Nhìn lại kinh tế Việt Nam 2020: COVID-19 và vết sẹo với ngành hàng không, du lịch

Càn quét hầu hết mọi lĩnh vực trong nền kinh tế, COVID-19 đặc biệt để lại nhiều thương tổn sâu đậm cho ngành hàng không, du lịch và cả bất động sản.

Hàng không tê liệt, lỗ chồng lỗ

Qua cao điểm Tết nguyên đán 2020 chưa bao lâu, toàn ngành hàng không Việt Nam  buộc phải dừng toàn bộ chuyến bay thương mại quốc tế từ ngày 25/3. Vài ngày sau, lệnh giãn cách xã hội được Thủ tướng ban hành, các “chim sắt” hầu như tê liệt hoàn toàn.

Lũy kế 9 tháng năm 2020, Vietnam Airlines lỗ tới 10.676 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu 9 tháng thấp nhất mà hãng hàng không này ghi nhận được trong gần một thập niên trở lại đây. Khoản lỗ trên cuốn phăng tổng lợi nhuận của Vietnam Airlines 5 năm trước (từ năm 2015 đến năm 2019, khoảng 10.380 tỷ đồng).

Hồi đầu tháng 11, ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, cho rằng, hãng hàng không quốc gia sẽ chưa thể phục hồi đến hết tháng 10/2021 sau 2 đợt bùng phát dịch. Dự báo trong năm 2021, Vietnam Airlines vẫn lỗ hàng chục tỷ đồng mỗi ngày, mức lỗ sẽ ngang năm 2020.

Nguyên nhân là do thị trường nội địa có phục hồi nhưng giá vé vẫn thấp quá, thậm chí dưới 50% mức giá năm 2019 do các hãng đều dồn cả vào thị trường nội địa, giá cạnh tranh nhau từng đồng.

Phó Tổng giám đốc Nguyễn Khắc Hải của  Bamboo Airways cho biết, đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động khai thác của các hãng. Tại lúc cao điểm đại dịch, đội tàu bay của hãng hàng không non trẻ đã phải ngừng hoạt động từ 80% - 90%.

Các hãng hàng không Việt Nam chịu cảnh đắp chiếu, thua lỗ trong năm nay. Ảnh: Vietnam+
Các hãng hàng không Việt Nam chịu cảnh đắp chiếu, thua lỗ trong năm nay. Ảnh: Vietnam+

Không tiết lộ chi tiết về kết quả kinh doanh năm 2020, nhưng theo đại diện Bamboo Airways, về mặt tài chính, ngoài việc mất thêm các chi phí cho hoạt động cách ly, phòng chống dịch, hãng này đã và đang phải chịu thiệt hại nặng nề về doanh thu do nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa tại nội địa cũng như quốc tế sụt giảm rất sâu.

Theo báo cáo tài chính quý III/2020 của Tập đoàn FLC , công ty mẹ của Bamboo Airways, nhóm hàng không, khách sạn, du lịch lỗ thuần 2.907 tỷ đồng. Còn trong báo cáo tài chính riêng đã soát xét bán niên năm 2020, FLC cũng phải trích lập dự phòng 1.145 tỷ đồng cho khoản góp vốn vào Bamboo Airways.

Về phía Vietjet Air , Phó Tổng giám đốc Hồ Ngọc Yến Phương, cho biết hãng đã lỗ 2.400 tỷ đồng trong 9 tháng qua và số nợ lên đến 10.000 tỷ đồng, dù đã bán hay chuyển nhượng tài sản đã tích lũy trong nhiều năm. Đây là lần đầu tiên Vietjet Air có những quý kinh doanh lỗ kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Vietjet Air mới hoàn thành được 38% chỉ tiêu về doanh thu. Còn với lợi nhuận cho cả năm, hãng bay của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng khó nằm ngoài quỹ đạo thua lỗ.

Vết sẹo khó chữa của ngành du lịch

Ngành du lịch Việt Nam chưa bao giờ phải đón nhận cú sốc với cường độ lớn như năm 2020. Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 đã khiến hoạt động du lịch bị tổn hại nặng nề, kéo theo sự sụt giảm các ngành, lĩnh vực liên quan.

Theo Bộ, lượng khách quốc tế cả năm 2020 chỉ đạt 3,8 triệu lượt, giảm gần 80% so với năm 2019. Khách du lịch trong nước cũng giảm gần 50%. Kéo theo đó, khoảng 40-60% lao động ngành du lịch bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công. Khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động, nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%.

Tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên đến 530 nghìn tỷ đồng, tương đương 23 tỷ USD.

Khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng năm 2020 giảm gần 77%. Đồ hoạ: TTXVN
Khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng năm 2020 giảm gần 77%. Đồ hoạ: TTXVN

Chị Mỹ Tiên, quản lý một resort ở Phú Quốc (Kiêng Giang) vẫn còn nhớ 6 tháng phải nghỉ việc không lương của mình từ khi lệnh giãn cách xã hội được ban hành. Từ một resort mỗi ngày đón trên dưới 300 lượt khách, nơi làm việc của chị phải đóng cửa suốt nửa năm.

