Tiếc thương nhà thơ, dịch giả Dương Tường

Nhà thơ - dịch giả Dương Tường qua đời tối 24.2.2023 ở tuổi 92, đã khiến nhiều bạn văn cả nước thương tiếc.
Tiếc thương nhà thơ, dịch giả Dương Tường

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường - người từng chuyển ngữ tiểu thuyết "Lolita" của Vladimir Nabokov - qua đời lúc 20h08 ngày 24/2, thọ 91 tuổi.

Bà Nguyễn Thị Trinh - vợ nhà thơ Dương Tường - cho biết ông mất ở ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Trước đó, ông yếu sức, mắc nhiều bệnh như zona, khớp. Năm 2020, ông từng trải qua ca mổ do rạn xương.

Thông tin nhà thơ, dịch giả Dương Tường qua đời đã khiến văn đàn không khỏi xót thương, tiếc nuối cho một người đã dấn thân cả đời cho văn học.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nói: "Ông Dương Tường là một nhà thơ, một dịch giả dành cả đời người dấn thân cho sáng tạo văn học, cả trong dịch thuật lẫn sáng tác thơ ca. Cho đến tận những năm cuối đời, khi sức khỏe đã hao mòn, ông vẫn lặng lẽ làm việc. Ông luôn đi tìm cái mới trong sáng tạo thơ ca, trong dịch thuật".

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chia sẻ trên Facebook: "Sự ra đi của Dương Tường đối với tôi vẫn là quá đột ngột, dẫu biết ông đã ngoài tuổi chín mươi, dẫu biết ông đã nằm viện hơn hai tháng nay, dẫu biết ông có thể rời bỏ cõi đời bất cứ lúc nào". Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cũng từng nói rằng dịch giả Dương Tường ăn nằm với nguyên tác để đẻ ra bản dịch. Ông nhận xét Dương Tường dịch với tâm hồn nghệ sĩ, nhưng cách làm việc còn hơn cả công chức.

Tiếc thương nhà thơ, dịch giả Dương Tường

Tên tuổi Dương Tường đã gắn với các tiểu thuyết lớn của văn chương thế giới như: Cuốn theo chiều gió, Đồi gió hú, Anna Karenina, Cội rễ, Người dưng, Alexis Zorba, Bức thư của người đàn bà không quen, Con đường xứ Flandres, Cái trống thiếc, Kafka trên bờ biển, Chết chịu, Lolita… và mới nhất là bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh. 

Trải suốt sự nghiệp của ông là khoảng 50 dịch phẩm lớn nhỏ. Ông Nhật Anh - Giám đốc công ty sách Nhã Nam, đơn vị in nhiều tác phẩm dịch của Dương Tường - đã nhận định Dương Tường có thể xếp vào đội ngũ những dịch giả gạo cội, tài năng nhất mà lịch sử Việt Nam từng chứng kiến như Nguyễn Văn Vĩnh, Hoàng Thiếu Sơn, Đỗ Đức Hiểu, Phạm Mạnh Hùng, Cao Xuân Hạo...

Truyện Kiều là công trình dịch cuối cùng của Dương Tường. Ông thực hiện bản dịch khi mắt gần như không nhìn thấy gì. Sau khi hoàn thành công trình chuyển ngữ truyện Kiều sang tiếng Anh, Dương Tường đã thở phào nhẹ nhõm: “Bây giờ tôi có thể thanh thản ra đi được rồi”. Ông chia sẻ, dịch tác phẩm này sang tiếng Anh là việc cả đời dịch nhưng vì quá đam mê nên ông đã khấn cụ Nguyễn Du, xin được dịch. "Vậy là hai năm trời tôi mò từng phím một để học Kiều và dịch", ông nói. 

Dương Tường cũng được biết tới như một nhà thơ với hồn thơ độc đáo. Biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy là người từng trực tiếp biên tập cuốn Dương Tường Thơ, đã chia sẻ rằng trong thơ Dương Tường, bà tìm thấy vẻ đẹp bất biến của "ngón thơ con âm", và tính bất biến của cảm xúc chất chứa trong thơ.

Nhiều độc giả vẫn biết tới ông qua tác phẩm "Tình khúc 24", bài thơ sau này được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc. 

TH

Dương Tường hoàn thành bản dịch truyện 'Kiều' sang tiếng Anh: 'Bây giờ tôi có thể thanh thản ra đi được rồi”

Dương Tường hoàn thành bản dịch truyện "Kiều" sang tiếng Anh: "Bây giờ tôi có thể thanh thản ra đi được rồi”

Vì tình yêu với tiếng Việt và đặc biệt là truyện "Kiều" dù mắt đã lòa, dịch giả Dương Tường vẫn quyết tâm chuyển ngữ tác phẩm này sang tiếng Anh.