Nhiều người "ôm" đất nền nhưng tài chính yếu không thể giữ nổi đã ồ ạt rao bán

Thanh khoản sụt giảm nên trong thời gian này, đa phần người mua đều thận trọng còn người bán đang do dự, không muốn giảm giá nhiều. Nhiều người "ôm" đất nền nhưng tài chính yếu không thể giữ nổi đã ồ ạt rao bán...

Nếu các ngân hàng không nới room tín dụng cho bất động sản thì thị trường sẽ còn khó khăn từ nay đến cuối năm. Dòng tiền chảy vào bất động sản sẽ co hẹp lại.

Đưa ra dự báo về thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm, TS. Sử Ngọc Khương – Giám đốc Cấp cao Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam nhận định, do nguồn cung trên thị trường hạn chế, các kênh đầu tư khác không còn hấp dẫn và nhu cầu nhà ở lớn nên bất động sản sẽ tiếp tục đối diện với khó khăn.

Thị trường từ nay đến cuối năm sẽ không có gì thay đổi khi nguồn cung tiếp tục thiết hụt, giá bán duy trì mức cao và thanh khoản chậm.

Theo ông Khương, quỹ đất để phát triển dự án mới hiện nay đang khan hiếm trong khi các dự án bị ách tắc về pháp lý. Ngoài ra, các nhà đầu tư hiện đang đẩy lợi nhuận kỳ vọng lên quá cao. Điều này dẫn đến tính thanh khoản thấp vì khả năng chi trả của người dân bị hạn chế.

Theo thống kê của DKRA Vietnam, dù giá chào bán tăng nhưng thanh khoản đất nền tại TP.HCM và các tỉnh giáp ranh đã sụt giảm từ tháng 4 đến nay. Trong đó, động thái siết chặt tín dụng vào bất động sản của ngân hàng đã khiến nguồn cung và sức cầu giảm rõ rệt.

Thanh khoản sụt giảm nên trong thời gian này, đa phần người mua đều thận trọng còn người bán đang do dự, không muốn giảm giá nhiều.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng giá bất động sản thời gian qua đã bị đẩy lên quá cao ở nhiều địa phương có thông tin quy hoạch, dự án, sân bay… Do đó, khi thị trường trải qua nhiều cơn "sốt đất" liên tục, nhà đầu tư phải thận trọng hơn trong việc ra quyết định xuống tiền.

"Thực tế giao dịch thấp, hạn chế bởi giá bị đẩy quá cao, giá không phản ánh đúng giá trị thực. Các nhà đầu tư, người mua cũng tính được giá trị ở mức độ nào hợp lý. Vì vậy, người có nhu cầu thực sẽ không mua những sản phẩm bị thổi giá quá cao, dẫn đến tình trạng khó thanh khoản. Để ổn định thị trường, cơ quan quản lý Nhà nước đang đẩy mạnh củng cố hành lang pháp lý cho thị trường bất động sản", ông Đính chia sẻ thêm.

Nhiều chuyên gia cho rằng giống như các loại hình kinh doanh khác, đầu tư bất động sản bên cạnh tầm nhìn thì còn cần may mắn. Khi đầu tư vào thị trường để an toàn, nhà đầu tư cần xét về mật độ dân cư, nhu cầu ở thực, tiềm năng cho thuê, các yếu tố về quy hoạch, lịch sử tăng giá...

Theo ông Trần Khánh Quang - Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Bất động sản Việt An Hòa, giai đoạn này, nhiều nhà đầu tư đang rút khỏi thị trường bởi áp lực lãi vay. Không ít người chấp nhận bán cắt lỗ. Một số nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể tìm thấy các sản phẩm giá tốt để mua nhưng các nhà đầu tư F0, ít kinh nghiệm thì nên cảnh giác với những rủi ro khi thị trường chững lại.

CEO của Việt An Hoà cho rằng, các nhà đầu tư nên chờ đợi và tiếp tục quan sát các diễn biến tiếp theo của thị trường. Nếu vẫn chọn mua bất động sản ở thời điểm này, người mua cần cân nhắc nhiều yếu tố.

Theo ông Quang, chỉ nên chọn mua các sản phẩm có hiệu quả khai thác, không mua theo số đông. Bên cạnh đó, nhà đầu tư không nên vay ngân hàng để mua lúc này bởi khả năng được duyệt hồ sơ không cao và lãi suất có thể tăng trong thời gian tới.

Theo khảo sát thị trường từ đầu năm 2022 đến nay, giá bất động sản tiếp tục tăng, một số địa phương có tình trạng sốt đất ảo, giá rao bán được "thổi" lên chóng mặt bởi được "gắn mác" với những dự án quy hoạch lớn. Chính điều này đã khiến thị trường bất động sản rơi vào thế người có nhu cầu mua thực không mua được, người bán thì nghe ngóng rồi đưa ra mức giá cao nên khó bán.

Tuy nhiên, theo chuyên gia và nhà đầu tư giàu kinh nghiệm, hiện tượng "chôn vốn" vì mua đất dự án không phải do thị trường nhà đất mà đến từ khả năng, tầm nhìn của nhà đầu tư.

Tổng Hợp