Quy định mới dành cho người làm việc theo ca, có hiệu lực từ năm 2021

Khi Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2019 có hiệu lực vào năm 2021, ca làm việc và thời gian nghỉ giữa ca được quy định như thế nào?

Từ 2021, thời gian tối đa của mỗi ca làm việc là bao lâu?

Theo trang Luatvietnam, dựa vào Khoản 1 Điều 63 Nghị định 145/2020 (có hiệu lực ngày 1/2/2021) đã giải thích về khái niệm “ca làm việc” như sau: Ca làm việc là khoảng thời gian làm việc của người lao động từ khi bắt đầu nhận nhiệm vụ cho đến khi kết thúc và bàn giao nhiệm vụ cho người khác, bao gồm cả thời gian làm việc và thời gian nghỉ giữa giờ.

Cùng với đó, Điều 105 BLLĐ năm 2019 cũng nêu rõ về thời gian làm việc của người lao động như sau:

  • Người lao động làm việc bình thường theo ngày sẽ làm việc trong 8 giờ/ngày và 48 giờ/tuần
  • Người lao động làm việc bình thường theo tuần sẽ làm việc trong 10 giờ/ngày và 48 giờ/tuần
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 107 BLLĐ năm 2019, nếu người lao động đồng ý làm thêm giờ khi có yêu cầu thì thời gian của ca làm việc đó có thể kéo dài. Điều 60 Nghị định 145/2020 đã hướng dẫn cụ thể về giới hạn làm thêm giờ như sau:

  • Tổng số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày làm việc bình thường;
  • Trường hợp làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày.
  • Trường hợp làm việc không trọn thời gian thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày.
  • Tổng số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày, khi làm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hàng tuần.

Như vậy, trong trường hợp làm thêm giờ thì người sử dụng lao động chỉ được yêu cầu người lao động làm việc tối đa 12 giờ/ngày (đã bao gồm cả thời gian làm việc bình thường và làm thêm giờ).

Tuy nhiên cũng cần đảm bảo thời gian làm thêm giờ không quá 40 giờ/tháng và 200 giờ/năm, trừ trường hợp làm công việc sản xuất da, giày, điện, cấp thoát nước,…

Cách tính thời gian nghỉ giữa ca từ năm 2021

So với quy định tại BLLĐ năm 2012 và các văn bản hướng dẫn, quy định về thời gian nghỉ giữa giờ theo quy định mới đã có sự thay đổi. Theo đó, thời gian nghỉ giữa ca được xác định tại Điều 109 BLLĐ năm 2019 và Điều 64 Nghị định 145 như sau:

  • Người lao động làm việc từ 6 giờ trở lên/ngày với điều kiện vào ban ngày sẽ có thời gian nghỉ giữa ca ít nhất 30 phút liên tục; vào ban đêm hoặc có ít nhất 03 giờ làm việc ban đêm sẽ có thời gian nghỉ giữa ca ít nhất 45 phút liên tục;
  • Người lao động làm việc từ 6 giờ trở lên/ngày việc theo ca liên tục 6 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa ca được tính vào giờ làm việc.

Như vậy, quy định mới đã xác định cụ thể thời gian nghỉ giữa giờ đối với mọi ca làm việc, trong khi BLLĐ năm 2012 chỉ ghi nhận thời gian nghỉ giữa giờ đối với trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục 8 giờ hoặc 6 giờ.

Bên cạnh đó, điều kiện để được được tính thời gian nghỉ giữa ca vào giờ làm việc theo quy định mới cũng dễ dàng hơn.

Quy định cũ yêu cầu người lao động phải làm việc theo ca liên tục 08 giờ (điều kiện bình thường) hoặc 6 giờ (công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm) thì được tính thời gian nghỉ giữa ca vào giờ làm việc. Nhưng từ năm 2021, người lao động chỉ cần làm ca liên tục từ 6 giờ trở lên thì đã được hưởng quyền lợi này.

Ngoài ra, Nghị định 145/2020 cũng khuyến khích các bên thương lượng thời gian nghỉ giữa giờ tính vào giờ làm việc dù không làm việc theo ca liên tục.

Tổ chức ca làm việc như thế nào cho đúng luật?

Quy định về tổ chức ca làm việc là nội dung hoàn toàn mới được ghi nhận tại Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Cụ thể, Điều 63 Nghị định này quy định:

Tổ chức làm việc theo ca là việc bố trí ít nhất 02 người hoặc 02 nhóm người thay phiên nhau làm việc trên cùng một vị trí làm việc, tính trong thời gian 01 ngày (24 giờ liên tục).

Theo đó, khi tổ chức làm việc theo ca, người sử dụng lao động phải bố trí ít nhất 02 người hoặc 02 nhóm người thay phiên nhau làm việc trên cùng một vị trí làm việc.

Khi tiến hành làm việc theo ca, doanh nghiệp phải cho người lao động nghỉ giữa giờ theo thời gian theo đúng quy định, đồng thời bố trí lịch nghỉ để đảm bảo người lao động được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác theo Điều 119 BLLĐ năm 2019.

Đặc biệt, để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, khoản 3 Điều 64 Nghị định 145 còn quy định, người sử dụng lao động có quyền quyết định thời điểm nghỉ trong giờ làm việc, nhưng không được bố trí thời gian nghỉ vào thời điểm bắt đầu hoặc kết thúc ca làm việc để đảm bảo người lao động được nghỉ ngơi trong quá trình làm việc.

(Tổng hợp)

HOÀNG ANH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương