Sau đại dịch COVID-19, TTC Hospitality phải ‘xuống đường’ bán bánh mì

TTC Hospitality chọn đầu tư vào mô hình xe bán bánh mì nhằm phần nào “vãn hồi doanh thu” từ việc tất cả các khách sạn - resort, mảng lữ hành phải tạm dừng. Công ty này tự tin sẽ có lợi thế khi xâm nhập thị trường F&B.

Sau giai đoạn cao điểm COVID-19, Công ty Cổ phần Du lịch Thành Thành Công ( TTC Hospitality ) cho ra mắt chuỗi xe Bánh mì Anh Mập. Khai trương hồi cuối tháng 5/2020, đại diện TTC Hospitality cho biết, Bánh mì Anh Mập chọn mô hình xe bánh mì vì xe thể hiện sự xê dịch, kết hợp với món bánh mì quen thuộc với mọi đối tượng và gắn với phố phường nhằm mong muốn mang hương quen phố thị đi khắp nơi.

Đơn vị này tin rằng, đây cũng là cách xe Bánh mì Anh Mập mang đến một vị mới và một cách cảm nhận khác về bánh mì cho thực khách trong nước cũng như bạn bè quốc tế. Hiện tại, chuỗi bánh mì này đang có 5 xe bán hàng ở TP.HCM, Đà Lạt, Cần Thơ và Phan Thiết. Vị trí bán hàng chủ yếu tại toà nhà văn phòng, khách sạn và khu du lịch trong hệ thống TTC Hospitality.

Bánh mì Anh Mập đang bán bánh mì tươi và bánh mì có nhân, gồm phá lấu, truyền thống, gà BBQ, bơ đường và bơ tỏi. Ngoài ra, chuỗi này còn kết hợp bán hai loại thức uống, nước dừa Cocoxim và nước mía không ngọt Miaqua, đều là những sản phẩm từ doanh nghiệp trực thuộc TTC.

Ngoài bánh mì, TTC còn bán thêm các sản phẩm trong hệ sinh thái F&B đã đầu tư. Ảnh: Bánh mì Anh Mập
Ngoài bánh mì, TTC còn bán thêm các sản phẩm trong hệ sinh thái F&B đã đầu tư. Ảnh: Bánh mì Anh Mập

Ông Nguyễn Thế Vinh , Chủ tịch TTC Hospitality cho biết, chuỗi bánh mì này nằm trong kế hoạch dừng mở mới khách sạn - resort và chuyển sang kế hoạch ứng phó của công ty. Trong suốt những tháng cao điểm COVID-19, TTC Hospitality tìm cách đẩy mạnh mảng F&B nhằm phần nào “vãn hồi doanh thu” từ việc tất cả các khách sạn - resort cùng mảng lữ hành của họ phải tạm dừng hoạt động vì giãn cách xã hội.

Nhưng từ tình thế này, ông Thế Vinh muốn xây dựng nên một chuỗi F&B đặc trưng TTC  Hospitality với những sản phẩm sạch, chất lượng và dinh dưỡng cho khách hàng,… Chuỗi này khẳng định, bánh mì của họ có đặc điểm nổi bật là tự tay làm ra.

“Khi thực khách dùng thử sẽ thấy quen quen nhưng mà lại không quen quen. Quen là bởi chừng đó thứ được nhận đầy ruột bánh mì, nhưng cũng không quen là bởi mùi vị rất đặc trưng của Bánh mì Anh Mập, đó là mùi của ‘nhà làm’ không thể lẫn lộn vào đâu được”, đại diện chuỗi F&B này chia sẻ.

Ngoài bán hàng trực tiếp, chuỗi bánh mì của TTC Hospitality đang bắt tay với nền tảng giao thức ăn để mở rộng phạm vi phục vụ.

TTC tự tin Bánh mì Anh Mập sẽ nên chuyện với việc tận dụng nguồn tài nguyên có sẵn và mô hình đúng đắn. Ảnh: Bánh mì Anh Mập
TTC tự tin Bánh mì Anh Mập sẽ nên chuyện với việc tận dụng nguồn tài nguyên có sẵn và mô hình đúng đắn. Ảnh: Bánh mì Anh Mập

Theo khảo sát của siêu ứng dụng Go-Viet hồi tháng 3/2020, khách hàng đã đặt 4,5 triệu ổ bánh mì trên nền tảng giao thức ăn Go-Food. Đáng nói, con số trên chỉ được thực hiện bởi nền tảng giao thức ăn lớn thứ 3 cả nước, theo QandMe. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ bánh mì qua các nền tảng giao thức ăn rất lớn.

Chưa kể, bánh mì là loại thức ăn thường được mua trực tiếp, nhất là với các xe bánh mì ven vỉa hè. Đi dọc các con đường khắp TP.HCM, không khó để bắt gặp mô hình này nối nhau san sát.

Chính vì thế, TTC Hospitality tự tin, với việc tận dụng nguồn tài nguyên có sẵn và mô hình đúng đắn, công ty này sẽ có lợi thế khi xâm nhập thị trường F&B, ngành chịu ảnh hưởng rất nhiều trong thời gian dịch bệnh.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương