Dù không đành lòng nhưng vì nhiều lý do khác nhau, có những bạn trẻ chấp nhận không về quê trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, số lượng người trẻ vẫn ở lại thành phố ăn Tết một mình vì lương thưởng giảm mạnh và rơi vào "bão" sa thải đã tăng cao.
Suy thoái kinh tế khiến người trẻ không thể về quê ăn Tết
Đó là câu chuyện của Phước (23 tuổi, TP.HCM). Những ngày đầu còn làm sinh viên, Phước kiếm được thu nhập dư dả nhờ công việc kinh doanh riêng và làm Marketing cho một doanh nghiệp. Tháng đỉnh điểm, Phước kiếm đến 100 triệu đồng/tháng nhờ 2 nguồn thu nhập.
Anh chàng và gia đình từng tự hào về điều này. Bố mẹ Phước ở quê thường xuyên khoe con trai kiếm tiền giỏi giang, tự mua được những món đồ giá trị lớn như xe, điện thoại và có khoản tiết kiệm.
Tuy nhiên, suy thoái kinh tế năm vừa qua khiến Phước trở thành nhân sự bị rơi vào làn sóng layoff từ tháng 10/2023. Không chỉ thế, công việc kinh doanh riêng của chàng trai cũng bị ảnh hưởng và không mang lại thu nhập lý tưởng như trước.
Ảnh minh hoạ |
Cú sốc kinh tế lớn đến nhanh chóng khiến Phước và gia đình khó tìm được tiếng nói chung. “Nếu chia sẻ với gia đình thì họ phần nào đồng cảm và hiểu cho mình. Nhưng do hình bóng con người quá khứ của mình là đứa giỏi so với mặt bằng chung của sinh viên hay người đi làm dưới quê ở tầm tuổi. Kỳ vọng về con cao khiến bố mẹ không tin và không hiểu mình đang chật vật tài chính như thế nào. Giờ mình không còn cảm thấy hạnh phúc như thời gian trước kia, thiếu sự đồng cảm, lạc lõng trong chính gia đình của mình”, Phước nói.
Phước không chọn về quê ăn Tết vì 2 lý do. Một phần bởi giờ tài chính của anh chàng không còn dư dả như trước, do đó việc ở lại thành phố và làm việc sẽ tốt hơn cho tình hình tài chính. Phần còn lại đó là Phước sợ những người xung quanh hỏi thăm và có sự so sánh nếu biết anh chàng không kiếm được mức thu nhập tốt như trước.
Cùng chung hoàn cảnh với Phước là Khuyên (23 tuổi) - một công nhân ở Bình Dương, cũng chọn không về quê ăn Tết. Khuyên không về nhà trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, một phần vì gia đình không hạnh phúc. Nguyên nhân còn lại là vì cô sợ gánh nặng “đem tiền về tiêu Tết" trong tình hình lương thưởng sụt giảm.
Được biết, hiện tại Khuyên đã nhận đủ tiền lương hàng tháng nhưng cô không có lương tháng 13 và chỉ được nhận 2 triệu thưởng Tết.
“Thưởng Tết mình không cao vì tình hình công ty làm ăn khó khăn. Công nhân nếu mà không tăng ca thì coi như không có tiền luôn. Từ giữa năm ngoái, đơn hàng của công ty mình đã gặp vấn đề. Mình thấy chuyện doanh nghiệp làm ăn khó khăn là tình hình chung. Công ty vẫn cầm cố tới bây giờ cũng là một điều rất cố gắng", Khuyên bày tỏ.
Ảnh minh hoạ |
Một trường hợp khác, M.H (24 tuổi, TP.HCM) cũng chính thức bị sa thải khỏi vị trí Kỹ thuật viên xét nghiệm từ cuối tháng 1/2024. Việc đột nhiên rơi vào cảnh thất nghiệp khiến cuộc sống và tài chính của M.H bị ảnh hưởng rất nhiều. May mắn là đến thời điểm hiện tại, cô vẫn nhận đủ lương tháng và thưởng Tết .
“Là một người chưa từng thất nghiệp, với số tiền tiết kiệm ít ỏi sau khi mới bước chân vào thị trường lao động, liệu bản thân có đủ sức sức khỏe tài chính để sống cho tới khi tìm được việc mới hay không? Đó là câu hỏi mà mình luôn nghĩ. Hằng ngày, cứ nghĩ đến việc không làm ra tiền tiêu mà mình thấy áp lực", M.H kể.
Cũng vì áp lực chuyện kiếm tiền nên ngoài quyết định không về quê ăn Tết, cô tính toán sẽ chỉ tâm sự chuyện thất nghiệp với gia đình khi đã tìm được công việc mới. “Mình không muốn nhìn thấy vẻ mặt trầm buồn cũng như phản ứng không mấy vui vẻ của bố mẹ trong dịp Tết”, M.H nói.
Do đây là năm đầu tiên đi làm nên M.H tự hỏi chẳng lẽ sẽ đi về quê mà không mua quà biếu bố mẹ hay họ hàng sao? Trước đó, cô đã tính mình có thể mất đến 2 tháng lương cơ sở để mua quà Tết, chưa kể chi phí di chuyển đắt đỏ. Cũng vì thế, M.H quyết định ở lại thành phố để tiết kiệm tiền ăn Tết.
Ảnh minh hoạ |
Làm sao để vượt qua những ngày thất nghiệp, lương thưởng giảm mạnh?
Cắt giảm chi tiêu là điều đầu tiên mà những bạn trẻ nghĩ đến khi rơi vào trường hợp này. Về phía Khuyên, cô không chỉ gặp khó khăn tài chính vì lương thưởng giảm mạnh mà còn bởi đang mang một khoản nợ.
“Tuy đi làm được hai năm rồi nhưng có lẽ do chưa trải đời nhiều. Thành ra mình gặp một số vấn đề ngoài ý muốn, phải gánh khoản nợ do người khác vay mà mình đi mượn. Đa số tiền mình kiếm được đang dùng để đắp vào khoản nợ và các chi phí sinh hoạt khác.
Năm cũ vất vả rồi. Mình chỉ mong sang năm mới sẽ trả hết nợ, còn nếu công việc không ổn định mình cũng sẽ chuyển sang công ty mới. Dù như thế nào, chúng ta cũng phải sống tốt. Mình sợ gục ngã lâu quá, chẳng còn biết cách tự mình đứng dậy nữa. Không là đóa hoa hồng rực rỡ thì mình sẽ là đoá hoa dại mọc ven đường, vươn lên sống dù có khó khăn như thế nào. Tâm lý vững thì mình mới trụ để giải quyết được”, Khuyên bày tỏ.
Còn về phía Phước, trong Tết Nguyên đán năm ngoái, anh chàng đã lì xì bố mẹ mỗi người 5 triệu, các cháu 2 triệu. Phước không về quê trong dịp Tết năm nay nên các khoản chi liên quan đến Tết cũng cắt giảm gần như hoàn toàn. Đó cũng là nguyên tắc chi tiêu của Phước từ khi nghỉ công việc.
Ảnh minh hoạ |
“Gần đây, tiền trọ tăng và chi phí sinh hoạt của mình cũng cao. Do ý thức mình có những chi tiêu tối thiểu đó nên mình cũng ít đi cafe trò chuyện với bạn bè, cũng như cắt giảm nhiều hoạt động để tối ưu ngân sách", Phước cho hay.
Trong khi đó, M.H dự tính sẽ bắt đầu chuẩn bị mọi thứ để đi tìm công việc phù hợp từ bây giờ. “Mình nghĩ là một người trẻ thì chắc chắn ai cũng phải trả qua cảm giác thất nghiệp. Mình không cô đơn. Việc đầu tiên mình làm ở hiện tại là chấp nhận tình huống có thể mang đến. Sau đó, mình sẽ xem xét lại kinh nghiệm đã có, rồi chuẩn bị hồ sơ cần thiết, đánh giá những thứ mình yếu để đi tìm công việc", M.H chia sẻ.
Chu Thanh Huyền khoe vai trần gợi cảm, chuẩn bị cùng Quang Hải lên núi làm từ thiện trước khi về nhà chồng đón tết
Những ngày cuối năm âm lịch, Quang Hải và Chu Thanh Huyền sẽ có hoạt động ý nghĩa.