Vụ việc Y.N., nữ sinh lớp 10 (Nghệ An), nghi đã tự tử do bạo lực học đường đang làm xôn xao dư luận. Từ sự việc đau lòng này, rất nhiều phụ huynh băn khoăn nên làm gì khi phát hiện con bị bạo lực học đường?
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý học - Giáo dục học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam PGS. TS. Nguyễn Hồng Thuận cho rằng, để xảy ra sự việc đau lòng như thế này đối với giới trẻ, cha mẹ, nhà trường đã chưa thực sự đồng hành, tạo cơ hội để học sinh có thể chia sẻ được những lúng túng, thậm chí là những bế tắc của học sinh khi giải quyết những khó khăn trong học tập, tình cảm hoặc quan hệ bạn bè; giúp các em đưa ra phương pháp học tập hiệu quả hay có cách thức xử lý vấn đề.
Ảnh minh họa. |
PGS.TS Nguyễn Hồng Thuận cũng khuyến cáo, nhà trường, thầy cô giáo và phụ huynh nên bày tỏ sự đồng cảm, cởi mở thì các em mới có thể bày tỏ suy nghĩ, lo lắng của mình. Nếu biết phát hiện sớm những khó khăn của con em trong học tập, quan hệ bạn bè và có sự chia sẻ, động viên hỗ trợ kịp thời thì nhà trường, các bậc phụ huynh sẽ ngăn chặn được tình huống xấu có thể xảy ra.
Trao đổi với Tuổi trẻ, PGS.TS Trần Thành Nam - giảng viên Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội - phó chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam - cho rằng một học sinh nếu bị bạo lực học đường thì cần phải thiết lập quy trình an toàn cho các em. Khi nhận được thông báo từ học sinh, cha mẹ và phụ huynh cần kết hợp để có các biện pháp chấm dứt việc bị bạo hành, chứ không chỉ dừng lại ở việc "hứa sẽ xem xét sự việc. Sự chậm trễ sẽ khiến những đối tượng đang bạo hành tiếp tục tái diễn bắt nạt học sinh. Cần xem xét con bị tổn thương tâm lý như thế nào sau khi bị bạo hành? Con có biểu hiện của trầm cảm, có suy nghĩ tự sát hay không? Sau khi vụ việc bạo hành đã được học sinh tiết lộ rồi thì cần hỏi để biết tình hình các em có bị bạo hành tiếp không? Đã được cải thiện chưa?...
“Đối với giáo viên, cần phải hợp tác với các bên để minh bạch hóa về tình tiết vụ việc. Giúp nạn nhân, thủ phạm hòa nhập lại với môi trường học đường. Ngoài ra, phải nhận diện sớm các biểu hiện đau buồn hoặc trầm cảm”- ông Nam nhấn mạnh.
Bắt nạt trong học đường là hiện trạng thường xuyên xảy ra hiện nay, làm trẻ bị chán nản, sợ hãi và muốn bỏ học. Nếu không có biện pháp giải quyết sớm sẽ khiến cho trẻ tự ti và có suy nghĩ tiêu cực, không muốn đến trường lớp.
Ngay khi phát hiện trẻ bị bắt nạt tại trường, các bậc phụ huynh cần có hành động sớm để giúp bé nhanh chóng hoà nhập lại với môi trường lớp học và bạn bè. Thay vì cố gắng làm to chuyện, cha mẹ cần tìm phương pháp giải quyết vấn đề khéo léo, triệt để và hiệu quả.
Đầu tiên, hãy tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao con lại bị bắt nạt. Có trẻ rất thích hoặc hứng thú trong việc đi bắt nạt là các bé ít tuổi hơn hoặc hiền lành trong trường. Một phần khác cũng có thể do ảnh hưởng từ lối sống hay cách giáo dục từ gia đình như ở nhà thường xuyên bị bố mẹ gò bó, đánh đập sẽ dẫn đến tâm trạng tiêu cực và đến trường lớp sẽ bắt nạt những đứa trẻ khác.
Khi xảy ra sự việc, cha mẹ cần xác minh xem con giao lưu với ai, tìm hiểu về đứa trẻ đã hành hung con mình, tìm hiểu lý do vì sao con mình bị đánh. Sau đó, gia đình gặp gỡ phụ huynh của học sinh đó để trao đổi. Cha mẹ của học sinh hành hung cần biết cách giáo dục, khuyên nhủ ngăn ngừa sự tái phạm.
Gia đình cũng nên gặp giáo viên để nhắc nhở trẻ đã đánh con mình, nên đề nghị giáo viên tăng cường giáo dục cho học sinh tình yêu thương, tình đoàn kết trong lớp học, tổ chức các hoạt động ngoại khóa để học sinh thân thiết và tránh xung đột.
Các bậc phụ huynh nên gặp gỡ và cùng bàn bạc hướng giải quyết dưới sự trợ giúp từ phía thầy cô và nhà trường. Nếu hai bên gia đình nói chuyện với nhau không được thì hai gia đình cần có nhà trường tham gia để giải quyết một cách công bằng chứ không tự ý giải quyết với nhau. Ngoài ra, hãy tạo cơ hội để cho các bé giao lưu, gặp gỡ và vui chơi ngoài những giờ học để tạo sự gắn kết, thân thiết hơn.
Các chuyên gia tâm lý nhấn mạnh, cha mẹ nên cố gắng tạo một không gian sống và học hành thoải mái, lành mạnh mới có thể giúp các con có sự phát triển tốt về mặt tâm lý lẫn thể chất.
Cha mẹ mẹ cần phải hỗ trợ tâm lý cho con, bằng cách trao đổi với giáo viên, chuyên gia tâm lý ổn định tâm lý cho trẻ, vì trẻ bị bạo lực thường để lại những sang chấn tâm lý rất nghiêm trọng. Để phòng ngừa con bị đánh, bố mẹ nên trang bị cho con một số kỹ năng cần thiết như nên kêu cứu khi bị đánh, không khiêu khích, không đánh lại bạn, tìm cách thoát thân, nhờ giáo viên, bố mẹ trợ giúp để không bị đánh đập.
Vụ nữ sinh tự tử ở Nghệ An: Một số giáo viên, học sinh nhận tin nhắn đe doạ
Sau khi xảy ra sự việc đau lòng, một số giáo viên, học sinh đã nhận những tin nhắn đe doạ từ người lạ.