Bill Stoval là một trong số những người có tuổi thọ cao nhất nước Mỹ. Năm nay, cụ ông này đã bước sang tuổi 100. Ở độ tuổi xế chiều, cụ Bil trộm vía vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Sức khỏe của cụ là niềm mơ ước của rất nhiều người già ở xứ cờ hoa. Bên cạnh đó, khối tài sản mà cụ Bill đang sở hữu cũng là điều khiến nhiều người phải trầm trồ.
Ở độ tuổi 100, giá trị khối tài sản mà cụ Bill đang sở hữu là 100 triệu USD (2447 tỷ đồng) bao gồm tiền mặt và bất động sản (BĐS).
Cụ Bill Stoval |
Chia sẻ về cách có được khối tài sản này, cụ Bill cho biết: "Tôi đã sống cả đời như một người nghèo".
Dưới đây là những chia sẻ chi tiết của cụ Bill về những gì cụ đã làm để có được khối tài sản này.
1 - Có "người đồng hành chung chí hướng"
Cụ Bill cho biết bản thân sẽ không thể có 100 triệu USD nếu như không có sự giúp sức của người vợ quá cố Martha. Bà Martha đã qua đời vào cuối năm 2022 nhưng theo lời kể của cụ Bill, bà Martha đã dành gần như cả cuộc đời để cùng chồng tạo dựng khối tài sản hiện tại.
Thời trẻ, cụ Bill chỉ làm việc cho 1 công ty chuyên sản xuất thép. Mức lương cao nhất mà cụ Bill nhận được là 44.000 USD/tháng sau khi được thăng chức làm Giám đốc sản xuất ở độ tuổi 40.
"Chúng tôi có 4 người con, trong đó có 1 cặp sinh đôi. Chăm sóc, nuôi dạy 4 đứa nhỏ là việc không hề đơn giản, cần nhiều thời gian và sức lực nên Martha đã nghỉ việc. Chúng tôi luôn nhận thức được tầm quan trọng của việc sống tiết kiệm khi gia đình có 4 người nhưng chỉ có 1 nguồn thu nhập cố định" - Cụ Bill chia sẻ.
Cụ Bill luôn đưa hết tiền lương cho bà Martha và cho biết bản thân gần như chẳng có nhu cầu mua sắm.
"Cả đời tôi chưa bao giờ tự đi mua quần áo. Tôi không có nhu cầu đó và có lẽ vợ tôi cũng vậy. Trong 1 tháng, ngoài tiền mua thực phẩm hàng ngày, tiền học phí cho 4 đứa trẻ, chúng tôi gần như không tiêu bất cứ gì khác" - Cụ Bill kể và khẳng định tầm quan trọng của việc vợ chồng có chung chí hướng tiết kiệm.
2 - Đầu tư vào bất động sản một cách thận trọng
Năm 1957, cụ Bill mua một trang trại ở Atlanta (Mỹ) và xây dựng một căn nhà để cả gia đình sinh sống. Trước đó, gia đình cụ Bill phải ở nhà thuê. Tổng chi phí cho khoản đầu tư này rơi vào khoảng 16.000 USD.
Vì luôn nỗ lực tiết kiệm tối đa, chi tiêu tối thiểu, vợ chồng cụ Bill hoàn toàn không phải đi vay mượn để có tiền mua đất, xây nhà.
Cụ Bill và vợ - bà Martha |
Một thập kỷ sau, vào năm 1967, khi công ty thép chuyển trụ sở, cụ Bill đã quyết định bán trang trại của mình ở Atlanta với mức giá 22.000 USD. 6000 USD là khoản tiền lãi từ việc bán bất động sản này. Sau khi bán trang trại ở Atlanta, gia đình 6 thành viên của cụ Bill quyết định sẽ sinh sống trong căn hộ mà công ty cung cấp để cắt giảm tối đa chi phí.
Sau vụ sang nhượng BĐS này, cụ Bill nhận thấy tiềm năng sinh lời của việc buôn bán BĐS và bắt đầu cùng vợ "vét tiền" để mua đất/mua nhà. Trước khi thị trường BĐS đi xuống, 305.000 USD là khoản lãi thấp nhất mà vợ chồng cụ Bill nhận được từ việc mua bán BĐS.
Cụ Bill và vợ duy trì việc buôn bán BĐS như một công việc tay trái trong suốt hơn 20 năm và đã quyết định chấm dứt công việc này vào năm 2005 vì khi đó, thị trường BĐS có nhiều biến động khó lường.
3 - Có tiền là gửi tiết kiệm
Cách đây gần 1 thập kỷ, cụ Bill có nhận được khoản thừa kế trị giá vài triệu USD. Sau khi nộp thuế thừa kế, cụ Bill gửi tất cả số tiền còn lại vào tài khoản tiết kiệm. Thời còn đầu tư BĐS, tất cả các khoản lãi từ việc đầu tư cũng được cụ Bill và vợ gửi tiết kiệm để duy trì dòng tiền tái đầu tư, đồng thời tận dụng lãi suất kép để tiền sinh lời nhiều hơn.
"Tôi luôn cảm thấy chẳng có lý do nào là hợp lý để mình tiêu tiền" - Cụ Bill chia sẻ.
Hiện tại, dù đã già và có nhiều tiền trong tay, cụ Bill vẫn đang cố gắng sống tiết kiệm mỗi ngày. Cụ Bill quan niệm rằng thời trẻ, mình tiết kiệm để nuôi con, nuôi gia đình; còn khi đã già, có tài sản để lại cho con, cho cháu chính là động lực tiết kiệm của cụ Bill. Hiện tại, ngoài chi phí mua thực phẩm, cụ Bill chỉ tiêu tiền cho các hoạt động thăm khám sức khỏe hàng tháng.
Theo CNBC, IndiaTimes
Tiết kiệm đến 78% thu nhập để đạt mục tiêu nghỉ hưu sớm, đôi vợ chồng tiếc nuối: “Chúng tôi tự đẩy mình vào sự khốn cùng”
Tiết kiệm là tốt, nhưng đừng khắc nghiệt tới tằn tiện vì cuộc sống của bạn không phải chỉ có chi li từng đồng.