Người ta vẫn nói hạnh phúc là hành trình, không phải đích đến nhưng đối với người phụ nữ này, hạnh phúc là ngay từ khi xác định chặng đường mình đang đi và bắt đầu từ vạch xuất phát.
Chị Tô Liên (40 tuổi, Tiền Hải Thái Bình) hiện là chủ xưởng thương mại thiết bị sứ vệ sinh có tiếng ở địa phương. Để có được hạnh phúc trọn vẹn như ngày hôm nay, anh chị đã bắt đầu từ con số 0, dần dần vun đắp và xâu dựng suốt hơn 2 thập kỷ.
Chị Tô Liên (Ảnh: Thọ Hoàng) |
Thanh niên lầm lì bị bố mẹ vợ tương lai đuổi khéo và đám cưới mưa gió nhớ đời
Vợ chồng chị yêu nhau 3 năm mới làm đám cưới. Chị nói, ở thời của chị không quá e dè như thời các cụ nhưng cũng không dám thể hiện nhiều như thế hệ trẻ bây giờ. 3 năm yêu thì có đến 1 năm anh "trồng cây si" ở nhà chị với 1 phương châm "đẹp trai không bằng chai mặt".
Chị kể: "Anh ấy ít nói, hiền lành. Mỗi lần đến nhà tôi chơi lầm lì chả nói câu gì. Thế nên mỗi lần anh đến bố mẹ tôi lại bảo 'Nhà hết nước rồi cháu ạ' cũng vì anh ấy toàn chỉ ngồi uống nước cả buổi mà không biết nói chuyện gì. Lúc ấy là nói trêu nhưng thực chất bố mẹ tôi không thích anh thật, vì lầm lì quá nên không ai hiểu được. Sau này mới 'mưa dầm thấm lâu', ông bà dần hiểu và quý con rể hơn vì thấy anh hiền lành, chất phác".
Năm 2002 anh chị làm đám cưới. Đó là ngày chị không bao giờ quên.
Vợ chồng anh Tuấn, chị Liên cưới nhau năm 2002 |
"Trời mưa tầm tã, mưa sập cả rạp cưới. May là đến lúc ăn cỗ trời cũng hửng nắng mà rạp cưới bị mưa to gió giật nên chỉ dựng tạm. Nói chung cả nhà, cả cô dâu phải chạy quanh các nhà để nhờ bê cỗ sang mời khách. Mọi người trêu ngày cưới mà mưa to thế này là nhiều lộc, lộc đâu chả thấy chỉ thấy toàn khó khăn vất vả".
Hồi mới biết anh chị còn làm công nhân trong nhà máy, việc nhiều, tăng ca rất áp lực nhưng vợ chồng động viên nhau cùng cố gắng. Sinh bé gái đầu lòng thì anh chị bàn nhau cần thoát nghèo, vượt ra khỏi vùng an toàn cho các con 1 cuộc sống sung túc.
Vậy là anh chị vay mượn tự mở 1 xưởng sản xuất nhỏ. Việc kinh doanh ban đầu muôn vàn khó khăn, cả về vốn, đầu ra đầu vào rồi tinh thần. Lúc ấy chị Liên bầu bí không giúp được gì cho chồng, chỉ biết hỗ trợ anh trong khả năng có thể. Chị hiểu tâm lý anh nên không bao giờ trách móc dù thành công hay thất bại. Chị luôn thể hiện 1 niềm tin mãnh liệt: vợ chồng đồng cam cộng khổ, có phúc cùng hưởng có họa cùng chia.
Không có "đằng sau thành công" khi vợ luôn song hành cùng chồng
Năm đó anh Tuấn vừa lái xe và cùng 1 nhân viên bốc hàng để đi làm thị trường. Anh là người chịu khó, không ngại gian khổ và điều chị thích nhất ở anh là sự lạc quan. Cuộc sống lúc bấy giờ của anh chị chỉ xoay quanh nhà xưởng, chẳng có thời gian nói chuyện tình cảm hay cãi vã, xung đột.
Mới đầu anh Tuấn làm cùng lúc nhiều việc nhưng dần dà anh chị cũng có được 3 nhân viên với mức thu nhập 5-7 triệu/người/tháng. Cảm thấy cứ manh mún thế này cũng không ổn, anh mạnh dạn mở rộng thị trường phát triển khu vực phía Bắc, Trung, Nam. Số lượng công nhân tăng dần, mức thu nhập cũng tăng theo. Anh chị biết mình đã đi đúng hướng nên tập trung dốc sức cho công việc.
