Sẽ thanh tra chuyên đề diện rộng về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì chung cư

Theo kế hoạch, Bộ Xây dựng sẽ thực hiện thanh tra chuyên đề diện rộng đối với 11 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư trên địa bàn.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 30/2021/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 30/2021/NĐ-CP ngày 20/10/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở với một số quy định chặt chẽ hơn được cho là sẽ góp phần chặn đứng tình trạng chủ đầu tư chây ì, "om" 2% quỹ bảo trì nhà chung cư. Tuy nhiên, dù đã có quy định hướng dẫn nhưng việc cưỡng chế quỹ bảo trì nhà chung cư đối với các chủ đầu tư cố tình chây ì là khá nan giải.

 Bộ cũng thanh tra về thực hiện việc dành quỹ đất để đầu tư, phát triển nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị ở 11 tỉnh, thành trên. Bộ trưởng Xây dựng giao Chánh thanh tra Bộ tổ chức triển khai, đôn đốc việc thực hiện theo kế hoạch thanh tra, định kỳ báo cáo bộ trưởng theo quy định.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng sẽ tiến hành việc thanh tra chuyên ngành đối với công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng tại một số dự án do bộ (ngành), tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư và công tác quản lý nhà nước ngành xây dựng tại các tỉnh, thành phố.

2 đơn vị nằm trong danh sách này là Ban quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông Vận tải) và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Nội dung thanh tra là công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng tại dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng. Đầu năm 2021, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Thanh tra Bộ tập trung thanh tra đối với nhiều chủ đầu tư và ban quản trị nhà chung cư.