“Tôi vẫn thấy bản thân mình may mắn vì ít ra còn được đi làm trở lại vào tháng 10, có nhiều nhân viên bị cho thôi việc hẳn”, chị chia sẻ.

Khó khăn hơn cả là doanh nghiệp lữ hành và du lịch. Anh Nguyễn Quý, CEO Công ty Hatika Travel, cho biết măm 2020 công ty của anh đặt rất nhiều kỳ vọng cho sự phát triển, tuy nhiên các mục tiêu này đều không thể hoàn thành.

“Cho tới khi COVID-19 kết thúc thì mới nghĩ tới chuyện các vết sẹo do nó để lại được chữa lành, còn hiện tại không thể dự đoán được bất cứ điều gì”, vị CEO này nhận định.

Khách nội địa đang là nguồn thu nhập chính của các doanh nghiệp du lịch. Ảnh: Hatika
Khách nội địa đang là nguồn thu nhập chính của các doanh nghiệp du lịch. Ảnh: Hatika

Trong cái khó, ngành du lịch “ló cái khôn”. Chị Tiên cho biết COVID-19 phần nào giúp resort nhận ra bài học về tinh gọn bộ máy và hệ thống quản lý. Còn với Hakita, thay vì lên kế hoạch cho sự phát triển 10 năm, công ty giờ đây xây dựng kế hoạch dựa theo mục tiêu.

“Năm 2020 giúp mình nhận ra nhiều điều, đó là phải luôn chuẩn bị cho bất kỳ sự thay đổi nào để có thể duy trì công ty tồn tại và phát triển; luôn luôn có phương án dự phòng và luôn giữ thái độ tích cực trước mỗi biến cố”, anh Quý chia sẻ.

Thách thức và thời cơ cho ngành bất động sản

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kinh doanh bất động sản càng về cuối năm càng lộ rõ vết thương. 11 tháng qua, chỉ tính riêng nhóm này có đến 885 doanh nghiệp giải thể, tăng tới 46,8% so với cùng kỳ của năm 2019. Đây là nhóm ngành có tốc độ giải thể doanh nghiệp cao nhất trong lĩnh vực dịch vụ, đứng thứ 2 nếu xét chung cả nền kinh tế.

Ngoài ra, thị trường còn ghi nhận 1.272 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng hơn 117% so với cùng kỳ năm trước.

11 tháng năm 2020 có 885 doanh nghiệp địa ốc giải thể, hàng chục nghìn người lao động bị ảnh hưởng công việc. Ảnh: Tất Đạt
11 tháng năm 2020 có 885 doanh nghiệp địa ốc giải thể, hàng chục nghìn người lao động bị ảnh hưởng công việc. Ảnh: Tất Đạt

Các chuyên gia đều chung nhận định, 2020 là một năm “khai tử” đối với nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Nhiều doanh nghiệp niêm yết vẫn thể hiện sự tăng trưởng về lợi nhuận, nhưng dòng tiền kinh doanh lại “âm.” Dịch COVID-19 đã khiến cho các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về dòng tiền, bởi việc tổ chức mở bán dự án bị hoãn liên tục và nhu cầu thị trường sụt giảm mạnh. Có doanh nghiệp 9 tháng lên tiếp không bán được bất kỳ căn hộ nào.

Theo số liệu cập nhật của CBRE Việt Nam, thị trường địa ốc TP.HCM có 9.214 căn hộ được chào bán từ 17 dự án trong 3 quý. Con số này giảm tới 57% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, thị trường Hà Nội có 10.711 căn hộ đến từ 26 dự án. Số lượng căn hộ đã giảm đến 67% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, không thể nói thị trường ảm đạm hoàn toàn là do dịch bệnh. Tình trạng này vốn dĩ đã từ lâu, rõ nhất là năm 2018, khi các rào cản về pháp lý liên tục được đặt ra. Dịch bệnh chỉ làm sâu sắc hơn sự đìu hiu của thị trường.

Dưới góc nhìn của người quan sát thị trường, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D của DKRA Việt Nam, cho rằng COVID-19 là biến cố mang sắc thái song hành cho thị trường.

Khi dịch bệnh xuất hiện, dễ nhận thấy nhất chính là sức cầu và sức mua của thị trường giảm đi rất nhiều. “Tuy nhiên thách thức này chỉ mang tính tạm thời. Trước việc kiểm soát dịch tốt, chúng tôi hy vọng tình hình sẽ được cải thiện”, ông Nguyễn Hoàng dự đoán.

Trong bối cảnh thị trường chịu tác động bởi đại dịch, các chủ đầu tư và các doanh nghiệp liên quan đều phải có sự thay đổi và cải cách tốt hơn để phù hợp với tình hình mới. Ông cho rằng, đây là thời cơ rất tốt để ngành bất động sản tự nâng cấp bản thân.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương