TS Phạm Thị Thu Hà là một trong ba nhà khoa học nữ lọt top 100 nhà khoa học tiêu biểu Châu Á, được trao Giải thưởng L’Oréal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học năm 2019. TS Phạm Thị Thu Hà nhận giải với đề án nghiên cứu về phát triển các giống lúa chịu mặn thông qua chọn lọc bằng dấu chuẩn phân tử và phổ biến chúng ở các vùng bị ảnh hưởng của điều kiện mặn tại đồng bằng sông Cửu Long.
Đam mê với những hạt lúa từ nhỏ
TS Phạm Thị Thu Hà sinh năm 1983, trong một gia đình nông dân ở Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Chính vì vậy từ lâu cô đã sớm tiếp xúc với ruộng đồng và cây lúa miền Tây, nơi thường xuyên xảy ra tình trạng ngập mặn trên diện rộng.
"Gia đình tôi là nhà nông miền Tây nên những gì liên quan tới ruộng đồng, cây lúa đã có trong tôi từ nhỏ. Dần dần tôi đam mê với những hạt lúa, với việc làm sao có thể tạo ra nhiều giống lúa tốt hơn", cô chia sẻ.
Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hà. |
TS Phạm Thị Thu Hà tốt nghiệp Tiến sĩ Ngành di truyền và chọn giống, Đại học Hiroshima, Nhật Bản năm 2018. Sau khi học xong, cô quyết định trở về quê hương với niềm ấp ủ sẽ tìm ra được giống lúa mới có khả năng chống chịu mặn tốt. Cô trở thành Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu di truyền và giống, Đại học Tôn Đức Thắng, TPHCM
Việc tạo ra giống lúa bằng kỹ thuật truyền thống thường sẽ phải mất 5 - 10 năm, nhưng với phương pháp marker phân tử mà cô áp dụng thì có thể xác định được kiểu gene nên thời gian lai tạo giảm xuống chỉ còn 3 - 4 năm. Cô quyết định lựa chọn giống lúa mẹ ở địa phương, giống lúa bố chứa nguồn gene có khả năng chống chịu mặn, sau đó cho lai hai giống với nhau. Đây là công trình được đánh giá cao, có khả năng ứng dụng thực tế.
Tại Việt Nam, trong quá trình làm việc và công tác, TS Phạm Thị Thu Hà đã ghi danh mình vào rất nhiều những công trình nghiên cứu có ý nghĩa. Cô là tác giả và đồng tác giả hơn 60 bài báo khoa học; trong đó có hàng chục bài báo thuộc danh mục ISI, hơn 20 báo cáo khoa học tại các hội nghị trong nước, quốc tế. Cô cũng là tác giả một số giống được phát triển thích nghi tốt với các môi trường sinh thái khác nhau.
Bên cạnh việc nghiên cứu, cô còn giảng dạy, hướng dẫn các thế hệ sinh viên. TS Phạm Thị Thanh Hà cho biết cô luôn kèm cặp các em sinh viên từ những điều nhỏ nhất, để các em có thể thực hiện nghiên cứu chính xác nhất. Sinh viên do cô dẫn dắt từng đạt giải nhất toàn trường về nghiên cứu khoa học ứng dụng đột biến trong chọn giống chịu mặn. Cô cũng tạo nhiều điều kiện cho sinh viên cơ hội nghiên cứu, tham dự các sự kiện, hội thảo khoa học về nông nghiệp để tiếp thêm đam mê.
Chia sẻ về những khó khăn trong việc thúc đẩy phát triển các công trình, đề tài nghiên cứu khoa học, TS Phạm Thị Thanh Hà nói: "Có rất nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy phát triển khoa học nói chung, trong đó đặc biệt là khoa học nông nghiệp. Trong lúc nhu cầu về nguồn giống cây trồng mới rất cao thì ở trong nước, việc nghiên cứu, lai tạo, chọn lọc giống lại phát triển rất hạn chế; chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất của nền nông nghiệp trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Từ nhiều năm nay, việc tạo điều kiện cho nghiên cứu sản xuất giống chưa được quan tâm đúng mức. Kinh phí chỉ tập trung vào việc trả lương là chính, rất ít kinh phí đầu tư phục vụ nghiên cứu, thiếu đầu tư về kỹ thuật, công nghệ. Do đó, rất cần các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực chọn tạo, sản xuất giống cây trồng, nhất là các doanh nghiệp khoa học công nghệ. Hiện tại Việt Nam hoàn toàn đủ điều kiện tạo ra được những giống cây trồng chất lượng; nhưng điều quan trọng là phải tập trung vào nguồn nhân lực, cơ chế và phương thức tổ chức cho phù hợp".
Khi nhận giải thưởng L’Oréal - UNESCO cô cũng tỏ ra khá bất ngờ và hạnh phúc: "Giải thưởng này là một điều bất ngờ mà tôi hoàn toàn không biết, và không nghĩ đến. Tôi nghĩ mình đã may mắn! Sự kiện này đã tiếp sức cho mọi vất vả, khó khăn phía trước, giữ vững niềm đam mê trong nghiên cứu".
"Con gái là động lực để mình cố gắng"
Nhìn vào hình ảnh nhà nữ khoa học luôn cháy mình với đam mê, ít ai biết được rằng cô từng phải trải nhiều khó khăn trong cuộc sống, từ khi còn rất nhỏ cho đến khi đi học và trở về nước.
Cô chia sẻ, bố mẹ cô mất sớm nên một mình cô phải vừa chăm lo cho các em nhỏ, vừa phải tự kiếm tiền ăn học. Bằng nghị lực và sự cố gắng, cô đậu đại học và sau này được cử sang Nhật Bản học.
Ngay khi từ đất khách trở về quê hương, cô cũng có khá nhiều bỡ ngỡ, may mắn là cô luôn có sự ủng hộ của con gái. Cô nói: "Mình mang bầu con lúc đang học thạc sĩ ở Hà Nội. Mình đi học tiến sĩ ở Nhật cũng mang con theo: vừa học, vừa làm, vừa nuôi con chỉ một mình. Lúc ấy con gái chỉ mới 3 tuổi thôi. Bé ở nhà, tự chăm sóc, tự lo, tự làm mọi thứ. Chính con gái là động lực để mình cố gắng, nếu không có con chắc mình không thể nào vượt qua được".
Nói về con gái của mình, cô cho biết con ngoan ngoãn, từ 3 tuổi mà biết đã biết tự chăm sóc, biết ủng hộ mẹ, biết lo lắng cho mẹ. Cô cũng không phải lo nhiều như những người mẹ khác phải chăm con, đút con ăn… bởi con gái tự sắp xếp mọi việc.
Cô cũng thừa nhận rằng bản thân mình rất đam mê công việc, đến mức quên cả bản thân, đó là lý do con gái có nhiều thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa vì mẹ không có thời gian để chăm bẵm nhiều.
"Tôi mê làm việc kinh khủng, rất thích làm việc. Khi bắt tay làm việc là tôi không ăn, không nói chuyện với ai, ngay cả lúc ăn cơm cũng là vừa ăn, vừa học, vừa làm…chứ không nghỉ, ngay cả buổi trưa cũng làm việc. Ngay cả khi bước về nhà, dù một tay nấu cơm, máy tính vẫn mở sẵn trên bàn để làm mọi lúc mọi nơi. Khi công việc chưa hoàn thành – mình biết mình vậy là không tốt, nhưng áp lực công việc nó đè nặng đến nỗi mình ăn, mình ngủ mình cũng phải nghĩ đến công việc đó. Khi nào giải quyết xong việc thì mình mới cười nói, còn chưa xong thì không buông được", TS Hà tâm sự.
TS Phạm Thị Thu Hà (thứ hai từ trái qua) cùng các sinh viên trong phòng thí nghiệm nghiên cứu các loại giống - Ảnh: TỰ TRUNG |
Chồng của cô từng nhiều lần hỗ trợ công việc cho cô và còn có ý định bão lãnh cô sang Úc để tiếp tục học tập và nghiên cứu. Tuy nhiên cô nói rằng bản thân chưa làm được gì nhiều cho Viện nghiên cứu di truyền và giống Trường ĐH Tôn Đức Thắng nên muốn cống hiến, chưa muốn rời đi.
"Gần 10 năm làm việc bên ruộng đồng cho tôi nhiều kinh nghiệm thực tế trước khi học lên tiến sĩ ở ĐH Hiroshima (Nhật). Tôi biết mình cần thêm gì, phải làm gì và không thấy nản khi về nước tiếp tục nghiên cứu. Nếu học cao học ngay khi tốt nghiệp, có thể tôi sẽ ngại ra ruộng mà chỉ thích nghiên cứu cơ bản", cô nói.
Hiện cô đang tiếp tục theo đuổi các công trình nghiên cứu lai tạo giống cây trồng đặc tính kháng mặn để phổ biến cho nông dân ĐBSCL, trong đó có cây cải mù tạt và kháng nấm đạo ôn trên cây lúa.
Hội nghị nữ Khoa học và Công nghệ toàn quốc sẽ công bố nhiều đề tài chất lượng, tính ứng dụng cao
Tính đến hết ngày 31/8, đã có 62 đơn vị, cá nhân đăng ký gửi báo cáo tham gia Hội nghị nữ Khoa học và công nghệ.