COVID-19 sáng 22/5: 36 ngày Việt Nam không có ca nhiễm mới ở cộng đồng, Brazil 310.000

Đến nay, Việt Nam đã 36 ngày không có ca nhiễm COVID-19 ở cộng đồng. Trong khi đó, trên thế giới dịch vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt ở Brazil.

Tính đến 6h ngày 22/5, Việt Nam có tổng cộng 184 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Tính đến sáng nay cũng bước vào ngày thứ 4, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nhập cảnh, kể từ 4 ca bệnh trờ về từ Nga và Mỹ được công bố chiều ngày 18/5.

Số người cách ly hiện nay là 14.744, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện: 266, cách ly tập trung tại cơ sở khác: 7.726, cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 6.752.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị- Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này có 266/324 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, chiếm 82% tổng số ca bệnh COVID-19 ở nước ta. 

58 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại 9 cơ sở y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Trong đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị nhiều nhất với 25 ca; Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu là 17 ca; Bệnh viện đa khoa Thái Bình là 6 ca...

Trong khi đó, tính đến 7h30 ngày 22/5 (giờ Việt Nam), theo thống kê của worldometers, thế giới ghi nhận 5.189.488, tăng 106.077 ca trong 24 giờ qua, hơn 334.000 ca tử vong. Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong, lần lượt là 1.620.767 và 96.414 ca.

Nga vẫn là nước xếp sau Mỹ với 317.554 ca nhiễm và 3.099 ca tử vong. Thứ ba là Brazil với 310.087 ca nhiễm và 20.047 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Mỹ là nước có số ca nhiễm mới cao nhất với hơn 28.000, tiếp đến là Brazil với 16.730 ca, Nga 8.849 ca.

Bộ Y tế Brazil ngày 21/5 đã xác nhận thêm 1.188 ca tử vong vì COVID-19, đây là con số kỷ lục kể từ khi quốc gia Nam Mỹ này phát hiện trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên. Bang Sao Paulo vẫn là địa phương chịu tác động nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19 ở Brazil với 5.363 ca tử vong, tiếp theo là các bang Rio de Janeiro và Ceara với số bệnh nhân thiệt mạng lần lượt là 3.237 và 1.900 người.

Với tốc độ lây lan theo cấp số nhân, Brazil đã trở thành quốc gia có số lượng ca nhiễm SARS-Cov-2 nhiều thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Nga. Trong khi đó, giới lãnh đạo của qucuargq Nam Mỹ này lại không “cùng chiến tuyến” trong vấn đề đối phó với dịch bệnh.

Chỉ trong vòng 1 tháng, cả 2 Bộ trưởng Y tế - Nelson Teich và Luiz Henrique Mandetta - đều từ chức do bất đồng quan điểm với Tổng thống Jair Bolsonaro, người luôn giữ quan điểm ưu tiên các hoạt động kinh tế hơn các biện pháp cách ly xã hội để đối phó với đại dịch.

PV (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương