Nợ xấu tăng mạnh trong 2 năm đối mặt với COVID-19

Đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 và tiếp tục kéo dài với diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng sâu sắc tới toàn bộ nền kinh tế, gây những tác động tiêu cực tới hoạt động của các doanh nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng thanh toán của doanh nghiệp.

Trong năm 2022, những yếu tố vĩ mô trên thế giới và Việt Nam tiếp tục có tác động lớn tới tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, từ đó tác động tới diễn biến nợ xấu của hệ thống các TCTD. Đến nửa cuối năm 2022, các vấn đề về khung pháp lý có thể xoay chuyển theo hướng không có lợi cho vấn đề xử lý nợ xấu của toàn ngành ngân hàng.

Ví dụ, Thông tư 14 sẽ hết hiệu lực từ ngày 30/6/2022, và nếu không được gia hạn thì nợ xấu tiềm ẩn từ số dư nợ được cơ cấu theo Thông tư này sẽ được thể hiện rõ ràng hơn trên bảng cân đối tài sản của các ngân hàng, khiến rủi ro nợ xấu khả năng tăng cao. Do đó, tiến độ cũng như hiệu quả xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, gây ra tình trạng nợ xấu cũ chưa xử lý tiếp tục tồn đọng, quá trình xử lý nợ xấu mới phát sinh từ đại dịch sẽ kéo dài hoặc không thể giải quyết được, gây bất ổn cho hệ thống các TCTD nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung.

Không ngạc nhiên khi tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ngân hàng tăng mạnh kể từ năm 2020, và dự kiến sẽ còn tăng trong giai đoạn tới. Trên thực tế, để ứng phó với diễn biến tiêu cực của nợ xấu, các TCTD đã chủ động phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro (tỷ lệ bao phủ nợ xấu bình quân của 28 ngân hàng thương mại niêm yết và Agribank (chiếm khoảng 80% thị phần tổng tài sản) đã tăng lên mức 150% cuối năm 2021.

Đây là mức cao nhất từ trước tới nay, song không thể phủ nhận nợ xấu vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, gánh nặng đối với hệ thống TCTD là không nhỏ. Tại Hội thảo cần luật hóa Nghị quyết 42 để xử lý nợ xấu diễn ra sáng nay (19/2), TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết: Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, cuối năm 2021 tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,9%, tăng 0,21 điểm % so với cuối năm 2020. Nếu tính thêm nợ bán cho VAMC, con số này là 3,9%.

Tỷ lệ nợ xấu gộp (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho VAMC chưa được xử lý và nợ xấu tiềm ẩn từ các khoản cơ cấu lại) tăng mạnh lên mức 7,31% cuối năm 2021 từ mức 5,1% cuối năm 2020 và gần tương đương với con số cuối năm 2017 (7,4%). “Nợ xấu của hệ thống các TCTD gia tăng là điều đã được dự báo trước khi mà sự bùng phát của đại dịch Covid-19, và đặc biệt là làn sóng thứ 4 với biến chủng Delta trong năm 2021 đã gây ra các tổn thất nặng nề đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, sinh kế và đời sống của người dân”, ông Cấn Văn Lực cho biết.

Vấn đề nợ xấu có thể trở thành tâm điểm của thị trường tài chính Việt Nam trong năm 2022, khi mà tỷ lệ nợ xấu gộp đang ở mức cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, phá vỡ thành quả tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2016 – 2020.

Theo báo cáo tài chính năm 2021 mới được các ngân hàng công bố, nợ xấu có xu hướng gia tăng rõ rệt tại một số ngân hàng, thí dụ như VPBank (tăng 60% so với 2020), Vietinbank (49%), VIB (58%), HDB (43%)…; bình quân số dư nợ xấu 28 ngân hàng thương mại niêm yết và Agribank tăng 17,3% so với năm 2020.

Nhằm giải quyết những tác động tiêu cực từ dịch bệnh, Chính phủ, NHNN và các TCTD đã có những giải pháp thiết thực, kịp thời giúp đảm bảo an toàn cho hoạt động hệ thống ngân hàng và hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn như ban hành các Thông tư 01/03/14 nhằm thực hiện cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi, phí nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.  Kết quả, lũy kế từ cuối tháng 1/2020 đến hết năm 2021 đã có khoảng 616 nghìn tỷ đồng nợ đã được cơ cấu lại; đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 2,26 triệu khách hàng với tổng dư nợ hơn 3,9 triệu tỷ đồng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Mặc dù vậy, các TCTD đã chủ động phân nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro nhằm tăng khả năng bao phủ, xử lý nợ xấu hiện tại và 2-3 năm tới.

Tổng Hợp