Ông Trump lại doạ rút Mỹ khỏi WTO "nếu buộc phải làm vậy"

Ngày 13/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại doạ sẽ rút Mỹ ra khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nếu buộc phải làm vậy.

"Chúng ta sẽ ra đi nếu chúng ta buộc phải làm vậy", Tổng thống Mỹ Donald Trump nói trước đám đông công nhân ủng hộ ông tại một nhà máy hóa chất ở Pennsylvania. "Chúng tôi biết tổ chức này (WTO) đã gây khó dễ cho Mỹ suốt nhiều năm qua và điều đó sẽ không xảy ra nữa".

Trump trước đây không ít lần công kích WTO và dọa sẽ rút khỏi tổ chức vì cho rằng Mỹ bị đối xử không công bằng và Washington không nhất thiết phải tuân thủ các quy định của WTO. Hồi đầu năm ngoái, Trump còn gọi WTO là "thảm họa".

  Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Người đứng đầu Nhà Trắng nói, Mỹ không cần WTO nếu tổ chức này không giải quyết được những lỗ hổng khiến một số nước có lợi.

"WTO coi một số quốc gia nhất định như Trung Quốc, Ấn Độ, nhiều nước - họ coi đó là các nước đang phát triển...Các nước đó đã phát triển và có nhiều thuận lợi lớn. Chúng ta sẽ không để điều đó diễn ra thêm nữa", Sputniks dẫn lời Tổng thống Mỹ nói.

Ông chủ Nhà Trắng đặc biệt chỉ trích những điều khoản WTO dành cho Trung Quốc khi họ gia nhập tổ chức, cáo buộc Bắc Kinh có hành vi đánh cắp công nghệ Mỹ. Song thực tế, Mỹ từng nhiều lần giành chiến thắng trong các tranh chấp thương mại nhờ WTO.

Trong khi kêu gọi cải cách, chính quyền Trump cũng làm tê liệt hoạt động của WTO. Washington đã ngăn việc bổ nhiệm thành viên mới vào Cơ quan Giải quyết Tranh chấp WTO, khiến tổ chức có nguy cơ phải ngừng hoạt động vào cuối năm nay.

Gần đây, ông Trump chỉ thị cho Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer phải đảm bảo sẽ có những thay đổi trong WTO để ngăn chặn những quốc gia đang phát triển lợi dụng các lỗ hổng lập quy.

Trong một bản ghi nhớ mới đây, Nhà Trắng chỉ ra rằng Trung Quốc và một số quốc gia khác vẫn coi mình là nước đang phát triển. Điều đó cho phép những nước này được hưởng lợi đi kèm vị thế, đưa ra những cam kết yếu hơn so với các nước thành viên WTO khác.

Ngay sau khi bản ghi nhớ được ban hành, ông Trump tuyên bố, WTO đã "hỏng" khi một số nền kinh tế giàu nhất thế giới tự xưng là đang phát triển và được đối xử đặc biệt để tránh các quy định của WTO. Bản ghi nhớ chỉ ra 7 trong số 10 nền kinh tế thịnh vượng nhất trên thế giới là Brunei, Hong Kong và Macao (Trung Quốc), Kuwait, Qatar, Singapore và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, bị Mỹ coi là nước lạm dụng các quy định của WTO nhiều nhất. Từ khi gia nhập WTO, Trung Quốc luôn tuyên bố là nước đang phát triển, bản ghi nhớ của Mỹ nêu rõ.

Các cuộc thảo luận về việc cải tổ WTO đã diễn ra nhiều năm song 164 thành viên của tổ chức này vẫn chưa đạt được sự nhất trí.

WTO là gì?

WTO là tên viết tắt từ tiếng Anh của Tổ chức thương mại thế giới (World Trade Organization). WTO được thành lập theo Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới ký tại Marrakesh (Marốc) ngày 15/4/1994. WTO chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/1995.

WTO ra đời trên cơ sở kế tục tổ chức tiền thân là Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (The General Agreement on Tariffs and Trade - GATT). Đây là tổ chức quốc tế duy nhất đề ra những nguyên tắc thương mại giữa các quốc gia trên thế giới. Trọng tâm của WTO chính là các hiệp định đã và đang được các nước đàm phán và ký kết. 

Các nguyên tắc và các hiệp định của GATT được WTO kế thừa, quản lý, và mở rộng. Không giống như GATT chỉ có tính chất của một hiệp ước, WTO là một tổ chức, có cơ cấu tổ chức hoạt động cụ thể.

Tham gia hệ thống thương mại đa phương, cụ thể là WTO, đem lại những lợi ích sau:

- Mở rộng cơ hội thương mại với các nước thành viên WTO trên cơ sở được hưởng những ưu đãi do kết quả 50 năm đàm phán từ khi thành lập GATT đến nay.

- Tạo ra môi trường kinh doanh ổn định hơn thông qua quan hệ thương mại ràng buộc chặt chẽ, các quy định rõ ràng và có nhiều khả năng dự báo trước.

- Thông qua một cơ chế giải quyết tranh chấp để bảo vệ các quyền và quyền lợi của mình.

- Thoát khỏi thế cô lập, hội nhập với nền kinh tế thế giới, qua đó nâng cao lợi ích kinh tế và lợi ích các mặt khác.

- Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước thông qua việc đặt các doanh nghiệp vào môi trường cạnh tranh, tiếp cận với công nghệ, trình độ, chất lượng quốc tế, đổi mới hệ thống luật pháp, tăng cường thu hút vốn đầu tư dưới các hình thức khác nhau.

MINH TUẤN (t/h)

theo Tin 24h