Gia đình 5 thành viên nhà chị Liên |
Sau khi cơ sở kinh doanh hoạt động ổn định, chị Liên sinh thêm 2 con dưới sự hậu thuẫn và động viên của chồng. Chị chưa bao giờ cảm thấy hối hận với quyết định năm ấy chọn anh. Chị cho biết, chồng mình khá dễ tính, quan điểm hiện đại thoải mái, không bao giờ cấm cản vợ làm đẹp, đi chơi hay mua sắm cho bản thân.
Anh chị sở hữu xưởng sản xuất gần 1000 mét vuông |
Vợ chồng anh chị cùng kinh doanh nhưng mỗi người 1 vai trò bổ trợ lẫn nhau. Ngoài ra, anh Tuấn vẫn rất coi trọng việc gia đình, nội ngoại 2 bên và dạy dỗ con cái. Anh chị cũng không muốn lao đầu vào công việc rồi bỏ bê con cái, để nó phát triển tự do.
"Cuộc sống của tôi tuy chưa phải giàu có nhưng tôi cũng cảm thấy hài lòng. Người biết đủ là người hạnh phúc. Tôi có chồng quan tâm yêu thương, con cái khôn lớn, tôi không mong cầu gì hơn ngoài sức khỏe cho gia đình", chị Liên chia sẻ.
Phụ nữ giữ chồng mới là phụ nữ "khôn"
Kết hôn được hơn 20 năm nhưng tình cảm vợ chồng anh Tuấn chị Liên luôn tốt đẹp. Chị gói gọn trong 3 bí quyết:
1. Giữ hôn nhân ở trạng thái ổn định dù đi qua bao nhiêu năm
Với chị Liên, ngay từ đầu bước vào hôn nhân chị đã xác định và chấp nhận hết những tật xấu của đối phương cũng như của chị. Ví dụ anh ít nói nên không thể đòi hỏi anh cho mình nghe lời ngọt ngào, lãng mạn. Chị không kết hôn với 1 tâm thế kì vọng, tìm 1 chỗ dựa cả đời. Chỉ đơn giản là chị muốn song hành cùng anh, như người bạn tri kỉ suốt phần đời còn lại.
Phụ nữ cần đẹp theo cách riêng chứ đừng theo 1 ai đó (Ảnh: Thọ Hoàng) |
2. Đẹp theo cách riêng và không để mình lạc lõng với thời cuộc
Chị không có 1 thân hình thon thả hay đường cong quyến rũ. Chị vẫn tập luyện thể thao, đi spa làm đẹp nhưng không phải vì thế mà chị bất chấp ép bản thân mình phải theo 1 khuôn mẫu chung. Chị khiến anh thấy vợ mình đẹp theo 1 cách riêng, là phiên bản duy nhất. Chị cũng cập nhật mọi thứ theo thời cuộc. Vì có cô con gái lớn đã 21 tuổi nên chị được "trainning" rất nhiều để bản thân "xì tin" hơn cả giới trẻ.
3. Có "điên" mới không giữ chồng
Mặc kệ nhiều người bảo phụ nữ cần giữ giá chứ giữ chồng làm gì. Chị hài hước chia sẻ: "Giá mang đi xào lòng thôi. Chồng mình nhiều điểm tốt, là người đàn ông mình chọn gắn bó cả đời, đồng cam cộng khổ mãi mới có chút thành tựu mà bảo không giữ thì có mà dại. Giữ chồng là giữ hôn nhân, giữ gia đình, giữ công sức cùng nhau xây đắp, giữ vì chồng mình đáng giữ và cần phải giữ".
Phụ nữ hiện đại không ngại thích nghi (Ảnh: Thọ Hoàng) |
Nói thế nhưng chị Liên rất tâm lý chứ không hề gò ép hay kiểm soát chồng. Quan trọng hơn cả vẫn là sự tự giác, muốn sẻ chia, quan tâm và yêu thương lẫn nhau bởi "bí quyết có thần thánh thế nào mà người trong cuộc không có ý thức tự gìn giữ thì cũng vô nghĩa".
Xin được kết lại bằng 1 câu nói của ba mẹ 3 con: "Tôi, chồng và các con luôn ghi nhớ, gia đình là thứ quý giá không bao giờ được mang đi đánh đổi hay liều lĩnh bất chấp".
Xôn xao Á hậu Phương Nhi từng có bạn trai, chia tay vì gia đình cấm cản?
Loạt hình ảnh Á hậu Phương Nhi thân mật bên chàng trai lạ mặt thu hút sự chú ý của công chúng.