OPEC+ kéo dài thời gian đàm phán về sản lượng dầu trong tháng 2

OPEC+ sẽ nối lại các cuộc đàm phán trong ngày 5/1, sau khi các cuộc đàm phán về mức sản lượng dầu cho tháng 2/2021 đã rơi vào bế tắc vì quan điểm trái chiều giữa Saudi Arabia và Nga.

Quyết định bất thường này đã đẩy tiến tình đàm phán kéo dài sang ngày thứ hai sau 3 tiếng thảo luận. 

Tại cuộc họp ngày 4/1, Saudi Arabia phản đối việc tăng sản lượng và viện dẫn tình trạng phong tỏa diện rộng tại nhiều nước trên thế giới để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Trong khi đó, phía Nga kêu gọi cần tăng cường sản xuất vì nhu cầu năng lượng toàn cầu đang phục hồi.

Các nguồn tin cho hay Nga và Kazakhstan đã ủng hộ việc tăng sản lượng , trong khi Iraq, Nigeria và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đề nghị giữ sản lượng ổn định.Cuộc đàm phán trực tuyến kéo dài ba tiếng đã không đi đến được thỏa thuận cuối cùng nào.

OPEC+ kéo dài thời gian đàm phán về sản lượng dầu trong tháng 2

Do vậy các nguồn tin thân cận nói rằng OPEC + đã đưa ra quyết định bất thường là kéo dài  đàm phán sang ngày thứ hai. 

Trước đó vào cùng ngày thứ Hai, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết OPEC+ nên thận trọng dù thị trường nhìn chung đang tỏ lạc quan.

Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho rằng nhu cầu năng lượng vẫn còn mong manh khi tình hình lây nhiễm COVID-19 trên thế giới còn đáng lo ngại, khiến nhiều quốc gia phải áp đặt các biện pháp dịch nghiêm ngặt. Điều này chắc chắn sẽ tác động đến tốc độ phục hồi kinh tế và nhu cầu năng lượng ở các nước đó.

Ngoài ra, biến thể mới nguy hiểm hơn của virus SARS-CoV-2 gây ra dịch COVID-19 sẽ còn mang đến nhiều diễn biến khó lường. Do vậy, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman kêu gọi OPEC+ cần thận trọng với chính sách sản lượng.

Các nhà sản xuất OPEC+ đã kiểm soát sản lượng để hỗ trợ giá “vàng đen” và giảm tình trạng dư thừa nguồn cung kể từ tháng 1/2017. Hoạt động cắt giảm của khối này đạt mức kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày vào giữa năm 2020, do dịch COVID-19 làm giảm nhu cầu xăng và nhiên liệu hàng không.

Với giá dầu Brent giao kỳ hạn đang duy trì trên mức 50 USD/thùng, OPEC+ đã nắm bắt cơ hội để nâng sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày trong tháng 1/2021 và đưa mức cắt giảm xuống 7,2 triệu thùng/ngày.

Nhà phân tích Bjornar Tonhaugen từ công ty nghiên cứu thị trường Rystad Energy nhận định theo kế hoạch kiểm soát sản lượng dầu hiện tại, nguồn cung sẽ dự kiến thặng dư từ tháng 2 - 4/2021, trước khi nhu cầu phục hồi từ tháng Năm trở đi. Do đó, chuyên gia này nhận định việc OPEC+ quyết định không tăng sản lượng dầu sẽ giữ lượng dư cung ở mức có thể kiểm soát được.

Nguồn: TTXVN

PV

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương