Nghi lễ rước diều cổ diễn ra vào 10h ngày 25-1 tại Hoàng thành Thăng Long. Đây là một trong những điểm nhấn của chương trình Happy Tết 2024 do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức.
Con diều cổ từ thời Lê sẽ được trưng bày tại Chương trình Happy Tết Hoàng ở Thành Thăng Long |
Bà Lê Thị Thiết, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa diều Việt Nam cho biết, đơn vị sẽ thực hiện nghi lễ rước diều cổ truyền, với điểm nhấn là rước và trưng bày con diều cổ có từ thời Lê. Con diều cổ này đang được bảo tồn tại đền Song An (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Con diều có chiều dài 1m, được làm hoàn toàn bằng tre, giấy; sáo và dây diều có niên đại 300 năm trước cũng được làm bằng tre, dài 100 m.
Tục lệ đua diều ở Song An đã có từ gần 600 năm trước |
Tổng An Lão xưa, nay là xã Song An (Vũ Thư – Thái Bình) có một ngôi đền cổ kính mang tên Sáo Đền. Đây được coi là cái nôi văn hóa với tục lệ đua diều trứ danh của đất Bắc. Người Song An không chỉ coi việc đua diều là tục lệ mà nâng thành hàng tín ngưỡng. Lễ hội Sáo Đền, xã Song An được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm để tưởng nhớ ngày mất của Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao. Hoạt động của lễ hội có phần lễ mang nhiều nghi thức thiêng liêng và phần hội với các hoạt động mang tính đua tài, đua khéo trong đó phải kể đến tục chơi diều sáo đặc sắc đã trải quả gần 600 năm. Vào năm 2020, Bộ VH-TT&DL đã công nhận "Tục chơi diều sáo trong lễ hội Sáo đền" ở xã Song An là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Các CLB Diều thực hiện trưng bày tại không gian Happy Tết 2024 |
Với người Việt, thả diều hàm chứa ý nghĩa tâm linh, khát vọng về tự do, no ấm và cầu mong may mắn trong làm ăn cũng như cuộc sống. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, tục thả diều ở một số lễ hội ở Việt Nam cũng là nghi lễ cầu mùa của cư dân nông nghiệp xưa. Ở nhiều làng quê Việt Nam hiện nay còn lưu truyền rất nhiều truyền thuyết giải thích cho tục thả diều.
Bà Lê Thị Thiết cho biết, hiện con diều cổ đã được đưa từ Thái Bình về bảo quản tại Hoàng thành Thăng Long. Ngày 22-1, Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa diều Việt Nam đã cho dựng không gian văn hóa diều. Do thời tiết mưa rét, chưa đủ điều kiện trưng bày nên Trung tâm đang bảo quản con diều theo quy trình riêng.
Bà Lê Thị Thiết, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa diều Việt Nam giới thiệu con diều trang trí hình thiếu nữ chơi đàn |
Trong Không gian giới thiệu văn hóa diều Việt Nam, ngoài con diều cổ, Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa diều Việt Nam sẽ trưng bày 300 con diều các loại, đến từ nhiều câu lạc bộ (CLB) diều khác nhau trên cả nước như: CLB diều Sáo Đền (Thái Bình); CLB diều Cung đình Huế; CLB diều Thăng Long, CLB diều An Khánh, CLB diều Thăng Long, CLB diều bãi đá sông Hồng của Hà Nội…
Những con Diều được trang trí bằng những hình vẽ ý nghĩa |
10h sáng 25-1, lễ rước diều sẽ diễn ra từ Điện Kính Thiên đến khu vực sân khấu chính. Đoàn rước sẽ được tổ chức bài bản với sự tham gia của đội múa lân sư rồng và các CLB với những con diều đặc trưng. Những người tham gia rước diều đều mặc trang phục truyền thống.
Diều của LLB Phú Bình |
Bên cạnh đó, Không gian giới thiệu văn hóa diều Việt Nam còn có nhiều hoạt động trải nghiệm như: Nghệ nhân kể chuyện diều, hướng dẫn người dân và du khách cách làm và vẽ trên những cánh diều.
“Happy Tết 2024” - Lan toả bản sắc văn hoá Tết truyền thống”
Một trong những điểm nhấn tại "Happy Tết 2024" là sự xuất hiện của 300 cánh diều sắc màu bay ở Hoàng Thành Thăng Long và Lễ rước diều cổ 600 năm.