“Sống đến bình minh” ra mắt, khi tác giả đang ở cõi xa xăm

Như đã hẹn, ngày 25.4.2024, tại Hà Nội, cuốn tự truyện “Sống đến bình minh” của cố nhà báo Trần Mai Hạnh đã ra mắt bạn đọc.

Nhà báo/nhà văn Trần Mai Hạnh là một gương mặt quen trong giới báo chí, văn học nước nhà. Ông thực sự là một người lao động cần mẫn và sáng tạo trên “cánh đồng chữ nghĩa”. Song hành với việc làm báo, làm một nhà quản lý, Trần Mai Hạnh còn là tác giả của nhiều đầu sách gây ấn tượng với bạn đọc. Chỉ tiếc một điều, khi cuốn tự truyện “Sống đến bình minh” dày gần 700 trang (do NXB Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành) được ra mắt trước thềm lễ kỷ niệm Chiến thắng 30.4.2024, theo di nguyện của ông, thì ông lại đang dạo chơi ở cõi miền xa xăm.

Nhà báo/nhà văn Trần Mai Hạnh sinh vào ngày đầu của năm 1943 tại Hà Nội, nhưng có nhiều thời gian sống ở Hải Dương (quê mẹ). Năm 1962, chàng trai Trần Mai Hạnh nhập học Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội với mộng ước trở thành một nhà văn. Nhưng đến năm 1965, khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, chàng sinh viên văn khoa đã phải tạm xếp lại giấc mơ văn chương, được điều động làm phóng viên của Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam). Năm 1975, ông được cử làm phóng viên đặc biệt của TTXVN tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trong niềm vui của ngày chiến thắng và niềm hân hoan của toàn dân tộc, với cảm xúc dâng trào, Trần Mai Hạnh là phóng viên đầu tiên có bài tường thuật về những giây phút lịch sử của dân tộc vào trưa ngày 30.4.1975 với nhan đề “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng” gửi về TTXVN ngay trong chiều tối hôm đó. Trong giai đoạn 1965 - 1995, nhà báo Trần Mai Hạnh đã gắn bó, cống hiến những năm tháng đẹp nhất của tuổi trẻ cho sự nghiệp của TTXVN.

Một số tác phẩm của nhà văn Trần Mai Hạnh đã được xuất bản, trong đó mới nhất là cuốn “Sống đến bình minh”. Ảnh: L.Q.V
Một số tác phẩm của nhà văn Trần Mai Hạnh đã được xuất bản, trong đó mới nhất là cuốn “Sống đến bình minh”. Ảnh: L.Q.V

Tại Đại hội VI của Hội Nhà báo Việt Nam năm 1995, nhà báo Trần Mai Hạnh được bầu giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký; là Tổng Biên tập đầu tiên của tờ Nhà báo và Công luận. Ông còn là Ủy viên Trung ương Đảng khóa VIII, khóa IX. Cuối năm 1996, ông được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 1997, được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa X. Nhà báo/nhà văn Trần Mai Hạnh đã từ trần lúc 18 giờ 50 phút ngày 2.4.2024 tại TP.Hồ Chí Minh, trong chuyến đi cùng em ruột (nhà báo Trần Mai Hưởng) thăm lại đồng nghiệp và chiến trường xưa - nơi mà 49 năm trước, nhà báo Trần Mai Hạnh từng thực hiện hành trình đó, trong cuộc tổng tiến công mùa xuân năm 1975.

Trong thời gian công tác hay cả khi đã nghỉ hưu, nhà báo Trần Mai Hạnh đã góp phần thay đổi sâu sắc trong tư duy làm báo, nghiệp vụ ở cả báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử, cùng hệ thống báo chí trong cả nước tạo dựng những bước đi quan trọng góp phần xây dựng nền báo chí Cách mạng Việt Nam “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” ngày nay.

Phóng viên Trần Mai Hạnh (người đeo kính) và các phóng viên TTX Giải phóng tại cửa ngõ Sài Gòn ngày 30.4.1975 (ảnh tư liệu)
Phóng viên Trần Mai Hạnh (người đeo kính) và các phóng viên TTX Giải phóng tại cửa ngõ Sài Gòn ngày 30.4.1975 (ảnh tư liệu)

Dù vậy, ước mơ văn chương cũng chưa bao giờ rời bỏ chàng sinh viên văn khoa năm ấy. Trong gần ba thập kỷ kể từ khi bước vào nghề báo, Trần Mai Hạnh đã luôn có ý thức về việc lưu trữ mọi tư liệu - dù là một tấm ảnh, một trang nhật ký, hay một văn bản ông bắt gặp vương vãi trong Dinh Độc Lập trưa ngày 30.4, hoặc ở một nơi nào đó giữa các trận chiến, để từ đó, ông biến thành chất liệu cho những tác phẩm văn học như "Nắng Thu Bồn", "Tình yêu và án tử hình", "Sụp đổ và tự thú", "Ngày tận thế", "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75", "Lời tựa một tình yêu", "Thời tôi sống"... Trong số đó, "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" - cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử xuất sắc về đề tài chiến tranh - đã được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014 và Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015, được tái bản tới lần thứ 5, đồng thời được chuyển ngữ bằng tiếng Anh để giới thiệu với bạn bè quốc tế, xuất bản bằng tiếng Lào và tiếng Tây Ban Nha trao tặng nước bạn Lào và Cuba. 

Nghề báo đem lại vinh quang và tên tuổi cho Trần Mai Hạnh. Nhưng tai nạn nghề nghiệp cũng xô đẩy ông đến những biến cố khủng khiếp của cuộc đời, tưởng chừng khó thể vượt qua nổi, như ông tự bạch trong lời mở đầu “Sống đến Bình minh”: “Cuộc đời làm báo của tôi không chỉ có vinh quang mà còn không ít cay đắng; không chỉ có những phút giây thăng hoa khi được chứng kiến, tác nghiệp trong sự kiện lịch sử huy hoàng của dân tộc mà còn có cả tai nạn nghề nghiệp và hệ luỵ kinh hoàng; không chỉ có chiến thắng - thành đạt mà còn có cả thất bại - mất mát; không chỉ có nặng sâu ân nghĩa mà còn có sự đổi thay chóng mặt của nhân tình thế thái; không chỉ đương đầu với thử thách mà còn phải ngậm ngùi trước trò đùa của số phận. Những cung bậc ấy đã làm nên diện mạo cuốn tự truyện "Sống đến  bình minh” với tiêu chí tôn trọng sự thật, trung thực, trách nhiệm với những gì đã diễn ra; không thanh minh, không nói lại bất cứ điều gì cho mình; không đề cập bất cứ chuyện gì không hay của người khác; không phân tích, không bình luận, cứ để những sự việc được kiểm chứng cất lên tiếng nói…”.

Một số tác phẩm của nhà văn Trần Mai Hạnh đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ quốc tế. Ảnh: L.Q.V
Một số tác phẩm của nhà văn Trần Mai Hạnh đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ quốc tế. Ảnh: L.Q.V

Nhưng rồi, chính nghề báo, nghiệp văn là nguồn sinh lực bất tận giúp ông vượt qua những đau buồn để tiếp tục lao động cần mẫn và sáng tạo trên “cánh đồng chữ nghĩa”, cho ra đời nhiều bài viết, nhiều tác phẩm được giải thưởng trong và ngoài nước, được xã hội đánh giá cao. Tác phẩm báo chí, văn chương và những tư liệu của ông là những tài liệu quý, giá trị, không chỉ của gia đình, mà còn của công chúng yêu mến và có vị trí xứng đáng trong nền báo chí và văn học Việt Nam.

