Tháng ba âm lịch, qua gần sáu tháng không có lấy một trận mưa ra hồn, đất đai vùng rừng khô nẻ. Sau tết Nguyên đán, tranh thủ thời tiết hanh hao, người dân vùng rừng phát nương dọn cỏ, thửa lằn ranh chống cháy, đợi những cơn mưa đầu mùa và nổi lửa. Rồi những trận mưa người chờ cây đợi ấy cũng kịp đến.
Những trận mưa giải cảm cơn động dục đất đai, cả vùng rừng dẫy lên trong làn gió trở mùa đang ào ạt thổi. “Tháng tám mưa chai - Tháng hai mưa gạo”. Những hạt mưa đầu tiên xèo xèo ngấm vào đất khát. Lâu dần, nước chảy thành dòng ào xuống thung khe, đám dế chũi dế mèn ngộp thở dềnh lên trong dòng nước chảy. Trẻ con trần như nhộng hét váng nương rẫy. Đã lâu rồi chúng chưa được thỏa thuê tắm gội.
Sau cơn mưa, như có hẹn, những mầm gianh nhất loạt đâm lên tua tủa. Và, cả một rừng ban trắng xóa, thoáng đấy thôi giờ đã đổi màu thành rừng xanh ngời ngợi. Mưa gió ầm ào, sấm chớp ì ầm nhoáng nhoàng đỉnh núi. Đêm về, có tiếng con hoẵng tác bên ngọn đồi hoang trước bản, tiếng con gà rừng đập cánh gọi gà nhà ngay ngoài hàng giậu. Tất cả như dự cảm một đổi thay sẽ tới...
Tranh minh họa: Đỗ Dũng. |
Nhưng mà đói đấy. Đói đến xanh da do ăn nhiều rau tàu bay mọc vội. Mùa lúa đã qua từ tận tháng mười năm trước, ngô thì ở kỳ gieo hạt, giong riềng và sắn qua năm nảy mầm, sượng sần đến mức trẻ con nhá sứt cả lợi. “Đói thì vác thuổng lên rừng!”. Người dân vùng rừng bảo thế. Trong nhà người Thái, người Mông Sơn La, bên cạnh những cày những cuốc bao giờ cũng có một vài cây thuổng. Thuống để đào dế đào dúi, thuổng để xén cỏ bờ ruộng, để trồng cột rào và để đào củ mài chống đói. Vác thuổng lên rừng, người đào củ mài vùng rừng phân biệt đâu là mài trắng, đâu là mài tía. Củ mài trắng ăn nông nhưng chát xít như củ nâu rừng.
Mài tía cũng có tới ba loại: Mài chổi, mài ống và mài ổ. Người có kinh nghiệm, chỉ nhìn vào màu sắc, hình dáng dây mài mới bật lên khỏi mặt đất đủ biết dây nào nên bỏ công sức ra đào và ngược lại. Dọn một chút mặt thoáng, dựng ống nước, cây điếu một chỗ và những nhát thuổng đầu phóng xuống. Người đào củ mài thành thục không để đất lấm tay. Cả đến động tác lấy củ mài lên khỏi hố sâu cũng chỉ dùng đến thuổng. Những nhát thuổng phóng xuống, nhấc lên, ngậm đầy đất. Một nhát dộng nhẹ, đất nơi lưỡi thuổng ở lại thành đống, to dần tùy theo độ sâu hố đào.
Mài chổi ăn nông, xuống chừng mươi phân gốc mài xòe chùm củ như nan quạt, như bàn tay, như cái chổi. Mài ổ có bụm củ cuộn tròn trong hố đất. Mài ống ngon nhất hạng nhưng cũng phải đào thật sâu, có khi đến trên hai mét. Gốc dây mài đặt sát mép hố đào, khéo léo tỉa để củ mài ống dựng sát thành hố. Người đào mài không lấy đến hết, đến cùng kiệt một gốc củ mài và bao giờ cũng để lại gốc mài có phần rễ bám vào thành hố. Hố củ mài sau đào được lấp lại tương đối để người đi rừng, để con chồn con cáo không sụp bẫy. Và, để năm sau, năm sau nữa dây mài sống lại cho ra củ mới. Rồi ra, có khi chỉ cần moi hố cũ cũng có được rổ mài. May thế.
Trên ô bếp cả ngày đỏ lửa, chiếc ninh đồng là đồ gia bảo. Cơm đồ, sắn khoai đồ, rau đồ và củ mài cũng đồ. Đặt chiếc mẹt dỡ cơm trước bếp, Êm (Mẹ) trịnh trọng nhấc chiếc ninh đồng đổ xôi ra mẹt. Xôi đồ bốc hơi phả mù gian bếp. Hương thơm củ mài chín rỡ trong mùa giáp hạt sẽ làm khổ những kẻ xa quê, dù chúng có sống đến bao lâu và đi đến bất cứ nơi nào trên thế gian này.
Già làng Chiềng Xôm kể tôi nghe nhiều điều, dù hôm nay, ngọn khói giàn thiêu đã đưa cụ về trời qua ngả đường Phiêng Mựt. Cụ kể rằng, ngày ấy, có con tê giác chết bên phải bản Tông. Rằng, để dọn sạch đồi Khau cả làm nơi dựng dinh thống sứ và nhà ngục Sơn La (1908), người thực dân dùng kế thực dân rải đồng bạc trắng hoa xòe, loại 2 hào, 5 hào và lệnh người dân chỉ được nhặt bạc theo tiến độ phát cây. Một tuần mà ngọn đồi rừng rú thành nơi đất trống.
Cụ còn kể, ngày đó, người dân sống lành sống thật, đói thì đi xin ăn (pay ha khẩu) hoặc lên rừng mà kiếm củ mài. Ngày ấy, nếu trong bản có vụ mất đồ, dù biết chắc người trộm cũng không bao giờ chỉ mặt. Một lễ “chửi thề” (kin mang) được tổ chức ở nhà già bản. Có rượu và lời thề thật độc. Tỷ như: “Nhà nào cầm đồ nhà mất của đến sáng hôm sau thì nhà đó trồng lúa lúa chết, nuôi trâu trâu đổ, con cái ốm đau, mẹ cha bệnh hoạn...”. Và quy định, mỗi nhà, ngay trong đêm, dùng lá bon phúc gói một gói đồ, đợi khuya ném lên sàn nhà mất của. Thêm quy định, nhà mất của phải tắt đèn sớm và không được rình người đến ném đồ.
Thường thì trong các gói đồ là tro bếp, hoặc rơm rạ, nhưng thể nào cũng có một gói gồm đủ vật dụng của nhà đã mất. Người dân ở đây, ngày ấy, nếu bị phát giác là ăn cắp sẽ không chịu nổi. Họ tự trọng đến mức chỉ còn cách bỏ làng bỏ bản mà đi hoặc tìm ăn lá ngón...
Tháng ba về, nghe sấm báo mùa vừa dậy, đứng trên tầng cao nhìn phố xá mù mịt mưa bay. Nhắm mắt lại, thấy những ngọn đồi bát úp xanh màu xanh mầm cây vụ mới. Vô thức, thấy mùi xôi củ mài thơm dậy đâu đây. Dù không biết bây giờ, cả đến cái vị hoài sơn cũng có còn là vị thuốc duy nhất còn có thể tin được là thật nữa không, trong thang thuốc bán đầy ngoài phố thuốc. Và, mới chỉ nghe tiếng sấm mới động chân trời xa, bỗng da diết nhớ vùng rừng có những người hiền như vị hoài sơn trong thang thuốc bắc.
Khau nhục, món ngon xứ Lạng
Món khau nhục thần thánh nghi ngút hơi trên mâm. Miếng khau nhục đưa vào miệng đã tan ra, đủ các vị ngọt bùi mà không ngấy béo.