Vì sao có những đứa trẻ rất tự tin, năng động, lúc nào cũng tỏa ra năng lượng tích cực, khiến người khác yêu mến. Các em không ngại thử thách bản thân ở những lĩnh vực mới, dám làm, dám khám phá. Song song đó, lại có những đứa trẻ rất nhút nhát, rụt rè, lòng tự trọng thấp. Các em luôn có tâm lý ngại ngùng, không dám thể hiện bản thân mình trước mọi người. Trong mỗi cuộc trò chuyện, những đứa trẻ này thường im lặng, mong người khác không chú ý đến mình. Vì sao lại có sự khác biệt như vậy?
Một bà mẹ họ Lý ở Trung Quốc mới đây đã chia sẻ câu chuyện của mình. Chị Lý cho biết, cậu con trai đang học cấp 2 của chị là tuýp trẻ em thứ hai, rất rụt rè, ít nói, mỗi lần có khách khứa đến nhà chơi thường thích trốn lên phòng, không muốn giao tiếp nhiều với mọi người. Bản thân chị Lý là người hoạt ngôn, chị không hiểu sao con mình lại có tính cách trái ngược như vậy.
Trong dịp Tết năm nay, khi đi chúc Tết một người họ hàng, chị Lý cuối cùng đã hiểu lý do tại sao. Được biết trước đó con trai chị Lý khá béo, sau đó chị Lý đã nghiêm khắc cắt giảm chế độ ăn, bắt con tập thể dục thường xuyên nên hiện tại con chị đã có ngoại hình cân đối hơn.
Một người họ hàng khi gặp con chị Lý vào dịp Tết đã khen con trai chị đẹp trai và gầy hơn trước. Khi bầu không khí đang vui vẻ, chị Lý thuận miệng kể những chuyện vui hồi con còn béo, như việc lúc mới đầu, con chị lười tập thể dục như nào, từng giấu mẹ mang thức ăn lên phòng để ăn đêm ra sao, rồi có lần con trai chị vì béo mà từng ngồi gãy chân một chiếc ghế nhựa,...
Ảnh minh họa |
Thỉnh thoảng chị Lý lại quay sang ghẹo con: "Đấy Tết này ăn uống cẩn thận không lại béo như cũ, phí công mẹ rèn luyện cho". Mỗi lần chị Lý kể một câu chuyện, mọi người lại cười rần.
Chị Lý còn đang định vui mồm kể tiếp thì người họ hàng khen con chị lúc trước bất ngờ đổi chủ đề câu chuyện sang vấn đề khác. Lúc sau, người họ hàng này đã nói chuyện riêng với chị Lý, góp ý chị không nên vô tư kể khuyết điểm của con trước mặt mọi người như vậy. Điều này sẽ khiến con bị xấu hổ, lòng tự trọng thấp.
Ban đầu, chị Lý hơi bực mình, khó chịu vì "mới đầu năm đã bị người khác dạy đời". Tuy nhiên trên đường trở về nhà, chị quan sát thái độ của con và cảm thấy người họ hàng quả thực đã nói đúng. Trước khi đi chúc Tết, con chị vẫn có thái độ bình thường, vui vẻ trả lời câu hỏi của họ hàng. Khi được khen đẹp trai và gầy hơn trước, con chị rõ ràng rất vui.
Nhưng từ sau lúc bị mẹ "kể xấu", con chị chỉ ngồi im không nói gì, sau đó lúc vào bữa cơm, ai hỏi gì con cũng chỉ ậm ừ trả lời qua loa. Dọc đường trở về nhà, con chị cũng im lặng, không nói gì. Thực tế, mỗi lần khách khứa đến nhà, thỉnh thoảng chị cũng hay lôi khuyết điểm của con ra để "buôn", "lấy câu chuyện làm quà",...
"Nghĩ lại thì người họ hàng của tôi chưa bao giờ chê bai con cái trước mặt mọi người. Chị ấy thường khen con năm nay chăm chỉ, đạt được thành tích gì, năm tới dự định làm gì. Mỗi lần như thế mọi người đều cười vui vẻ khen cháu. Tôi cũng khiến mọi người cười, nhưng lại là cười nhạo con mình. Có lẽ vì thế mà con tôi lúc nào cũng rụt rè, ít nói, hay tránh mặt khách khứa", chị Lý ngẫm lại.
Thực tế, câu chuyện của chị Lý không phải là trường hợp cá biệt. Rất nhiều phụ huynh thường vô tư quá mức trong việc nói về khuyết điểm của con cái ở nơi đông người. Họ quên mất một điều rất đơn giản, đó là "tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại". Nếu con có điều gì không tốt, là cha mẹ chúng ta phải nghiêm khắc nhắc nhở, dạy dỗ con, nhung là "đóng cửa bảo nhau", chứ không phải "mở cửa thông thống" cho thiên hạ nhìn thấy.
Sự vô ý của cha mẹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lòng tự trọng của con, khiến con trở nên tự ti, không dám thể hiện, khẳng định với bản thân. Một đứa trẻ như vậy trong tương lai khó mà trở nên xuất sắc...
Mẹ Hà Nội dạy con về tiền cực hay: Nhìn cách con gái chị tự xử lý tiền lì xì năm nay, nhiều phụ huynh khen nức nở
Con gái chị Hằng có khái niệm về tài chính từ nhỏ.