Dù làm báo hay viết văn, chúng ta đều thấy Trần Mai Hạnh là người say mê nghề nghiệp, có ý thức trách nhiệm xã hội, đầy nhân văn. Trong các tác phẩm của ông, chất văn và chất báo được hòa quyện một cách tự nhiên, chất sử thi và tình yêu thương giản dị giữa con người hợp lại làm một. Trong lời chia sẻ với bạn đọc, tác giả Trần Mai Hạnh đã giãi bày: “Đối diện với cái chết trong chiến tranh và những nghịch cảnh cùng trò đùa của số phận đời thường, tôi luôn sống và viết với niềm tin những gì tươi sáng rồi sẽ đến. Tên sách “Sống đến bình minh” được đặt cho cuốn tự truyện cùng vì lẽ đó”.

Tháng 3.1969, tại chiến trường Quảng Đà, nhà báo Trần Mai Hạnh đã ghi lại một bài thơ, của người bạn cùng khoa Văn - Bùi Minh Quốc sáng tác dưới hầm, chưa từng được phổ biến lúc đó. Nó mở đầu bằng bốn câu thơ:

“Cuộc đời vẫn đẹp sao

Tình yêu vẫn đẹp sao

Dù đạn bom vẫn đang thét gào,

Dù thân thể thiên nhiên mang đầy thương tích”.

Những câu thơ ấy giờ đã đi vào huyền thoại như tinh thần của đất nước, con người Việt Nam. Nó được trích lại nhiều lần trong bản thảo cuốn tự truyện “Sống đến bình minh” và dường như nó là lời nhắn gửi mà nhà báo Trần Mai Hạnh để lại cho những người ở lại, thông qua chính cách ông đã sống cuộc đời mình.

Một góc triển lãm tại buổi ra mắt sách “Sống đến bình minh”. Ảnh: L.Q.V
Một góc triển lãm tại buổi ra mắt sách “Sống đến bình minh”. Ảnh: L.Q.V

Với việc người cha ra mắt sách lần này, nhà báo Trần Mai Anh (con gái nhà báo Trần Mai Hạnh) đã tâm sự: “Khác với những lần xuất bản sách trước, bố sẽ hỏi tôi đặt tên tác phẩm của ông, hỏi ý kiến tôi lựa chọn bìa sách cho bố. Lần này thì không, bố chỉ gửi cho xem thiết kế và ông lẳng lặng quyết hết. Ông cũng lẳng lặng giao bản thảo hơn 225 nghìn trang tự truyện 7 chương cuộc đời ông tới nhà xuất bản trước chuyến đi và hẹn về sẽ ra mắt sách trước 30.4. Cuốn sách vừa in xong, kịp lễ ra mắt sách đúng hẹn như ông đã sắp xếp. Mẹ tôi chắc sẽ bận nhiều ngày tháng sau này nữa để cùng chồng mình đi qua những con chữ quen thuộc như một phần lớn cuộc đời của bà. Còn tôi, tôi chỉ muốn bố thật vui thật ấm áp, thích bố được tự hào về chị em tôi…”.

Bây giờ, cuốn tự truyện “Sống đến bình minh” của nhà báo/nhà văn Trần Mai Hạnh đã tới tay bạn đọc, sau 24 ngày ông rời cõi trần, đi vào miền mây trắng xa xăm. Và bạn đọc, sau những suy ngẫm khi đọc “Sống đến bình minh”, sẽ cùng chờ đón đọc tác phẩm “Ngày ấy hôm nay” của nhà báo/nhà văn Trần Mai Hạnh sắp được xuất bản.

LÊ QUANG VINH

7 quyển sách hay về hướng nghiệp mùa tuyển sinh

7 quyển sách hay về hướng nghiệp mùa tuyển sinh

Nếu bạn đang loay hoay không biết nên lựa chọn nghề nghiệp gì, hoặc đang vất vả tìm kiếm công việc mà vẫn thất bại thì những quyển sách hay về hướng nghiệp sau đây có thể là tấm vé vớt cho bạn.