Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 10/2024

Từ tháng 10/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: Cao tốc có ít nhất 4 làn xe, chạy tốc độ tối đa 120 km/h.

Cao tốc có ít nhất 4 làn xe, chạy tốc độ tối đa 120 km/h

Từ 1/10, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc chính thức có hiệu lực . Quy chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu quản lý trong đầu tư xây dựng , quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì đường bộ cao tốc (trừ đường cao tốc đô thị). Đồng thời áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành khai thác và bảo trì đường bộ cao tốc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong đó, quy định tốc độ thiết kế đường bộ cao tốc được phân làm 3 cấp như sau:

Cấp 120 có tốc độ thiết kế là 120 km/h; Cấp 100 có tốc độ thiết kế là 100 km/h; Cấp 80 có tốc độ thiết kế là 80 km/h; đối với vị trí địa hình đặc biệt khó khăn, yếu tố quốc phòng an ninh khống chế, cho phép áp dụng tốc độ thiết kế 60 km/h.

Trên đường bộ cao tốc có thể có những đoạn áp dụng cấp khác nhau, nhưng đoạn này phải dài từ 15 km trở lên và tốc độ thiết kế của hai đoạn liên tiếp không được chênh nhau quá 20 km/h. Trường hợp đường bộ cao tốc áp dụng cấp tốc độ thiết kế quá một cấp (20 km/h), phải có một đoạn quá độ dài ít nhất 02 km có cấp tốc độ thiết kế trung gian.

Ngoài ra, quy chuẩn cũng quy định Đường bộ cao tốc có quy mô tối thiểu 4 làn xe chạy (2 làn xe cho mỗi chiều), có làn dừng xe khẩn cấp được bố trí liên tục (trừ các vị trí: qua cầu có khẩu độ nhịp từ 150,00 m trở lên; cầu có trụ cao từ 50,00 m trở lên; hầm; có bố trí làn tăng, giảm tốc; làn phụ leo dốc).

Trạm dừng nghỉ phải có trụ sạc xe điện

Theo Thông tư 09/2024 của Bộ Giao thông Vận tải về quy chuẩn kỹ thuật trạm dừng nghỉ trên cao tốc có hiệu lực từ 5/10, trạm dừng nghỉ trên cao tốc được phân thành 4 loại. Trạm loại 1 có diện tích lớn nhất, từ 10.000 m2 trở lên, trong đó bãi đỗ xe chiếm khoảng một nửa. Các loại trạm còn lại có diện tích giảm dần, lần lượt là 5.000 m2, 3.000 m2 và 1.000 m2.

Theo quy định mới, trạm dừng nghỉ loại 1 và 2 bắt buộc phải dành 10% diện tích đỗ xe cho xe điện, trong khi loại 3 và 4 được khuyến khích thực hiện. Việc lắp đặt cụ thể các trụ sạc sẽ dựa trên nhu cầu thực tế tại từng địa điểm.

Với những trạm dừng nghỉ đã đưa vào khai thác trước ngày Thông tư có hiệu lực, chủ sở hữu phải hoàn thành việc sửa chữa, nâng cấp các hạng mục, bao gồm trạm sạc và khu vực đỗ cho xe điện theo quy chuẩn trước ngày 1/1/2027.

Quy định mới về đánh số nhà

Thông tư 08/2024 của Bộ Xây dựng quy định việc đánh số, gắn biển số nhà, công trình xây dựng có hiệu lực từ ngày 15/10. Văn bản này thay thế Quyết định 05/2006 được thực hiện trong 18 năm qua.

Cụ thể, nhà mặt đường, phố được đánh số theo thứ tự tăng dần (1, 2, 3...), bắt đầu từ số 1. Nhà bên trái đường mang số lẻ, nhà bên phải mang số chẵn. Chiều đánh số thường từ Bắc xuống Nam hoặc từ Đông sang Tây.

Với nhà có hai mặt tiền thì ưu tiên đánh số theo mặt tiền đường rộng hơn. Nếu hai mặt tiền ngang bằng sẽ căn cứ vào vị trí cửa chính hoặc số nhà đã có trên đường đó để quyết định. Đối với đường, phố chưa có nhà, UBND cấp huyện sẽ lập danh sách số nhà dự phòng dựa trên quy hoạch chi tiết, đảm bảo việc đánh số được thực hiện một cách khoa học và thống nhất.

Nguyên tắc chèn số nhà với nhà xây mới xen giữa hai nhà hiện hữu là thêm chữ cái in hoa hoặc số tự nhiên vào số nhà bên cạnh nhỏ hơn. Ví dụ, nhà phát sinh giữa hai nhà 20 và 22 sẽ được đánh số 20A, 20B, 20C hoặc 20-1, 20-2, 20-3. Với nhà trong ngõ chưa có tên riêng, nguyên tắc đặt tên theo số nhà mặt đường, phố nằm kề ngay trước ngõ (theo số nhà nhỏ hơn).

Quy định mới về khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng

Nghị định số 108/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác chính thức có hiệu lực từ ngày 15/10.

Nghị định trên quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở (sau đây gọi là nhà, đất) giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác với mục đích: Cho thuê nhà (gắn với quyền sử dụng đất); Tạm quản lý trong thời gian chờ thực hiện xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật.

Việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất phải đảm bảo hiệu quả, giải quyết nhu cầu về nhà, đất phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Phải được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán theo quy định của pháp luật; mọi hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất phải được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Nghị định cũng quy định việc cho thuê nhà (gắn với quyền sử dụng đất) của tổ chức quản lý, kinh doanh nhà được thực hiện theo phương thức đấu giá, trừ các trường hợp thực hiện theo phương thức niêm yết giá.

TP HCM lập Trung tâm phục vụ hành chính công

Theo nghị quyết của HĐND TP HCM ngày 27/9, Trung tâm hành chính công được thí điểm thành lập giúp người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ ở các chi nhánh, điểm tiếp nhận trong thành phố mà không phụ thuộc địa giới hành chính như trước.

Cơ quan này trực thuộc UBND thành phố, hoạt động thí điểm từ 1/10 đến cuối năm 2026. Từ nay đến cuối năm 2024, nơi này tổ chức lại bộ máy, chuẩn bị nhân sự, trang thiết bị, quy trình giải quyết thủ tục. Năm 2025 trung tâm bắt đầu giải quyết hồ sơ đa ngành, đa lĩnh vực, không còn phụ thuộc địa giới hay các cấp hành chính.

Hiện việc tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính tại TP HCM thực hiện theo ba cấp, gồm: 18 sở; 22 quận, huyện, TP Thủ Đức và 312 phường, xã, thị trấn. Công tác giải quyết các thủ tục thực hiện theo chức năng, thẩm quyền mỗi cấp, dẫn đến người dân ở khu vực nào cần ra nơi đó nộp hồ sơ và nhận kết quả.

Lộ trình đến năm 2026, TP HCM sẽ giải quyết hồ sơ thông qua 23 chi nhánh (chi nhánh trung tâm và 22 chi nhánh quận huyện, TP Thủ Đức); 140 điểm tiếp nhận tại các phường, xã, thị trấn thuộc TP Thủ Đức, 5 huyện (Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ) cùng 4 quận (7, 12, Bình Tân, Gò Vấp), không còn nhận hồ sơ ở các sở ngành.

Sáu hành vi bị nghiêm cấm trong hành nghề công tác xã hội

Nghị định số 110/2024/NĐ-CP về công tác xã hội có hiệu lực từ 15/10.

Nghị định quy định rõ 6 hành vi bị nghiêm cấm trong công tác xã hội: Cung cấp, công bố, tiết lộ, phá hủy thông tin, dữ liệu cá nhân của đối tượng mà không được sự đồng ý của đối tượng hoặc người giám hộ hoặc người đại diện trừ trường hợp cơ quan, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Từ chối cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

Lợi dụng việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội để trục lợi hoặc có hành vi vi phạm pháp luật.

Lợi dụng hành nghề công tác xã hội để trục lợi chế độ, chính sách của nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân.

Thu các khoản chi phí, lợi ích ngoài khoản thù lao và chi phí được thỏa thuận thống nhất với tổ chức, cá nhân trong hợp đồng cung cấp dịch vụ công tác xã hội, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Lợi dụng hành nghề công tác xã hội, cung cấp dịch vụ công tác xã hội để xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Nghị định quy định cụ thể về dịch vụ công tác xã hội. Đây là dịch vụ do tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp hoạt động công tác xã hội thực hiện nhằm hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội của cá nhân, nhóm, gia đình và cộng đồng.

Thanh Mai/Tổng hợp

Quy định về giảm thuế giá trị gia tăng từ ngày 1/7

Quy định về giảm thuế giá trị gia tăng từ ngày 1/7

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 72/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội.