Trong bối cảnh hạn chế đi lại do Bắc Kinh và Washington áp đặt trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành, việc tìm chuyến bay trở về nước đối với sinh viên Trung Quốc là cơn ác mộng. Các nhà phân tích nhận định, khi căng thẳng trở nên tồi tệ hơn, có “một cuộc chiến ủy nhiệm hàng không ” (nguyên văn: “an ongoing aviation proxy war”) đang diễn ra giữa hai nước trong dài hạn.
Nhiều du học sinh Trung Quốc tại Mỹ đã mòn mỏi chờ đợi và tuyệt vọng khi tìm đủ cách vẫn không đăng ký được chuyến bay. Tuần trước, Bộ Giao thông Mỹ đưa ra yêu cầu các hãng hàng không Trung Quốc phải nộp lịch trình chuyến bay trước ít nhất 30 ngày. Động thái này là nhằm đáp trả việc Bắc Kinh trì hoãn việc chấp thuận đơn đăng ký nối lại các chuyến bay đến Trung Quốc của các hãng hàng không Mỹ.
Trong bối cảnh hạn chế đi lại do Bắc Kinh và Washington áp đặt trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành, việc tìm chuyến bay trở về nước đối với sinh viên Trung Quốc là cơn ác mộng. |
Điều mà sinh viên Trung Quốc đang học tại Mỹ lo sợ nhất là trường hợp mối quan hệ Mỹ - Trung xấu hơn, hai bên sẽ đình chỉ hoàn toàn các chuyến bay, theo South China Morning Post. Hiện có gần 370.000 sinh viên Trung Quốc đang học tại Mỹ và họ đã bị cuốn vào mặt trận hạn chế giao thông hàng không giữa Bắc Kinh và Washington, khi đại dịch COVID-19 góp phần đẩy cuộc xung đột giữa hai cường quốc vào khúc quanh nguy hiểm.
Bắc Kinh một mặt phản đối Washington làm gián đoạn hoạt động của hãng hàng không Trung Quốc. Nhưng mặt khác, Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) hồi tháng Ba đã quyết định hạn chế các hãng hàng không quốc tế chỉ được bay đến quốc gia này một chuyến mỗi tuần.
Hồi đầu tuần này, Bắc Kinh cũng “tố” ngược khi cho rằng Mỹ trì hoãn các chuyến bay đưa sinh viên Trung Quốc về nước của các hãng hàng không Trung Quốc. Bắc Kinh thúc giục Mỹ cho phép các chuyến bay hoạt động trên “tinh thần nhân đạo”.
Bộ Giao thông Mỹ ngày 22/5 cho hay, CAAC đã không chấp nhận việc các hãng hàng không United Airlines và Delta Air Lines của Mỹ nối lại các chuyến bay đến Trung Quốc. Để đáp trả, Washington buộc các hãng hàng không Trung Quốc (như Air China, Bắc Kinh Capital Airlines, China Eastern Airlines, China Southern Airlines, Tứ Xuyên Airlines, Hạ Môn Airlines) phải kế hoạch bay cho chính phủ Mỹ ít nhất trước một tháng.
Đã có 325 chuyến bay giữa Trung Quốc và Mỹ hồi tháng Giêng năm nay. Số chuyến bay đã giảm nhanh chóng vào giữa tháng 2, xuống còn 20 chuyến do 4 hãng hàng không Trung Quốc khai thác. Đến tháng Ba số chuyến bay tăng lên 34 do các hãng hàng không Trung Quốc thực hiện. Trong khi đó, các hãng hàng không Mỹ đã đình chỉ các chuyến bay chở khách đến Trung Quốc kể từ đầu tháng Hai.
Hàng không, một mặt trận trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung. |
Theo ông Scott Kennedy, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang “đánh” vào những lợi ích của Trung Quốc để đáp trả những hành động tương tự từ Bắc Kinh. Tất cả các lệnh hạn chế đối với các nhà báo, đầu tư và các hãng hàng không Trung Quốc mà Nhà Trắng đưa ra phản ánh rõ điều đó.
Vấn đề đáng chú ý là, cho đến nay Bắc Kinh không chịu làm hạ nhiệt cuộc đối đầu bằng cách rút lại các hạn chế về hàng không, mà vẫn leo thang hơn nữa, ông Scott Kennedy nhận xét.
Bà Luya You, nhà phân tích lĩnh vực hàng không thuộc Bank of Communications International, cho biết các động thái “ăn miếng trả miếng” giữa Trung Quốc và Mỹ không mới, nhưng đã được thúc đẩy lên cao trào bởi mối quan hệ xấu đi rất nhiều. Về lâu dài, thế giới có thể chứng kiến một cuộc chiến ủy nhiệm hàng không giữa Trung Quốc và Mỹ, khi những căng thẳng chính trị có xu hướng lấn vào ngành hàng không.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington hồi đầu tuần này còn đưa ra cảnh báo đối với công dân và nhất là sinh viên nước này, mà theo đó các thiết bị cá nhân có thể bị theo dõi trước khi rời khỏi Mỹ.