Những đoạn tản mạn ngắn trích từ tập “ Năm tháng trôi qua” (sắp in) của nhà thơ Lê Thị Mây. Mỗi hình ảnh, mỗi lời nói mà bà nhớ lại là những mảnh ghép mang tên ký ức, của một thời chiến tranh, đau thương mà thấm đẫm tình người.
Năm ấy, cách đây những năm mươi năm, từ Quảng Bình tôi có chuyến ra Hà Nội đầu tiên ở tuổi đôi mươi. Một chuyến đi phép ra Hà Nội theo ước nguyện của bố mẹ tôi. Bấy giờ chị dâu thứ hai sinh con trai đầu lòng. Chị dâu cả, quê vùng Nhân Trạch, sinh bầy con trai những năm đứa với hai gái. Chị dâu Hà Nội vốn đang đứng chân công nhân một nhà máy cơ khí được cử đi học trường trung cấp nghề ở Hà Bắc.
Anh trai những năm đầu 1960, ra Hải Phòng học trường Hàng hải Hải Phòng. Anh chị qua thư từ, gặp gỡ sau một hai mùa hè, có dượng V, chồng của cô tôi từ Thái Lan hồi hương về nước, định cư tại Hà Nội, dượng giới thiệu, tác hợp, nên được gia thất; con trai đầu lòng ra đời, chị được chuyển công tác, theo nguyện vọng hợp lý hóa gia đình, về một đơn vị nhận hàng y tế viện trợ của các nước châu Âu, tại Hải phòng. Ngày tôi ra thăm chị dâu Hà Nội, anh trai chuyển từ giáo viên, được điều động về đứng chân máy trưởng một con tàu lớn, của đội tàu viễn dương, nhận hàng viện trợ của nước Nhật, và cả vận hàng tuyến nội địa đưa vào Nam. Cảng vào đầu tiên tàu anh cập bến lại là cảng cửa sông Nhật Lệ, Đồng Hới, Quảng Bình quê nhà…
Trở lại câu chuyện về chuyến đi phép ra Hà Nội. Ngoài thăm gia đình anh chị Huỳnh, tôi còn thăm gia đình một chị gái hơn tôi bốn, năm tuổi. Chị, nhà báo Tô Minh Nguyệt, bấy giờ là phóng viên của báo Phụ nữ Việt Nam. Chuyến đi thực tế vào Quảng Bình khói lửa chị rất tâm đắc được tỉnh giới thiệu về đơn vị nữ dân quân Ngư Thủy. Nhà thơ Xuân Hoàng đang là Hội trưởng Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình, phân công cử Mỹ Dạ cùng đi thực tế về Ngư Thủy với chị Nguyệt.
Phu nhân của nhà thơ Xuân Hoàng là chị Hà Thị Bình, Hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Bình. Chị Bình có bút danh thi sĩ là Hà Thu Tịnh. Gia đình nhà thơ Xuân Hoàng có hai con gái, trong bốn nàng con gái có duyên phận báo chí văn chương. Chị cả lạc sang doanh nghiệp kinh tế, học từ Bun về. Con gái Lam Giang lạc sang nghiệp y, là một bác sĩ giỏi.
Sau 30 tháng Tư, cả gia đình nhà thơ Xuân Hoàng chuyển vào sống tại Sài Gòn. Quê gốc của nhà thơ Xuân Hoàng cùng quê gốc với nhà thơ Xuân Diệu.
Từ thời triều Nguyễn, các cụ bề trên thuộc cây phả hệ nhà thơ Xuân Hoàng vốn quan viên nho học ra làm quan ở Quảng Bình. Nhà thơ Xuân Hoàng được sinh ra ở thành Đồng Hới. Các em trai của nhà thơ Xuân Hoàng đều tham gia hoạt động cách mạng từ thời kháng chiến chống Pháp. Sau hòa bình năm 1954, vào những năm đầu 1970, các người em của nhà thơ Xuân Hoàng là những cán bộ nòng cốt của tỉnh Đảng bộ Quảng Bình. Có một người trở thành Bí thư Thị ủy Đồng Hới.
