"Phụ huynh tố cáo kẻ dâm ô con mình, các cấp xử lý lại hỏi lại là gia đình muốn giải quyết thế nào?"

Hiện nay, tình trạng các vụ vụ dâm ô, xâm hại tình dục xảy ra trong môi trường giáo dục khiến dư luận vô cùng lo lắng.

Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ dâm ô mức nghiêm trọng liên quan đến nhiều cán bộ, thầy giáo... Những vụ dâm ô, quấy rối tình dục xảy ra liên tiếp trong môi trường giáo dục khiến không ít người lo ngại.

Theo TS Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục, các vụ dâm ô và xâm hại còn diễn ra hiện nay có nguyên nhân đến từ việc xử lý chưa nghiêm, thậm chí là nể nang các mối quan hệ hoặc dựa trên sự đàm phán với cha mẹ học sinh.

Có nhiều phụ huynh than phiền rằng khi họ tố cáo kẻ dâm ô con mình thì các cấp xử lý lại hỏi lại là gia đình muốn giải quyết thế nào. Điều này cho thấy các kẽ hở của pháp luật đã tiếp tay cho một số kẻ coi thường tính mạng và nhân phẩm trẻ em, phụ nữ. Bà Hương cho rằng, người có hành vi xâm hại người khác, dù vi phạm ở mức độ nào, cũng không xứng đáng đứng trong đội ngũ nhà giáo. Để những trường hợp nguy hiểm đó trong ngành sẽ là ảnh hưởng đến uy tín ngành giáo dục cũng như uy tín của những giáo viên khác.

TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết Luật Trẻ em 2016 và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP về Quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em, Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 đã dành 5 điều luật về hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Quy định về hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Ông Nam đánh giá chúng ta có đến 16 cơ quan có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ trẻ em nhưng sự phối hợp chưa chặt chẽ, hiệu quả. Trong thời gian học ở nước ngoài, mỗi lần ông có cuộc gặp gỡ học sinh là phải tiến hành lấy dấu vân tay để kiểm tra. Cơ quan an ninh so dấu vân tay trên hệ thống để loại trừ những người có lịch sử bạo hành hoặc nguy cơ xâm hại trẻ em. Trường hợp từng có lịch sử xâm hại, bạo hành trẻ sẽ bị thôi việc và phải công khai lý lịch tư pháp khi muốn đăng ký tìm công việc mới.

Không chỉ vậy, họ bị cấm làm các vị trí công việc liên quan đến trẻ em, công bố lý lịch tư pháp của mình đến những người đứng đầu khu vực nơi sinh sống để có biện pháp phòng ngừa những sự việc tương tự có thể xảy ra. Tuy nhiên Việt Nam chưa thực hiện được điều này.

TS Vũ Thu Hương cho rằng phương án bảo vệ con trẻ tốt nhất là giáo dục giới tính và rèn kỹ năng phòng tránh xâm hại cho con nhiều nhất có thể. Trẻ cần phải có đủ khả năng thoát hiểm, vì vậy phải rèn kỹ năng phòng tránh dâm ô, xâm hại cho trẻ hàng ngày, thường xuyên. 

Môi trường giáo dục của chúng ta còn đề cao quá nhiều về kiến thức môn học mà coi nhẹ kỹ năng và đặc biệt là đạo đức, tư cách. Nếu không chú trọng rèn luyện tư cách đạo đức, chính các em có thể trở thành tội phạm, kể cả tội dâm ô, xâm hại. Bà cũng cảnh báo trẻ em dù trai hay gái cũng đều có thể trở thành nạn nhân của "yêu râu xanh".

Hơn nữa, cần có sự thay đổi về nhận thức của phụ huynh và giáo viên các nguy cơ xâm hại của trẻ. Đồng thời nhấn mạnh cần có biện pháp giáo dục đạo đức cho trẻ em và người lớn song song các phong trào hướng dẫn giáo dục phòng tránh và ứng phó với xâm hại.

“Môi trường giáo dục của chúng ta còn đề cao quá nhiều về kiến thức môn học mà coi nhẹ kỹ năng và đặc biệt là đạo đức, tư cách. Với học sinh, nếu không chú trọng rèn luyện tư cách đạo đức, chính các em có thể trở thành tội phạm trong hôm nay hoặc ngày mai, kể cả tội dâm ô, xâm hại”, bà nói thêm.

TS Trần Thành Nam chú trọng việc phòng chống quấy rối tình dục học đường. Nhiều nạn nhân cũng cảm thấy xấu hổ hoặc bị đe dọa hãm hại nếu nói ra. Do đó, 67% phụ nữ và trẻ em gái không có bất kỳ hành động nào phản ứng lại khi gặp phải các hành vi quấy rối tình dục. 

Ông cho rằng, cần tích hợp việc phòng chống quấy rối tình dục vào nội quy nhà trường hoặc quy tắc ứng xử trong trường. Việc đưa ra các bộ quy tắc này vô cùng quan trọng, cần đảm bảo các nội dung như định nghĩa và minh họa hành vi quấy rối tình dục, hướng dẫn cho nạn nhân, thủ tục khiếu nại, các hình thức kỷ luật… Thiết lập các hệ thống giám sát hòng chống quấy rối tình dục, quán triệt cho cán bộ công nhân viên trong trường. 

Nhà trường cần công khai thông tin các cán bộ xử lý việc này để thuận tiện cho người thông báo. Bên cạnh đó, đưa nội dung về quấy rối tình dục học đường tích hợp trong nội dung giảng dạy phòng chống bạo lực và xâm hại tình dục đang được triển khai để giúp học sinh hiểu về mức độ phổ biến và hậu quả của nó.

Thanh Mai

Năm 2021: Nếu sếp xúc phạm, quấy rối, nhân viên có quyền nghỉ không thông báo

Năm 2021: Nếu sếp xúc phạm, quấy rối, nhân viên có quyền nghỉ không thông báo

Theo Bộ luật lao động 2019 thi hành từ ngày 01/01/2021, nhân viên bị ngược đãi hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ… được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng.