Cậu bé Dương Dương (Trung Quốc) năm nay 5 tuổi, vì bố mẹ bận rộn nên thường được ông bà chăm sóc. Ông bà rất yêu thương cháu, bất cứ điều gì cháu muốn, họ đều làm theo; ngay cả khi đứa trẻ làm sai, họ cũng không nỡ trách phạt. Thỉnh thoảng, bố mẹ Dương Dương mắng con vài câu, ông bà luôn bảo vệ không để cháu bị thiệt thòi.
Một ngày nọ, ông lão đưa Dương Dương đến siêu thị. Trong khi ông bận chọn chọn đồ, Dương Dương tới quầy trái cây và với tay lấy nho bóp nát. Một chùm, rồi hai chùm, đôi tay đứa trẻ đầy nước nho. Chỉ đến khi một nhân viên siêu thị nhìn thấy và hét lên thì đứa trẻ mới giật mình dừng lại.
Thấy tay cháu bị vấy bẩn, người ông lập tức lấy giấy ăn lau tay mà không trách mắng, chỉ lẩm bẩm một cách yêu thương rằng đứa trẻ lại nghịch ngợm rồi. Tưởng mọi chuyện vậy là xong, Dương Dương sẽ được ông nhắc nhở, nhưng chỉ một lúc sau, đứa trẻ lại sang quầy nho tiếp đó và bóp nát thêm vài chùm.
Đến lúc này, nhân viên siêu thị không kìm được sự bức xúc. Anh cầm tay đứa trẻ, đẩy ra xa quầy trái cây. Dương Dương sợ hãi rụt tay lại và ngay lập tức bắt đầu khóc. Người ông đau lòng, vội vàng đến an ủi cháu và tức giận mắng nhân viên: "Chỉ là bóp vài chùm nho thôi, đứa trẻ còn nhỏ, không hiểu chuyện, cậu cần phải như vậy sao? Người lớn lại đi hù dọa đứa trẻ, nó bị vấn đề tâm lý thì siêu thị có thể bồi thường không?".
Nhân viên nghe vậy tức giận đến mức sắp rơi nước mắt, nói: "Dù nho có rẻ thế nào thì cũng không phải của nhà cháu. Thiệt hại cháu phải chịu trách nhiệm. Người lớn như ông mà không biết quản lý đứa trẻ sao?".
Ông già nghe vậy càng hung hăng hơn: "Tôi quản lý cháu, không cần cậu can thiệp. Chỉ là vài chùm nho, cậu là người trẻ mà không tôn trọng người lớn, được, tôi sẽ mua hết".
Nhân viên không cãi nhau nữa, đóng gói tất cả nho cho khách. Ông già tức giận mang đi cân, rồi đưa nho cho Dương Dương, để đứa trẻ tiếp tục bóp nát như thách thức. Các khách hàng xung quanh thấy cảnh tượng này, bàn tán chê bai nhưng ông không thèm để ý, tự cho rằng mình đúng và kiêu hãnh rời khỏi siêu thị.
Ông bà yêu thương cháu là điều dễ hiểu, nhưng nếu không có nguyên tắc và tiêu chuẩn chỉ khiến trẻ hư hỏng. Dưới sự nuông chiều này, trẻ sẽ không nhận ra lỗi của mình và khi lớn lên có thể trở nên ngang ngược.
Trong cuộc sống, việc nuông chiều trẻ thường có 3 biểu hiện:
Đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ
Một số phụ huynh nghĩ rằng trẻ em nên được nuông chiều, muốn làm gì thì cho làm, muốn mua gì thì mua. Ngay cả khi yêu cầu của trẻ vượt quá khả năng chịu đựng, khi thấy trẻ khóc lóc, bố mẹ thường ngay lập tức nhượng bộ.
Dần dần, trẻ sẽ nghĩ rằng chỉ cần khóc lóc là có thể có tất cả, thậm chí khi bố mẹ không thể đáp ứng, trẻ sẽ đối xử thô lỗ.
Trẻ không sợ sự trách mắng của bố mẹ
Trẻ được nuông chiều quá mức không sợ sự trách mắng của bố mẹ khi mắc lỗi. Tâm lý thiếu sự tôn trọng này khiến trẻ làm việc thiếu chừng mực và dễ làm những điều trái với lẽ thường.
Không biết cách xử lý khi trẻ khóc lóc
Một số phụ huynh rất dễ mềm lòng khi trẻ khóc lóc. Một hai lần nhượng bộ có thể chấp nhận được, nhưng nếu thường xuyên như vậy, trẻ sẽ học cách đe dọa bố mẹ. Cuối cùng, bố mẹ sẽ phải chiều theo mọi yêu cầu, dẫn đến trẻ ngày càng khó quản lý.
Vậy làm thế nào để tránh nuông chiều trẻ?
Thiết lập quy tắc rõ ràng
Trong gia đình nên có quy tắc rõ ràng để trẻ hiểu điều gì có thể làm và điều gì không thể làm. Các quy tắc này có thể bao gồm thời gian sinh hoạt, việc hoàn thành bài tập, phân công công việc nhà, v.v.
Khi trẻ vi phạm quy tắc, phụ huynh nên đưa ra hình phạt phù hợp, như giảm thời gian chơi hoặc tạm thời thu hồi thiết bị điện tử. Qua cách này, trẻ sẽ dần hiểu được tầm quan trọng của quy tắc và học cách tự kiềm chế, hình thành thói quen tốt.
Nuôi dưỡng tính độc lập của trẻ
Phụ huynh nên khuyến khích trẻ tự làm việc và phát triển tính độc lập. Có thể bắt đầu từ những việc nhỏ như tự mặc quần áo, sắp xếp ba lô, sau đó dần dần tăng độ khó, ví dụ như để trẻ tự làm bài tập về nhà hoặc học làm việc nhà đơn giản.
Qua quá trình này, trẻ sẽ học cách chịu trách nhiệm trong cuộc sống và có sự tự tin hơn khi gặp khó khăn. Điều này không chỉ nâng cao sự tự tin và lòng tự trọng của trẻ, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho cuộc sống độc lập sau này.
Đáp ứng nhu cầu của trẻ một cách hợp lý
Dựa trên tình hình thực tế của trẻ, phụ huynh có thể cung cấp sự quan tâm và hỗ trợ cần thiết, chẳng hạn như hỗ trợ học tập hoặc dành thời gian giải trí hợp lý.
Việc thỏa mãn quá mức sẽ khiến trẻ trở nên tham lam, trong khi không đáp ứng sẽ khiến trẻ mất tự tin. Vì vậy, phụ huynh cần cân nhắc kỹ lưỡng, đáp ứng nhu cầu cơ bản của trẻ đồng thời dạy trẻ biết quý trọng và cảm ơn.
Làm gương
Trong cuộc sống hàng ngày, hành vi của phụ huynh sẽ ảnh hưởng âm thầm đến trẻ. Ví dụ, nếu phụ huynh cư xử lịch sự nơi công cộng và tuân thủ quy tắc giao thông, trẻ cũng sẽ học theo. Do đó, phụ huynh nên chú ý đến hành vi của bản thân. Thông qua việc dạy bảo làm gương, trẻ sẽ hình thành những phẩm chất và thói quen tốt một cách tự nhiên.
Nàng mẫu được mệnh danh "đệ nhất Vedette" thập niên 2000 của Việt Nam: Nhan sắc hiện tại vẫn gây sốt, cách dạy con cực hay
Được biết trong cuộc sống hàng ngày, siêu mẫu dạy dỗ con cực kỳ cẩn thận và tinh tế.