Chính sách tiền tệ của Trung Quốc đang bỏ lỡ một yếu tố then chốt?

Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) có dấu hiệu chuyển hướng lập trường sang nới lỏng mạnh mẽ hơn các chính sách tiền tệ, song tầm nhìn của họ dường như không tính đến "kẻ thù" then chốt đối với tăng trưởng kinh tế là nhu cầu tiêu dùng liên tục ở mức thấp.

Các đợt bơm thanh khoản và áp chi phí vay thấp hơn mà PBoC công bố ngày 24/9 đã cải thiện tâm lý thị trường, song chủ yếu là vì các quyết sách này tăng kỳ vọng về khả năng giới hữu trách sẽ sớm triển khai gói ngân sách để bổ sung các biện pháp tiền tệ và tài chính. 

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt với áp lực giảm phát mạnh và rủi ro không đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay do đà suy thoái của bất động sản và sụt giảm lòng tin của người tiêu dùng, bài toán mà các nhà phân tích cho rằng chỉ có các chính sách tài khóa nhằm "bơm" tiền vào túi của người tiêu dùng thông qua tăng chi trả lương hưu và những khoản phúc lợi xã hội khác mới có thể giải quyết. 

Shuang Ding, trưởng nhóm kinh tế Trung Quốc Đại lục và Bắc Á tại Standard Chartered, bình luận: "Các chính sách của ngân hàng trung ương đã vượt quá kỳ vọng, nhưng vấn đề chính của nền kinh tế hiện nay không phải là tình trạng thiếu thanh khoản… Để hỗ trợ nền kinh tế thực, tôi cho rằng họ sẽ cung cấp một gói chính sách khác, đặc biệt là các chính sách tài khóa". 

Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế khu vực châu Á của HSBC Fred Neumann đồng tình với nhận định này, và cho rằng các cơ quan chức năng phải thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, điều có thể được thực hiện thông qua các biện pháp khác như chính sách tài khóa.

PBoC tung ra gói biện pháp táo bạo nhất kể từ khi xảy ra đại dịch, song quy mô của gói kích thích vẫn còn nhỏ và các nhà phân tích không khỏi hoài nghi về hiệu quả tổng thể. 

Chính sách tiền tệ của Trung Quốc đang bỏ lỡ một yếu tố then chốt?- Ảnh 1.

Một công nhân đẩy xe đẩy dọc con đường bên ngoài công trường xây dựng tại khu thương mại trung tâm ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào năm 2022. Ảnh: AFP

Trong bối cảnh nhu cầu tín dụng từ các hộ gia đình và doanh nghiệp vẫn còn yếu, việc số tiền 1.000 tỷ CNY (khoảng 142 tỷ USD) sẽ được giải ngân trong hệ thống tài chính thông qua việc cắt giảm yêu cầu dự trữ của ngân hàng có thể thúc đẩy hoạt động mua trái phiếu chính phủ nhiều hơn là cho vay trong nền kinh tế thực. 

Sách Be Trung Quốc lưu ý rằng các công ty "đã không muốn vay trong nhiều năm bất kể điều kiện tín dụng là gì vì nhu cầu của các doanh nghiệp rất kém… Thêm vào đó, các hộ gia đình sẽ không nhanh chóng tin rằng tình hình sẽ cải thiện và chi tiêu nhiều hơn kể cả khi lãi suất tiết kiệm thấp".

Việc cắt giảm lãi suất thế chấp hiện tại sẽ giải phóng thêm 150 tỷ CNY hàng năm cho các hộ gia đình. Tuy nhiên, con số này chỉ tương đương 0,12% sản lượng kinh tế hàng năm và một phần trong số đó có thể được dùng để trả nợ thế chấp sớm. 

Raymond Yeung, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của khối Trung Quốc Đại lục tại ANZ, ước tính người tiêu dùng Trung Quốc trung bình chỉ chi tiêu 35 CNY trong mỗi 100 CNY họ kiếm được. 

Việc PBoC cắt giảm lãi suất chính tới 0,2 điểm phần trăm là mạnh tay hơn thông thường những gì ngân hàng này thường làm, song vẫn thấp hơn mức mà hầu hết các ngân hàng trung ương khác thực hiện.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm hồi tuần trước. Các nhà phân tích của Gavekal Dragonomics nhận định, "các biện pháp chính sách tiền tệ mà PBoC công bố lần này đều đã từng được sử dụng trong quá khứ song không tạo ra nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế", miêu tả những động thái này là "khiêm tốn". 

Do đó, tầm quan trọng của gói kích thích chủ yếu nằm ở khả năng chúng mở đường cho các biện pháp khác trong tương lai. Theo Fred Neumann, bằng cách bơm thêm thanh khoản, PBOC sẽ tạo thêm không gian để chính phủ phát hành nợ phục vụ các biện pháp kích thích bổ sung. 

Ông nói: "Điều mà thị trường hy vọng là các đợt bơm thanh khoản'đánh tiếng' về một chương trình phát hành trái phiếu quy mô trong những tuần tới".

Chính sách tiền tệ của Trung Quốc đang bỏ lỡ một yếu tố then chốt?- Ảnh 2.

Niềm tin của người tiêu dùng ở Trung Quốc giảm xuống 86 điểm trong tháng 7 từ mức 86,20 điểm vào tháng 6/2024. Niềm tin của người tiêu dùng ở Trung Quốc đạt trung bình 109,57 điểm từ năm 1991 đến năm 2024, đạt mức cao nhất mọi thời đại là 127 điểm vào tháng 2/2021 và mức thấp kỷ lục 85,50 điểm vào năm Tháng 11/2022. Nguồn: Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc

Lynn Song, Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế khối Trung Quốc tại ING, cho rằng cách trực tiếp nhất để kích thích nền kinh tế trong ngắn hạn là thông qua nhiều khoản đầu tư của chính phủ hơn, dù "các nhà kinh tế ngày càng ủng hộ các biện pháp thúc đẩy nhu cầu, dưới hình thức phiếu mua hàng hoặc các chính sách tương tự". 

Thực tế Trung Quốc đã có bước đi theo hướng này. Tháng 10/2023, để đảm bảo đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, Bắc Kinh đã phát hành thêm 1.000 tỷ CNY trái phiếu kho bạc đặc biệt để tài trợ cho nhiều dự án cơ sở hạ tầng. Không rõ các biện pháp kích thích bổ sung trong năm nay sẽ có sự khác biệt như thế nào.

Hồi tháng 7, giới chức hé lộ một thay đổi nhỏ trong chiến lược chi tiêu hướng đến người tiêu dùng bằng khoản trợ cấp mua sắm thiết bị gia dụng mới và nhiều mặt hàng hàng hóa khác. Đây được coi là một bước tiến theo hướng mà nhiều nhà kinh tế đã kêu gọi Bắc Kinh thực hiện suốt nhiều năm qua để giải quyết cán cân chênh lệch giữa đầu tư và tiêu dùng.

Các nhà phân tích của Nomura cho rằng Bắc Kinh có thể tăng lương hưu và phúc lợi y tế cho các nhóm thu nhập thấp và trợ cấp sinh con để góp phần tái cân bằng nền kinh tế. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo những bước đi này có thể không diễn ra ngay lập tức. 

Một lưu ý của Nomura nhấn mạnh: "Chúng tôi không tin rằng chỉ các chính sách tiền tệ và tài chính riêng lẻ này là đủ để ngăn chặn tình trạng suy thoái kinh tế ngày càng trầm trọng hơn… Các biện pháp kích thích tài chính nên được ưu tiên hàng đầu, dù chúng tôi vẫn khuyến khích các nhà đầu tư quản lý thận trọng kỳ vọng của họ".

(Nguồn: TTXVN/Reuters)

CHẤN HƯNG