ngập cho Hà Nội

Theo ông Hà, Hà Nội cần một dự án có cách tiếp cận tổng thể, từ công tác dự báo, quy hoạch để xây dựng một hệ thống phù hợp.