Sau Single’s Day, điểm lại những chiêu khiến người dùng “sập bẫy” khuyến mại

Ngày mua sắm độc thân 11/11 mang lại doanh thu khổng lồ cho nhiều trang thương mại điện tử. Nhưng không ít khách hàng cảm thấy mình đã… ăn phải cú lừa. 

Hủy hàng không lý do, đẩy giá ship

Tài khoản Trần Sơn cho biết đã đặt mua một đôi giày Adidas trên Lazada với giá 1.119.900 đồng. Tuy nhiên, đơn hàng sau đó bị hủy không lý do. Sau khi đặt hàng lại, người này phát hiện giá bán đã được nâng lên 1.224.000 đồng.

Mức giá bán sau khi đặt lại cao hơn mức giá đã đặt ban đầu. 
Mức giá bán sau khi đặt lại cao hơn mức giá đã đặt ban đầu. 

Trên fanpage chính thức của Shopee và Lazada, một số người dùng còn để lại bình luận chỉ trích về mức phí vận chuyển. Đa số đều bày tỏ bức xúc khi các sàn này quảng cáo miễn phí vận chuyển, nhưng thực tế chỉ giảm một số tiền nhất định.

"Ngày thường miễn phí vận chuyển, thấy còn 30.000 đồng. Bây giờ đẩy lên 50.000 đồng rồi bảo giảm 20.000 đồng thì vẫn còn 30.000 đồng. Thế thì nói miễn phí vận chuyển làm gì, vote 1 sao", tài khoản Nguyễn Trọng Thắng viết.

Bạn Hạnh Nguyễn, một sinh viên ở Long An, cũng cho biết phí vận chuyển ở Lazada quá cao nên bạn quyết định không mua.

"Mua hàng 60.000 đồng mà phí ship lên đến 150.000 đồng thì nghỉ cho lành. Tôi thấy Lazada quảng cáo khủng quá nên tò mò vào xem rồi lựa được vài món. Nhưng phí ship cao thế thì sao mua được", bạn Hạnh chia sẻ.

Sản phẩm túi đeo chéo thời trang nữ Yuumy thậm chí còn có giá bán cao hơn thường ngày.
Sản phẩm túi đeo chéo thời trang nữ Yuumy thậm chí còn có giá bán cao hơn thường ngày.

Giảm giá ảo

Chi gần 2 triệu đồng để mua mỹ phẩm và quần áo trên Shopee trong ngày 11/11, chị Hạnh Dung - một nhân viên văn phòng làm việc tại Hà Nội, cho biết: "Sau khi đặt hàng và thanh toán xong, tôi mới phát hiện ra là tổng số tiền gồm cả giá sản phẩm và phí ship cao hơn so với mua ở cửa hàng trực tiếp".

Chị Dung cho rằng, số sản phẩm được giảm 50-70% không nhiều, tính ra không khác gì giá mua trong ngày thường. Thậm chí, một số người bán còn nâng giá sản phẩm để khuyến mại ảo, khi đó giá sau khuyến mại chỉ thấp hơn bình thường một chút dù giảm sâu. 

“Mình chọn mua sản phẩm sản phẩm toner Calendula Herbal Extract của Kiehl’s. Lazada để giá flash sale là 1 triệu đồng/chai, giảm 40% so với giá gốc", chị Lê Uyên, nhân viên văn phòng tại quận 2, TP.HCMbức xúc. "Thế nhưng, hôm nay mình vào trang chính thức của hãng thì mặt hàng này có giá 1 triệu đồng. Như vậy, sale bằng với không sale”.

Sản phẩm này được tăng giá trước ngày sale.
Sản phẩm này được tăng giá trước ngày sale.

Nhiều người mua hàng tại các trang thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Sendo cũng gặp tình huống tương tự. “Tôi mua nồi lẩu điện Comet 3,5 lít với giá 300.000 đồng trên Sendo. Sàn này thông báo sản phẩm đã được giảm 43% chỉ trong một ngày 11/11", khách hàng Thanh Hưng ở quận Phú Nhuận, TP.HCM kể.

"Thế nhưng, giá thị trường của sản phẩm cũng dao động mức 300.000-350.000 đồng”, Thanh Hưng bực bội.

Một số trường hợp người dùng còn phản ánh việc cùng một loại mặt hàng nhưng khi giảm 50% lại có giá cao hơn giá gốc.

“Sản phẩm tôi mua là túi đeo chéo thời trang nữ Yuumy. Trước đây tôi từng mua chiếc túi này với giá 100.000 đồng. Nhân dịp giảm giá 11/11 tôi mua thêm một cái cho chị gái thì mới biết sản phẩm đang được bán với giá 125.000 đồng sau khi giảm giá 50%”, Khánh Linh, nhân viên văn phòng tại quận 1, TP.HCM, chia sẻ.

Hầu hết các trường hợp người dùng phản ánh trên đều không xa lạ trong mùa khuyến mại, đặc biệt là thời điểm cuối năm khi người dùng có nhu cầu mua sắm và các nhà bán lẻ, nhà sản xuất cần đẩy hàng tồn. Không phủ nhận, nếu tỉnh táo và có kinh nghiệm mua hàng sale, người dùng vẫn có nhiều cơ hội được mua hàng với giá tốt, được khuyến mại thực sự.

Giá thật chỉ giảm 5.000 đồng nhưng sàn thương mại điện tử vẫn ghi 51% giảm cho combo 2 can nước giặt Lix.
Giá thật chỉ giảm 5.000 đồng nhưng sàn thương mại điện tử vẫn ghi 51% giảm cho combo 2 can nước giặt Lix.

Tuy nhiên, không hiếm người bán giở nhiều chiêu trò giá ảo, “treo đầu dê bán thịt chó”,.. để lừa người dùng. Do vậy, người tiêu dùng phải hết sức cẩn thận khi chọn mua hàng online trên các sàn thương mại điện tử, tìm hiểu các đánh giá dành cho nhà cung cấp trước khi mua; đặc biệt so sánh giá bán của sản phẩm định mua tại nhiều cửa hàng khác nhau để tìm ra giá bán thật sự của sản phẩm, từ đó sẽ biết hàng có đúng là được giảm giá hay không.

Rất nhiều sản phẩm được người bán nâng giá lên rồi hạ giá sâu xuống khiến người mua tưởng bở, trên thực tế là sản phẩm giảm không đáng bao nhiêu, thậm chí có khi còn cao hơn giá bình thường.

KIM THOA

Bước vào mùa “săn sale”, coi chừng khuyến mại ảo

Bước vào mùa “săn sale”, coi chừng khuyến mại ảo

Tháng 11 mở màn bằng “đại tiệc” khuyến mại ngày Lễ độc thân. Hàng ngàn món hàng được quảng cáo bán giảm giá sốc khiến người dùng như lạc vào mê trận.