Đó là câu chuyện buồn mà PGS.TS. Nguyễn Đình Tuấn - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. HCM, Phó chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam chia sẻ tại chương trình Hiểu về ô nhiễm không khí do tổ chức phi lợi nhuận về môi trường Change tổ chức.
Ô nhiễm không khí đã có từ rất lâu
Theo ông Nguyễn Đình Tuấn, ô nhiễm không khí đã ở mức báo động cách đây 10 năm chứ không phải là mới đây, nhưng chỉ vào khoảng tháng 9, tháng 10 ô nhiễm không khí trở nên nặng hơn do điều kiện áp suất không khí làm giảm khả năng phát tán khí bụi dẫn đến kết tụ lớp mù giăng kín thành phố khiến người dân lo lắng.
PGS.TS. Nguyễn Đình Tuấn (Giữa), Hoàng Thị Minh Hồng (bìa phải), TS. Trần Ngọc Đăng (thứ 2, bìa trái). |
Trước đây TP.HCM có một hệ thống quan trắc tự động, khá uy tín và số liệu được cập nhật liên tục. Nhưng từ năm 2010 đến nay hệ thống quan trắc không khí tự động bị hỏng nhưng chưa được sửa chữa.
Từ đó đến nay, chúng ta làm theo phương pháp thủ công, tức là lấy mẫu thử không khí ở một thời điểm nhất định ở một số ngày trong tháng nên độ chính xác sẽ không cao bằng hệ thống quan trắc tự động. Đây là một điều đáng buồn, TP.HCM là một thành phố hiện đại và đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng hệ thống quan trắc tự động của thành phố hỏng hơn 10 năm nay mà lại không được sửa chữa hay thay mới.
Trong thời gian gần đây, tại Thủ đô Hà Nội và TP.HCM - chỉ số chất lượng không khí (AQI) thường xuyên ở mức độ đỏ hoặc tím, thậm chí có những thời điểm hai thành phố này nằm trong top 3 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Thành phố gần như chìm hoàn toàn trong bụi, người dân ra đường thấy cay mắt, rát da, khó thở, ho, sổ mũi.
Theo ông Nguyễn Đình Tuấn, cây xanh là một trong những phương pháp thanh lọc không khí hiệu quả nhất, nhưng diện tích cây xanh ngày càng hẹp đi đặc biệt là ở những khu đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, điều đó làm cho việc ô nhiễm không khí ngày càng trở nên nặng hơn.
Giải pháp dùng những khẩu trang có chức năng lọc bụi mịn chỉ là tạm thời. Bạn không thể suốt ngày đeo khẩu trang để tránh bụi mịn và không khí ô nhiễm.
Đeo khẩu trang lọc bụi mịn chỉ là giải tạm thời. |
Chúng ta phải hướng đến một phương pháp lâu dài với chính sách vĩ mô để giải quyết nguồn gốc của ô nhiễm không khí. Đó là giảm lượng phát thải ô nhiễm từ các khu chế xuất công nghiệp, từ hoạt động giao thông vận tải, hoạt động thương mại, và một phần từ thói quen sinh hoạt gây hại môi trường của người dân...
Ví dụ như giảm lượng khí thải từ các nhà máy, xí nghiệp; giảm phương tiện giao thông phát sinh khí thải, chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng hoặc xe điện, xe đạp. Các thiết bị xe phải đảm bảo được độ kỹ thuật tiên tiến của động cơ, nguyên liệu sạch, tăng cường sử nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, tăng cường diện tích cây xanh trong thành phố…
Bụi mịn là một trong những tác nhân gây ung thư
Còn theo TS. Trần Ngọc Đăng - Giảng viên bộ môn Sức khỏe môi trường, Khoa Y Tế Công Cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, đây không phải là năm đầu tiên ô nhiễm không khí đạt mức báo động cao, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người. Nhưng với sự phát triển của thông tin và kiến thức hiện tại của người dân không ai còn mơ hồ về việc ô nhiễm không khí và tác động kinh khủng của bụi mịn đến sức khỏe nữa nên đã lên tiếng.
Những hạt bụi mịn có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua hệ hô hấp như mũi, miệng, mắt và qua da do kích thước của hạt bụi mịn nhỏ hơn rất nhiều so với lỗ chân lông. Vì thế hạt bụi mịn có thể tấn công, xâm nhập vào các nan phổi, vào đường máu gây nên rất nhiều bệnh ở nhiều cấp độ khác nhau và có các biểu hiện như khó thở khò khè ngứa mắt, xoang mũi, nhức đầu…
Những người có tiền sử về hen suyễn, hô hấp thì sẽ có phản ứng rất mạnh với những hạt bụi mịn. Còn về lâu về dài những hạt bụi mịn sẽ tác động qua đường máu gây tích tụ và tắt nghẽn mạch máu, dẫn đến nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch. Nhiều tổ chức nghiên cứu y tế uy tín thế giới có cơ sở thông tin chứng minh bụi mịn có khả năng gây nên ung thư.
Cần có giải pháp từ phía chính phủ trong việc giảm ô nhiễm không khí. |
Ngoài ra bụi mịn còn tác động đến sức khỏe của những bà mẹ mang thai gây sinh non và bé nhẹ cân, đối tượng trẻ nhỏ trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng bị tác động nặng nề nhất bởi bụi mịn do ô nhiễm không khí, gia tăng bệnh về phổi do sức đề kháng yếu.
Theo chị Hoàng Thị Minh Hồng, nhà sáng lập và giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận CHANGE, được climateheroes.org công nhận là Anh hùng Khí hậu, có nhiều cách ngắn hạn để tránh tác động ô nhiễm không khí là hãy chọn đeo khẩu trang đúng chức năng lọc bụi mịn. Hoặc đeo 2 lớp khẩu trang y tế thì mới có thể ngăn bụi mịn đến 98%. Những loại khẩu trang vải hay khẩu trang thường không thể ngăn được bụi mịn.
Bạn có thể chọn và tải ứng dụng đo không khí để biết được mức độ ô nhiễm không khí trước khi quyết định ra khỏi nhà, chuyển sang đi phương tiện công cộng hay xe điện để giảm khí thải ra môi trường. Nếu có điều kiện có thể bắt máy lọc không khí đặc biệt là nhà có trẻ em và người già…
Sử dụng nguồn năng lượng tái sử dụng như điện mặt trời cho sinh hoạt, sản xuất.. Tuy nhuên về lâu dài Chính phủ cần có những chính sách về môi trường, cùng với ý thức bảo vệ môi trường của người dân, tăng cường trồng cây xanh trong nhà, tăng diện tích công viên cây xanh đặc biệt là ở những khu đô thị có mật độ dân số cao và tỷ lệ nhiễm không khí luôn đứng đầu.