Những ngân hàng nào huy động lãi suất trên 9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng?

Hiện tại, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng hầu hết đã giảm xuống dưới mức 9%/năm, tuy nhiên vẫn còn một số ngân hàng huy động với lãi suất cao hơn mức này.

Sau đợt giảm lãi suất đồng loạt đầu tuần qua, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng hầu hết đã xuống dưới mức 9%/năm. Tuy nhiên, tính đến sáng ngày 8/3, vẫn còn một số ngân hàng niêm yết lãi suất huy động cao hơn mức này.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đang dẫn đầu mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng với 9,5%/năm. Tiếp sau đó là Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) và Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) đang huy động với lãi suất 9,2%/năm. Tại Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank), lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng giữ ở mức 9%/năm.

Những ngân hàng nào huy động lãi suất trên 9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Với mức giảm phổ biến là 0,5%/năm kể từ ngày 6/3 vừa qua, nhiều ngân hàng trước đây thường dẫn đầu danh sách lãi suất huy động cho kỳ hạn 12 tháng thì nay cũng đã giảm còn khoảng 8,5-8,9%/năm như tại Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank)...

Với kỳ hạn 9 tháng, Kienlongbank đang niêm yết lãi suất tại quầy là 9,1%/năm; VietBank sau khi điều chỉnh cũng giảm từ 9,3%/năm xuống mức tương tự. Lãi suất kỳ hạn 9 tháng tại Oceanbank và Saigonbank áp dụng là 8,8%/năm; tại DongABank và BacABank là 8,6%/năm; tại BaoVietBank là 8,5%/năm...

Tương tự với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất huy động tại VietBank và Kienlongbank cùng niêm yết ở mức 9%/năm; Oceanbank và Saigonbank lần lượt là 8,8%/năm và 8,7%/năm; BacABank và DongABank lần lượt là 8,6%/năm và 8,55%/năm.

Ngoài ra, một số ngân hàng đang huy động lãi suất trên 8%/năm cho kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng còn có NCB, BaoVietBank, VPBank, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank)...

Còn tại 4 ngân hàng lớn Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), lãi suất đồng loạt niêm yết ở mức 7,2%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên và 5,8%/năm cho kỳ hạn 6-9 tháng; riêng BIDV niêm yết lãi suất nhỉnh hơn cho kỳ hạn 9 tháng là 5,9%/năm. Đây cũng là mức huy động thấp nhất trong toàn hệ thống tại thời điểm này, theo TTXVN.

Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn dài trên 12 tháng tại nhiều ngân hàng thương mại vẫn đang ở mức khá cao khi có 20/35 ngân hàng được khảo sát niêm yết lãi suất cao nhất từ 9%/năm, thậm chí có ngân hàng còn cận kề 10%/năm.

Cụ thể, khách hàng gửi tiền tại DongABank có thể được áp dụng lãi suất tới 9,9%/năm cho kỳ hạn 13 tháng nhưng điều kiện là số tiền gửi phải từ 500 tỷ đồng trở lên.

Các ngân hàng SCB, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) và Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng niêm yết lãi suất cao nhất là 9,5%/năm, chủ yếu dành cho hình thức gửi tiền trực tuyến hoặc đính kèm điều kiện về số dư tối thiểu từ 50 - 100 - 300 tỷ đồng...

Được biết, sau khi được phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng mới cho năm 2023, các ngân hàng đã đạt được sự đồng thuận giảm lãi suất huy động 0,5 điểm % trước ngày 6/3. Riêng nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước, do mức lãi suất đã thấp nên sẽ chỉ giảm khoảng 0,2%/năm so với hiện hành.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các NHTM giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.

NHNN cũng cho biết, trong tháng 2/2023, mặt bằng lãi suất đã ổn định và thực tế, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm (so với cuối năm 2022); đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất hợp lý, phù hợp với kiểm soát lạm phát. Việc cắt giảm lãi suất theo Thủ tướng cần được làm thực chất.

Trong báo cáo mới phát hành, Chứng khoán VnDirect dự báo xu hướng giảm của lãi suất huy động này có thể tiếp tục trong vài tháng tới do những yếu tố chính sau đây: 1) một lượng lớn tiền gửi đã quay lại hệ thống ngân hàng trong quý IV/2022, 2) chỉ đạo của chính phủ/NHNN trong việc giảm lãi suất huy động/cho vay, 3) chính phủ đẩy mạnh đầu tư công qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế, 4) thay đổi về cách tính tỷ lệ LDR có lợi cho các ngân hàng quốc doanh, theo Markettimes.

Nhóm phân tích kỳ vọng lãi suất huy động sẽ đạt đỉnh trong quý I và sau đó giảm dần kể từ quý II dựa trên những lập luận sau: (1) FED ngừng tăng lãi suất điều hành sau quý II, theo đó áp lực lên tỷ giá VND có thể hạ nhiệt đáng kể trong nửa sau của năm 2023, (2) NHNN tích cực hỗ trợ thanh khoản thị trường thông qua các kênh thị trường mở, mua dự trữ ngoại hối, (3) nhu cầu tín dụng chậm lại trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản ảm đạm.

"Chúng tôi kỳ vọng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng sẽ giảm dần về mức 6,7% và 7,5% vào cuối năm 2023", VnDirect cho biết.

(Tổng hợp)

AN LY