Quan điểm gây bão: "Dừng học ở trường, các con lại phải ra trung tâm. Vậy thì thay đổi gì, thay đổi ở chỗ bố mẹ tốn kém hơn chăng?"

Xét về bản chất, học thêm vẫn diễn ra, chỉ là chuyển từ trong trường ra ngoài trung tâm, với mức chi phí cao hơn...

Quan điểm của chị Ng.Th. - một phụ huynh tại Hà Nội:

Là cha mẹ, ai cũng mong con mình có một tuổi thơ đúng nghĩa, được vui chơi, phát triển toàn diện cả về trí tuệ lẫn thể chất. Không ai muốn con suốt ngày vùi đầu vào sách vở, đi học từ sáng đến tối rồi lại lao vào các lớp học thêm. 

Nhưng nhìn vào thực tế giáo dục hiện nay, tôi không thể không lo lắng. Nếu không học thêm, liệu con có theo kịp chương trình không? Liệu con có đủ kiến thức để thi vào trường mong muốn không? Đây là những câu hỏi ám ảnh mỗi phụ huynh có con đang trong độ tuổi đi học, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chương trình học nặng, thi cử căng thẳng 

Nhìn vào chương trình học hiện nay, có thể thấy khối lượng kiến thức ngày càng lớn, nhất là ở các môn như Toán, Văn, Tiếng Anh. Học sinh không chỉ học kiến thức cơ bản mà còn phải rèn luyện tư duy nâng cao, làm các dạng bài khó để có thể đạt điểm cao trong các kỳ thi.

Trong khi đó, thời gian học trên lớp lại có hạn. Mỗi lớp có đến 40-50 học sinh, một giáo viên khó có thể theo sát từng em, giải đáp hết thắc mắc hay kèm cặp những bạn tiếp thu chậm hơn.

Chưa kể, hệ thống thi cử hiện nay cũng là một áp lực rất lớn. Đặc biệt, kỳ thi vào lớp 10 công lập ở Hà Nội có tỷ lệ chọi vô cùng căng thẳng, có năm lên đến 1 chọi 3 hoặc hơn. Số lượng trường THPT công lập hạn chế, trong khi nhu cầu của phụ huynh và học sinh lại rất lớn. 

Nếu không đủ điểm vào trường công lập, lựa chọn còn lại là học trường dân lập với mức học phí đắt đỏ hoặc học nghề, điều mà nhiều gia đình chưa sẵn sàng. 

Với áp lực này, việc học thêm gần như trở thành một lựa chọn bắt buộc, vì phụ huynh không thể yên tâm để con mình "tự bơi" giữa một môi trường cạnh tranh như vậy.

Thử hỏi, có phụ huynh nào sẵn sàng cho con tuổi thơ tha hồ hái hoa, bắt bướm để rồi thi trượt trường công gần nhà và phải cho con đi học ở trường công nguyện vọng 3 cách nhà hàng chục km không? 

Trừ khi phụ huynh có điều kiện tài chính ổn định, không học trường công thì học trường tư, không học trường gần thì học trường xa vì nhà có ô tô đưa đón thì mới sống thư giãn như vậy được! Với những phụ huynh tài chính trung bình, họ chẳng có lựa chọn! 

Cấm học thêm ở trường, phụ huynh lại phải tìm đến trung tâm – có khác gì đâu, chỉ tốn kém hơn

Thông tư 29 với những quy định mới về quản lý dạy thêm, học thêm nhận được rất nhiều sự chú ý, tranh luận từ hội phụ huynh. Mục đích của thông tư này về bản chân là rất tốt, giúp giảm bớt tình trạng dạy thêm tràn lan, hạn chế việc giáo viên ép học sinh học thêm và nhiều điều tiêu cực khác nảy sinh mà báo chí đã phản ánh từ lâu. 

Tuy nhiên, khi dừng học thêm ở trường nhưng chương trình học không giảm tải, áp lực thi cử vẫn còn nguyên, thì phụ huynh vẫn phải tìm cách cho con học thêm bằng cách khác – đó là đến các trung tâm bên ngoài.

Vậy sự khác biệt giữa học thêm ở trường và học ở trung tâm là gì?

Ở trường: Giáo viên của chính trường dạy, nội dung học sát với chương trình chính khóa, học phí thường dễ chịu hơn. Con được học với thầy cô quen thuộc, có thể hỏi bài thoải mái hơn. 

Ở trung tâm: Học phí cao hơn nhiều, phải mất công tìm trung tâm uy tín, mất thời gian đưa đón, chất lượng chưa chắc đã phù hợp với từng học sinh.

Như vậy, xét về bản chất, học thêm vẫn diễn ra, chỉ là chuyển từ trong trường ra ngoài trung tâm, với mức chi phí cao hơn và gây thêm phiền phức cho phụ huynh. Nếu cấm học thêm nhưng không có giải pháp thay thế, thì chính phụ huynh là người chịu thiệt thòi về kinh tế và thời gian, trong khi học sinh vẫn phải học thêm mà không có nhiều lựa chọn khác.

Muốn chấm dứt tình trạng học thêm tràn lan, phải thay đổi từ gốc rễ

Cấm học thêm không thể giải quyết tận gốc vấn đề, nếu nguyên nhân sâu xa vẫn còn đó. Chương trình của các con đang quá tải, cần giảm bớt những nội dung nặng nề, đưa vào nhiều phương pháp giảng dạy thực tiễn hơn để học sinh có thể tự học mà không cần phụ thuộc vào học thêm. 

Bên cạnh đó, hệ thống thi cử quá áp lực, trường công thì thiếu. Nếu kỳ thi vào lớp 10 vẫn giữ tỷ lệ chọi cao, vẫn nặng nề về điểm số, thì học sinh vẫn phải chạy đua, và phụ huynh vẫn phải tìm mọi cách để con mình có lợi thế. 

Cuối cùng, phải cải thiện chất lượng dạy và học trên lớp. Nếu việc giảng dạy trong giờ học chính khóa hiệu quả hơn, có phương pháp giúp học sinh tiếp thu tốt hơn, thì nhu cầu học thêm sẽ giảm đi đáng kể.

Tóm lại, chẳng phụ huynh nào muốn con mình phải học thêm quá nhiều. Nhưng khi áp lực vẫn còn, khi hệ thống giáo dục vẫn yêu cầu điểm số cao và cạnh tranh khốc liệt, thì dù có cấm ở đâu, học thêm vẫn sẽ diễn ra. 

Thay vì chỉ cấm đoán, hãy tạo ra một môi trường học tập nơi con cái chúng tôi có thể học tập hiệu quả ngay trong giờ học chính khóa, không cần đến các lớp học thêm mới có thể theo kịp chương trình. Chỉ khi đó, chúng tôi mới có thể thực sự yên tâm và con cái chúng tôi mới có được một tuổi thơ đúng nghĩa.

Thanh Hương

Bộ GDĐT ban hành quy định mới về dạy thêm, học thêm

Bộ GDĐT ban hành quy định mới về dạy thêm, học thêm

Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống.