Thời gian qua diễn ra nhiều biến số bất ngờ của thị trường như những thông tin tiêu cực về vi phạm của các doanh nghiệp bất động sản lớn, cơ quan quản lý nhà nước siết chặt hơn quy định về thuế, kiểm soát phân lô bán nền và ngân hàng nhà nước yêu cầu siết nguồn tín dụng vào bất động sản,... là những lý do khiến người mua và nhà đầu tư bất động sản có tâm lý thận trọng hơn.
DKRA Vietnam báo cáo thị trường bất động sản tại TP.HCM và các tỉnh giáp ranh, trong tháng 4/2022, phân khúc đất nền có 10 dự án mở bán, trong đó, 5 dự án mới và 5 dự án giai đoạn mở bán tiếp theo. Tỷ lệ hấp thụ trên 82%, cụ thể nguồn cung có 1.602 nền, tăng 12%, tiêu thụ đạt 1.320 nền, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo DKRA, Long An dẫn đầu thị trường, chiếm 63% tổng nguồn cung và 64% lượng tiêu thụ mới trong tháng, các dự án mở bán tập trung tại huyện Đức Hòa và Cần Giuộc. Tuy nhiên với việc địa phương này dừng cấp phép hoạt động tách thửa, nguồn cung mới tại thị trường này có thể sụt giảm đáng kể trong thời gian tới.
Phần lớn những giai đoạn tiếp theo các dự án tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Đồng Nai ghi nhận mức giá sơ cấp điều chỉnh tăng từ 3% – 7% so với thời điểm mở bán vào đầu năm.
TP.HCM tiếp tục khan hiếm nguồn cung đất nền mở bán mới, chủ yếu là các dự án cá nhân tự đứng ra phân lô, quy mô nhỏ lẻ tập trung các huyện vùng ven thuộc khu Nam, tiếp giáp với ranh giới tỉnh Long An.
Những thông tin định hướng quy hoạch lên quận/thành phố của các huyện vùng ven TP.HCM (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh,...) tác động lên giá chào bán thứ cấp ở các dự án, ghi nhận phổ biến tăng 10% – 18% so với thời điểm trước Tết. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường ở mức thấp, hầu như rất ít giao dịch phát sinh trong tháng.
Về thông tin quy hoạch, trong tháng 4, nhiều thông tin quy hoạch, dự án được công bố tại nhiều tỉnh miền Nam như dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tân Tập quy mô 654ha; tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); tuyến đường sắt Dĩ An - Hoa Lư; quốc lộ 14C kết nối Đắk Nông và Bình Phước qua Tây Ninh, Long An; thông xe kỹ thuật cầu An Phước, nối liền hai bờ sông Vàm Cỏ Đông, đi từ các xã cánh Tây với phường An Hòa và trung tâm thị xã Trảng Bàng, thuộc thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.
Ngay những tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản hứng chịu nhiều biến động từ lạm phát, căng thẳng địa chính trị đến loạt động thái siết chặt thị trường.
Đặc biệt, các kênh huy động vốn của doanh nghiệp bị siết khi Ngân hàng Nhà nước có công văn yêu cầu thực hiện kiểm soát các khoản cấp tín dụng với lĩnh vực rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp... một số ngân hàng đã thông báo hạn chế giải ngân đối với lĩnh vực bất động sản.
Sau 2 năm chống chọi với dịch COVID-19 hoành hành, mặt bằng giá bất động sản tại hầu hết các thị trường đều không giảm mà còn tăng, liên tục thiết lập mặt bằng giá mới.
Nghi vấn về "bong bóng" bất động sản bắt đầu xuất hiện khi giá liên tục được đẩy lên cao trong khi thanh khoản trên thị trường không tăng tương ứng.
Các chuyên gia nhận định việc nguồn cung dự án co ngót do thắt chặt pháp lý cùng với chi phí đầu vào tăng cao được cho là nguyên nhân chính đẩy giá nhà đất. Ngoài ra tâm lý đầu cơ dần hình thành trong bối cảnh lạm phát hậu khủng hoảng kinh tế cũng kích thích giá đất nhiều nơi tăng mạnh.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng giá nhà tăng nhưng thanh khoản thấp là tín hiệu cho thấy đã xuất hiện bong bóng cục bộ. Đáng chú ý, giá nhà cũng leo thang theo giá đất và lập mặt bằng giá mới ở nhiều nơi, song lượng giao dịch chỉ đạt mức thấp. Để ổn định thị trường, cơ quan quản lý nhà nước đang đẩy mạnh củng cố hành lang pháp lý cho thị trường bất động sản.
Tổng Hợp