Bước vào mùa “săn sale”, coi chừng khuyến mại ảo

Tháng 11 mở màn bằng “đại tiệc” khuyến mại ngày Lễ độc thân. Hàng ngàn món hàng được quảng cáo bán giảm giá sốc khiến người dùng như lạc vào mê trận.

Tuy ngày 11/11 mới chính là ngày Lễ Độc thân (Single's Day) nhưng hiện người tiêu dùng đã có thể mua hàng khuyến mại “sướng tay”. Từ các cửa hàng offline cho đến các trang thương mại điện tử đều tràn ngập chương trình ưu đãi, giảm giá, tặng quà cho người mua. Không phủ nhận có những mặt hàng giá giảm thật sự, nhưng không hiếm những sản phẩm bị người bán “treo đầu dê, bán thịt chó” qua mặt người tiêu dùng.

Mặt tối của mua hàng giảm giá

Hiện nay, để mua hàng giảm giá vào những dịp đặc biệt, nếu không có thời gian người tiêu dùng thường chọn mua hàng online. Chỉ việc ngồi trước máy tính hay điện thoại và nghiên cứu sản phẩm với đầy đủ thông tin, săn deal bằng hình thức online đang là lựa chọn mua sắm lý tưởng.

Bước vào mùa “săn sale”, coi chừng khuyến mại ảo

Nhiều chị em là tín đồ săn sale những ngày qua đã lên kế hoạch mua hàng trong mùa khuyến mại cuối năm này. Thật khó cầm lòng khi đâu đâu cũng bắt gặp biển quảng cảo giảm giá được giăng lên khắp nơi - đặc biệt là với các mặt hàng làm đẹp, thời trang, với nhiều hình thức đa dạng. Nếu chịu khó bỏ chút thời gian tìm hiểu thông tin thì đây thực sự là cơ hội mua sắm tiết kiệm, hiệu quả dành cho mọi người.

Chị Xuân Mai, ngụ quận Phú Nhuận cho biết: “Năm nào tôi cũng chờ mùa giảm giá tháng 11, 12 để mua hàng. Rất nhiều mặt hàng giảm giá nhưng nếu để ý sẽ thấy không “hời” như nhiều người tưởng. Hàng trăm, hàng ngàn sản phẩm đồng loạt gắn biển giảm giá nhưng tốt nhất chỉ nên mua những món hàng giảm giá sốc thật sự. Nên nhớ là hàng giá giảm sốc số lượng rất ít, mà cũng khó mua nên người mua phải săn. Đó mới chính là cái thú vị của mua hàng giảm giá”.

Rất nhiều người rơi vào tình cảnh “viêm túi” khi bị hấp dẫn và càng lún sâu vào hố khuyến mại trong khi nhiều món hàng thực ra lại không cần thiết. Chưa kể, giữa muôn trùng hàng giá giảm, quảng cáo ưu đãi sốc, không ít người tiêu dùng vì ham rẻ đã sập bẫy web giả. Những chiêu trò khuyến mại ảo, xả hàng tồn, “treo đầu dê bán thịt chó” bao năm nay vẫn đến hẹn lại lên vào những mùa khuyến mại, đại hạ giá trong năm.

Cần biết rằng, trong những dịp như Single's Day, Black Friday,... nhiều trang web, trung tâm thương mại, nhãn hàng tại Việt Nam và cả ở nhiều nước khác thường tung ra mức giảm giá phổ biến 10-30%, có khi lên đến 50%. Đây là mức giảm vẫn còn nằm trong biên độ lợi nhuận của các hãng, để dù bán hàng giảm giá họ vẫn bù lại được lợi nhuận nhờ bán với số lượng lớn, sản phẩm tiếp cận được nhiều đối tượng tiêu dùng.

Bước vào mùa “săn sale”, coi chừng khuyến mại ảo

Nhưng nếu mặt hàng nào rao giảm giá “đậm” đến mức 80 - 90%, trừ khi mặt hàng đó closed-out (hàng không sản xuất nữa hoặc đóng cửa luôn) thì người tiêu dùng cần tỉnh táo, tìm hiểu thông tin kỹ càng vì khả năng đó là các website lừa. 

Hãy là người tiêu dùng thông minh!

Thực tế, việc mua sắm online đang ngày càng hấp dẫn hơn vì đa dạng từ hàng hóa cho đến giá cả; nhưng vẫn là mảnh đất còn nhiều “mảng tối” làm mờ mắt, khiến người mua hàng dễ bị thiệt hại mà không biết kêu vào đâu.

Không ít nhà kinh doanh lợi dụng cái thời điểm mà người mua “hừng hực khí thế”, “hoa mắt sôi máu” săn hàng giảm giá dễ mất cảnh giác mà chơi chiêu trò.

Do đó, người tiêu dùng cần trang bị cho mình những kinh nghiệm và mẹo mua sắm thông minh, chọn mua hàng tại những website, thương hiệu, cửa hàng có uy tín và được cộng đồng đánh giá cao.

Hơn hết, người tiêu dùng cần nắm được các “chiêu” thường được người bán sử dụng. Đơn cử như chiêu giá ảo. Vài ba ngày hay một tuần trước thời điểm bắt đầu khuyến mại, cửa hàng lặng lẽ thay các biển giá mới, nâng giá lên cao hơn bình thường. Sau đó, tới ngày khuyến mại, họ cho gạch chéo cái giá đó để ghi đè lên cái giá gọi là khuyến mại. Nếu so sánh giữa hai giá, khách hàng choáng ngợp niềm vui gặp được giá quá hời, chẳng tiếc tiền vung ra.

Bước vào mùa “săn sale”, coi chừng khuyến mại ảo

Chiêu nâng giá lên rồi hạ giá xuống gọi là khuyến mại này sẽ không qua mặt được khách cũ, những "thợ săn sale" chính hiệu. Nhưng nó luôn có hiệu quả đối với những người mới ghé qua mua sắm.

Một chiêu trò thường thấy khác trong mùa khuyến mại tập trung là xả hàng tồn kho. Đây là những sản phẩm thế hệ cũ hay những mẫu mã bán chậm được mở ra bán bên cạnh những sản phẩm đời mới, sản phẩm hot cho" vàng thau lẫn lộn". Mà xưa nay chỉ có người mua lộn chớ người bán nào có lộn bao giờ.

Cũng có những chiêu bán kèm theo kiểu "công chúa cõng bà già", muốn mua cái này phải kèm theo cái kia. Bởi vậy, người tiêu dùng thông minh luôn phải biết đề cao cảnh giác. Khi thấy ghi giá càng giảm mạnh, giá hàng càng rẻ thì càng phải dè chừng.

Hiện nay trên Internet có những trang web, dịch vụ chuyên làm công việc so sánh giá cả thực tế của một mặt hàng nào đó đang bán tại nhiều cửa hàng khác nhau để giúp người tiêu dùng có thể "chọn giá đúng". Đây là công cụ kiểm tra giá hữu hiệu, giúp người tiêu dùng tránh bị “đau bụng” vì xót tiền trong mùa khuyến mại thực, ảo cuối năm.

KIM THOA

Tưng bừng khuyến mại đón ngày Lễ độc thân 11/11: Săn sale kẻo lỡ!

Tưng bừng khuyến mại đón ngày Lễ độc thân 11/11: Săn sale kẻo lỡ!

Mùa khuyến mại cuối năm nay được khởi động với hàng loạt chương trình hấp dẫn đón đầu ngày Lễ độc thân.