Cụ thể, 67 bị cáo bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về nhiều tội danh như: buôn lậu; vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; nhận hối lộ; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; sản xuất, buôn bán hàng giả; làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Trong đó, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, nguyên Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM và 17 cựu cán bộ Cục Thuế TP.HCM bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Bà Hạnh bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.
Trong số các cán bộ thuế hầu tòa, có 3 bị cáo là Đào Thị Nga (cựu cán bộ Chi cục Thuế quận 1), Nguyễn Phương Nam (cựu cán bộ Chi cục Thuế quận 3) và Ngô Huỳnh Lũy (cựu cán bộ Chi cục Thuế quận 5) bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về tội nhận hối lộ. Bị cáo Nam và Lũy bị tạm giam, bị cáo Nga bị cấm đi khỏi nơi cư trú, theo SGGP.
Ngoài ra, một số cựu cán bộ hải quan cũng bị đưa ra xét xử trong vụ án này.
Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Phạm Lương Toản, Chánh tòa hình sự TAND TP.HCM, thẩm phán Đoàn Thị Hương Giang và 3 hội thẩm nhân dân. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM tham gia phiên tòa gồm ông Phạm Văn An, ông Nguyễn Huy Khánh và bà Lê Thị Đông.
Bị hại trong vụ án này được xác định là Cục Thuế TP.HCM và Công ty Cổ phần phát triển nhà Thủ Đức. Bên cạnh đó, tòa cũng triệu tập 248 đơn vị, cá nhân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tính thêm hàng trăm luật sư bào chữa cho các bị cáo, thân nhân và phóng viên báo chí dự đưa tin, phiên tòa có hàng trăm người tham dự.
Theo cáo trạng, từ năm 2017 đến năm 2019, Trịnh Tiến Dũng (đang trốn truy nã) chỉ đạo thành lập nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam và nước ngoài để lập hồ sơ, xuất nhập khẩu hàng hóa. Dũng thành lập, sử dụng 13 pháp nhân để ký các hợp đồng xuất nhập khẩu, giao nhận hàng hóa.
Từ tháng 2/2018 đến tháng 6/2019, Dũng chỉ đạo nhân viên móc nối với các nghi phạm tại Thuduc House để lập, ký 334 hợp đồng kinh tế với 8 công ty nước ngoài để bán hàng hóa linh kiện điện tử cho các đối tác. Tổng giá trị các lô hàng xuất khẩu là hơn 158 triệu USD (hơn 3.600 tỷ đồng), thuế giá trị gia tăng hàng xuất khẩu bằng 0%.
Để hợp thức đầu vào, Thuduc House lập, ký 334 hợp đồng mua bán linh kiện điện tử trong nước với nhiều công ty với giá trị hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó có 10% tiền thuế giá trị gia tăng. Sau đó, công ty này lập 19 bộ hồ sơ gửi Cục Thuế TP.HCM đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng hơn 430 tỷ đồng. Khi tiếp nhận hồ sơ, Cục thuế TP.HCM đã ban hành 15 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng cho Thuduc House với tổng số tiền hơn 331 tỷ đồng, theo Zing.
Đối với 7 người thuộc Cục hải quan TP.HCM, cáo trạng xác định các bị cáo là cán bộ công chức hải quan được phân công kiểm tra thực tế hàng hóa tại hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I. Tuy nhiên, họ không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao dẫn đến việc không phát hiện được 4 lô hàng bị phân luồng "đỏ" khai báo hải quan không trùng khớp so với hàng hóa thực tế.
(Tổng hợp)