Có điều vui và hay xin bật mí vào bài viết.
Các con gái của nhà thơ Xuân Hoàng đều lấy tên sông để đặt. Con út tên sông Nhật Lệ. Con gái thứ hai Minh Hà. Con gái thứ ba Lam Giang và con trưởng lại có tên Đạm Thủy, lấy tên nhân vật truyện của đại thi hào Nguyễn Du, ý nhắc nhớ, phu nhân của nhà thơ Xuân Hoàng quê Hà Tĩnh…
Từ trong mỗi gia đình của chúng ta, ngẫm nghĩ về dây mơ rễ má họ tộc gia phả đều con cái một nhà; liền cành liền cội con rồng cháu tiên, từ thuở Hùng Vương lập nước.
Trong chiến tranh cả nước đồng tâm đồng lòng, kiên cường bền chí kháng chiến trường kỳ theo lời kêu gọi của Bác Hồ. Hàng chục hàng trăm câu khẩu hiệu, tranh ảnh cổ động, khẩu hiệu hô hào dựng khắp đầu làng ngã ba hướng ra chiến trường bừng bừng khí thế: “Xe chưa qua nhà không tiếc’’, “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền’’…
Sông Bến Hải, cầu Hiền Lương là biểu tượng ý chí thống nhất non sông của cả dân tộc. Với ý chí kiên cường, trên khắp các chiến trường, quân dân chiến sĩ cả nước ghi được nhiều mốc son lịch sử vẻ vang, chấn động địa cầu như chiến dịch đánh cứ điểm Điện Biên năm 1954; chiến dịch đánh, giải phóng Khe Sanh năm 1968…
Năm 1946, Bác Hồ ra lời kêu gọi gửi đến toàn dân, thực hiện kháng chiến trường kỳ! Chiến lược, chiến thuật thời chiến lòng dân ai ai cũng sâu tự trong tâm ý hiểu: Bí mật sẽ tạo được thế trận bất ngờ là yếu tố thắng lợi cầm chắc trong tay. Nghi binh, mật danh chiến sĩ, hầm hào, địa đạo là sức mạnh bật lên từ lòng người, từ lòng sâu quê hương đất mẹ… Giặc sài lang Pháp, Mỹ là kẻ thù không đội trời chung!...
Rường cột nhà cửa được tháo dỡ làm hầm chữ A tránh bom cho con trẻ và người già. Cả nước đâu đâu chằng chịt địa đạo để không ngưng gẫy việc sinh con đẻ cái và chiến đấu, quyết đánh cho Mỹ cút. Địa đạo Vĩnh Mộc, thuộc Vĩnh Linh. Địa đạo Củ Chi của thành phố Sài Gòn… Năm tháng chiến tranh từ đánh Pháp đến đánh Mỹ dài dặc hai mươi mốt năm, nhớ lại khôn nguôi đau thương mất mát và kiêu hãnh vinh quang…
Trở lại chuyến nghỉ phép đầu tiên được ra Hà Nội, ngoài việc thăm anh chị Huỳnh tôi còn đến thăm gia đình chị Tô Minh Nguyệt ở phố Pháo Đài Láng. Cơ duyên kỳ diệu này được vùi kín trong tâm, mãi đến năm Giáp Thìn đột nhiên mạch cảm xúc đã ghi nhận 50 năm về trước được đánh thức, và mơ hồ hình thành dự định sẽ viết, khơi chảy mạch thơ “Pháo Đài Láng”, như đã từng viết tập thơ “Gương than đời thợ” về vùng mỏ Quảng Ninh, tập thơ “Giấc mơ bay của cá”, tập thơ “Bazan gương mặt đẹp Tây Nguyên”, sau chuyến đi thực tế trong đội ngũ của Thành đoàn thành phố Huế đi khai hoang lập làng mới ở Buôn Hồ. Hay tập thơ “Khúc ca trầm tích lửa”, đoạt giải thưởng của Tổng công đoàn Việt Nam 2014. Ở trang có tính tổng kết này, thể nào rồi cũng sẽ còn nói tiếp về mạch cảm xúc có tình huyền ảo, hơi thần bí này của một đời thơ, nay đã qua tuổi bảy mốt, bảy lăm...
Tập thơ “Pháo Đài Láng” hoàn chỉnh được, ra đời được, sẽ chọn hình ảnh làm bìa là tượng đài “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, tác phẩm của nhà điêu khắc Vũ Đình Minh và họa sĩ Mai Văn Kế. Địa điểm được chọn là vườn hoa Vạn Xuân (tôi thường thốt gọi thầm là công viên Hàng Đậu). Vườn hoa Vạn Xuân được khánh thành năm 2004. Câu khẩu hiệu ghi trên tượng đài: QUYẾT TỬ ĐỂ TỔ QUỐC QUYẾT SINH, “Có ý nghĩa bao quát thể hiện tinh thần bất khuất, hùng tráng của các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô đã tự nguyện tận hiến, hy sinh tính mạng mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc’’, theo báo Quân đội Nhân dân.
Tập thơ hiện diện dần qua từng bài thơ. Bài đầu tiên “Trang sách hòa bình” (đã được in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội). Bài thơ được viết sau một đêm đọc trọn tác phẩm “Nhật ký gửi hòa bình” của liệt sĩ Đoàn Anh Thông (nhà thơ Đoàn Văn Mật tặng cho tôi). Bài thứ hai “Vai biên thùy”, in ở đặc san Văn hóa quân sự, số 3 - 2024.
Liệt sĩ Đoàn Anh Thông quê Nam Định. Nhập ngũ năm 1965. Hy sinh tại chiến trường Quảng Trị, ngày 9 - 10 - 1971. Chức vụ Thiếu úy thuộc Tiểu đoàn 117, Trung đoàn 361 Quân chủng Phòng không - Không quân.
Anh Đoàn Anh Thông hy sinh để lại gia tài gồm những bài thơ, ghi chép trong nhật ký chặng đường hành quân chiến đấu (đã được Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân in thành tác phẩm, với đầu đề “Nhật ký gửi hòa bình”, năm 2018. Gồm 96 bài thơ và gần 10 bài nhật ký hành quân vào chiến trường Quảng Trị.
Đặc biệt ở trang đầu của tác phẩm “Nhật ký gửi hòa bình” có sáu câu thơ của tác giả Đoàn Anh Thông được anh ghi vào ngày 14-9-1965, tức sau một tháng nhập ngũ, đang trên đường hành quân vào chiến trường Quảng Trị.
Ta sẽ viết – viết lên sự thật
Của đời ta trong khói lửa chiến tranh
Trong lửa đạn khói bom thù chồng chất
Hay cây hòa bình lá lại tươi xanh
Dù không hay nhưng tôi vẫn viết
Để rồi đây ! Ôn lại tuổi xuân xanh
14-9-1965
Tập thơ “Pháo Đài Láng” được chọn hơn năm mươi bài, viết còn chưa ráo mực. Ẩn hiện những gương đời lính, thế hệ đánh Mỹ. Là tấm gương đời thật việc thật tận hiến máu xương để Tổ quốc quyết sinh. Liệt sĩ Tô Hùng, Tiểu đội trưởng Tiểu đội Đặc công Trung đoàn Thủ đô, hy sinh tại Huế cùng với ba đồng đội. Mộ phần đang ở nghĩa trang Thủy Trường, thành phố Huế.
Và có thể nói, có hơn một nửa với nhiều lý do gần như là định mệnh và tuổi đời cao, đã thanh thản yên nghỉ trong lòng đất mẹ sau tháng ngày đi qua chiến tranh! Tôi thuộc trong một nửa, ra khỏi chiến tranh, trở về quê chôn nhau cắt rốn sống trong yên vui thời bình, tận hưởng những thành quả lớn lao của non sông đất nước từ sau 30 tháng 4 năm 1975.
Điều tận hưởng lớn lao nhất với riêng tôi, được cầm nắm, lật giở hàng ngày trang sách. Tôi có thư viện sách nho nhỏ. Trong tủ sách nhỏ có nhiều sách quý. Cách đây hơn năm, một bạn thơ của tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Đoàn Văn Mật tặng thi phẩm “Nhật ký gửi hòa bình” của liệt sĩ Đoàn Anh Thông.
Về nhà tôi đọc thâu đêm, đến trang cuối cùng trời rạng đất. Mở cửa sổ đã có nắng lên, nhìn đồng hồ đã chạm giờ Thìn, giờ rồng bay ngựa hí về trời. Những áng mây cổ tích bịn rịn chưa bay xa trong tâm trí. Nhưng đâu phải cổ tích. Chi tiết, câu chuyện đời thật rưng rưng xúc động.
Nhiều ngày sau, suốt vài ba tuần liền tôi lại dần giở xem ngày tháng dưới từng trang nhật ký của người đã khuất, lòng mơ hồ, mắt chơm chớp ngấn lệ. Rồi đột nhiên có một xáo trộn lớn, có thể với dự định hồi hương về quê. Dự định hồi hương, rời Hà Nội đã kéo chuỗi tâm tư của gia đình chúng tôi đã có từ ngày nhà có hai người. Hoặc về Đà Nẵng, hoặc về Bình Trị Thiên. Bình Trị Thiên vốn dây mơ rễ má cả ba tỉnh khó chia lìa, lựa chọn. Về Huế có mộ phần bố mẹ. Qua đèo Hải Vân Quan, ba má ở Đà Nẵng đã nói: “Các con về ba sẽ tính chuyện đất đai cho các con ở cạnh ba má’’ với hy vọng con dâu cả sẽ sinh được quý tử đích tôn…
Và thủ trưởng cơ quan chưa hỏi đã nói sẽ cử tôi đại diện thường trú tại Đà Nẵng một thời gian ngắn chừng hai hoặc ba năm, rồi trở ra Hà Nội.
Mọi chuyện qua, số phận an bài.
Dài dặc từ tuổi mười sáu rời nách áo mẹ, nay đã an bài, mọi chuyện tưởng đã qua!
Vậy mà chưa qua ư? Cho là vậy. Tôi lật theo ngày tháng của “Nhật ký gửi hòa bình”, đặt từng dấu chân đi ngược với nhiều nghĩ ngợi, dò tìm bịn rịn. Tuổi hai mươi của tôi? Tôi có tuổi hai mươi không? Hay chỉ có tuổi chiến tranh, kéo vệt từ tuổi hai mươi, nay đang viết đôi dòng, nửa nhớ nửa quên này, mắt nhòe lệ với nỗi niềm thương cha nhớ mẹ. Nhớ bầy em nhỏ từ ngày ru ẵm chúng vào những buổi chợ mẹ vắng nhà. Xóm làng chài lưới tấp nập trùng khơi. Bầy em nhỏ, đứa út tuổi Mão, năm 1963, năm chiến tranh, giặc Mỹ đang bắt đầu ném bom ra miền Bắc. Nửa miền Nam ruột thịt lâm cảnh đau thương giặc Pháp gây ra và lăm le giặc Mỹ thế chân…
Mỗi đời người ai ai cũng đầy ắp muôn vàn hốc hang ký ức, tình huống, tình tiết tư liệu cuộc sống. Chọn vỉa quặng gắn với đời sống phát triển thăng hoa của xã hội theo múi giờ Tổ quốc với những đóng góp dù nhỏ nhặt, nhưng hữu ích dám hy sinh, tận hiến trong mạch nguồn mỹ cảm nhân văn truyền thống, dân tộc, con rồng cháu tiên…
Tiến sĩ Trương Thị Thảo: Dịch sách cũng gian truân như khi làm khoa học
Tiến sĩ Trương Thị Thảo - người chuyển ngữ ba cuốn sách của Nishi Katsuzo - Nhà nghiên cứu người Nhật về sức khỏe và Y học tự nhiên