Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã đưa ra phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thay cho phương án xét tuyển như trước đây do kỳ nghỉ phòng chống dịch.
Kỳ thi được tổ chức nhằm mục đích xét tốt nghiệp, việc tuyển sinh đại học sẽ giao về cho các trường trên tinh thần có sự chuẩn bị từ trước và theo đúng Luật Giáo dục đại học. Địa phương chủ trì công tác tổ chức thi, coi thi, chấm thi tự luận. Bộ GD-ĐT tiếp tục ra đề thi cho toàn quốc và áp dụng công nghệ thông tin để quản lý chặt chẽ bài thi, tiếp tục tổ chức chấm thi trắc nghiệm trên máy tính.
Phương án này hiện đang nhận nhiều ý kiến trái chiều từ các giáo viên, phụ huynh và cả học sinh.
Một số phụ huynh cho rằng các em mới học hết kỳ 1, còn kỳ 2 học theo hình thức online, tuy nhiên hình thức này không thể hiệu quả bằng học trực tiếp, đặc biệt là thiếu tính tương tác giữa giáo viên và học sinh, cũng như cũng không có sự trao đổi nhóm. Điều này dễ dẫn đến tình trạng không nâng cao được kiến thức, vì vậy việc thi tốt nghiệp là phù hợp.
"Theo như tôi thấy, thi để xét tốt nghiệp cũng hợp lý vì các em học online, có chỗ hiểu chỗ không, không bằng trực tiếp trên trường. Tôi nghĩ đề thi nên chú trọng vào kiến thức các em được học ở trường. Tạm thời nên lo cho tốt nghiệp trước", chị Nguyễn Thị Kim Hiền (TPHCM) nói.
Con của chị Hiền, em Châu Thi Kim Tuyến lại cho rằng bản thân khá tự tin với kiến thức đã học nếu được thi tốt nghiệp THPT Quốc gia và lấy điểm vào đại học như năm ngoái sẽ hoàn toàn đáp ứng được. Theo em Tuyến, chỉ cần đề thi vừa tầm thì không cần phải điều chỉnh về phương án thi.
Cô Nguyễn Thu Hà, giáo viên dạy Văn Trường THPT Võ Trường Toản, quận 12, TPHCM cho biết ngành giáo dục nên tính đến phương án giảm tải để phù hợp với tình hình thực tế chứ không nên tách làm hai kỳ thi. Nếu kỳ thi sắp tới chỉ nhằm xét tốt nghiệpj thì học sinh phải trải qua 2 kỳ thi, dù dễ hay khó thì cũng sẽ tăng thêm áp lực cho các em cũng như phụ huynh.
Ông Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân, quận Tân Phú, TP HCM cho rằng nên giữ nguyên phương án thi như năm ngoái nhưng điều chỉnh lại giới hạn kiến thức trong cách ra đề. Trước đó, Bộ GD-ĐT có đưa ra đề minh họa cho kỳ thi sắp tới và được đánh giá là vừa tầm học sinh, nội dung bám sát kiến thức học kỳ 1, hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chí của kỳ thi “2 trong 1”.
Theo ông Độ, phương án được Bộ GD-ĐT trình lên Thủ tướng khiến học sinh lo ngại hơn, trong khi đề minh họa cũng có thể phân loại học sinh. Nếu thi 2 kỳ thi thì các em học sinh ở các tỉnh phải lên các thành phố để thi, trong mùa dịch việc chen chúc là không nên chút nào.
Trên thực tế, tâm lý hoang mang với thông tin mới về kỳ thi THPT năm nay là có cơ sở, bởi sẽ tạo ra sự xáo trộn không cần thiết và khiến các phụ huynh, học sinh lo lắng hơn.
11 tỉnh thông báo thời gian cho học sinh trở lại trường học
Hiện đã có thêm các tỉnh, thành công bố chính thức hoặc dự kiến thời gian đi học trở lại cho học sinh sau kỳ nghỉ dài phòng dịch Covid-19.