Là tác phẩm được chọn đầu tiên trong “Kế hoạch ba năm sáng tác văn học nghệ thuật đương đại của tỉnh Quảng Tây”, Tiếng vọng cũng là tiểu thuyết dài thứ tư của nhà văn Đông Tây - tiếp theo sau những cái tên đã rất nổi tiếng như: Cái tát trời giáng, Hối hận và Mộng đổi đời.
Vẫn trung thành với quan niệm sáng tác “đào sâu vào tâm hồn như đào một cái giếng” của mình, Đông Tây tiếp tục thể hiện khả năng tưởng tượng độc đáo, sức sáng tạo dị thường và tâm tư mẫn cảm khi xây dựng nên một tác phẩm có chủ đề đời sống xã hội vừa rộng vừa sâu như Tiếng vọng.
Mang hình hài của một cuốn tiểu thuyết trinh thám, tác phẩm xoáy sâu vào vụ án mang tên “trọng án Đại Khanh” - nạn nhân là một cô gái trẻ được phát hiện trôi nổi trên sông trong trạng thái cơ thể không còn nguyên vẹn. Thế nhưng, càng đi vào vụ án, độc giả sẽ càng ám ảnh bởi chính thế giới tinh thần nặng nề, quay cuồng của các nhân vật, đặc biệt là diễn tiến tâm lý của Nhiễm Đông Đông – nữ cảnh sát phụ trách vụ án gian nan này.
Một cuộc thử nghiệm nghẹt thở
Đối với Tiếng vọng, nhà văn Đông Tây lần đầu thử sức mình trên một địa hạt hoàn toàn mới lạ, xa vời với ông: lĩnh vực suy lý và tâm lý học. Nhà văn Đông Tây đã chia sẻ, khi viết cuốn tiểu thuyết này, kiến thức của ông về hai lĩnh vực đều chưa đủ: “Trước đây, tôi chưa hề gặp phải suy lý – dựa vào cái đã biết để tìm cái chưa biết, và cũng chưa từng vận dụng những tri thức về tâm lý học vào sáng tác tiểu thuyết, nhưng lần này thì tôi quyết tâm thử nghiệm”.
Hành trình viết nên Tiếng vọng cũng là hành trình khai mở thế giới nội tâm của chính tác giả, đặt ra những đường biên của công việc viết lách mà đòi hỏi nhà văn phải vượt qua. Tìm kiếm và đào sâu những chủ đề mới là yêu cầu cơ bản của công việc sáng tác văn chương. Nhưng càng chìm vào tác phẩm này, sự trăn trở, bức bối và do dự lại càng xâm chiếm ngòi bút Đông Tây. Rất nhiều lúc, trong lúc đang viết, ông bỗng không muốn viết nữa, dừng lại và suy nghĩ vài ba ngày mới nhận ra những khúc mắc đều nằm ở chỗ nhân vật hay tình tiết chưa thực hợp lý, chưa chân thật. Cuộc thử nghiệm với Tiếng vọng còn để lại cho ông dư âm của cảm giác bấp bênh, hoài nghi chính công việc viết lách của mình: “đối với tôi mà nói, những điều kỳ lạ chưa đủ sức hấp dẫn và tôi vẫn cứ miên man trong việc đào bới những gì sâu kín nhất trong tâm linh con người”.
Đi từ cuộc thử nghiệm lớn của tác giả cho tiểu thuyết mới, bên trong Tiếng vọng cũng biểu hiện chung một cảm thức này. Những cuộc thử nghiệm tâm lý (cảnh sát – tội phạm, vợ - chồng – người tình, cha mẹ - con cái,...) diễn ra dày đặc đến mức có thể nói “Tiếng vọng” được Đông Tây dựng nên từ tất cả sự nghi ngờ, kiểm nghiệm và thử lòng. Ẩn dưới những cuộc thử nghiệm ấy, mục đích con người muốn thu lại được liệu có đơn thuần là sự thật, hay nó lại phóng chiếu một phần tâm trí vô thức luôn bị che giấu? Tiếng vọng thể hiện một sự đứt gãy mối quan hệ giữa người với người trong xã hội. Giữa họ chỉ luôn tồn tại cảm giác hoài nghi, tâm thế phản biện, đề phòng để mình không bị “mắc bẫy”: Nhiễm Đông Đông với tinh thần luôn phản biện những kẻ tình nghi, hung thủ luôn phủ nhận, giấu giếm, Mộ Đạt Phu quanh co với những lời nói dối để tránh sự nghi ngờ từ người vợ bị ám ảnh điều tra. Tình trạng căng thẳng đến bí bách tâm lý này đã được tác giả lột tả rõ ràng xuyên suốt câu chuyện, tăng thêm phần kịch tính cho tác phẩm trinh thám vốn dĩ đã hồi hộp, gay cấn.
Bức tranh xã hội nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều bí mật và góc khuất
Trọng tâm của Tiếng vọng là vụ trọng án hình sự, nhưng mặt khác, chính nó cũng là đầu mối dẫn đến nhiều câu chuyện và con người xung quanh, tạo nên một bức tranh rộng lớn về con người và xã hội hiện đại Trung Quốc.
Hạ Băng Thanh đại diện cho lớp người trẻ khát khao lập nghiệp trên thành phố lớn, dễ dàng từ bỏ tự do và phẩm giá của mình để cuốn theo vòng xoáy mà Từ Sơn Xuyên đã đẩy cô vào. Nhiễm Đông Đông, nhân vật chính của Tiếng vọng là một nữ cảnh sát xuất sắc, đã từng phá được hai vụ án nghiêm trọng nhưng rồi đời sống tinh thần bị hủy hoại vì chính công việc mình đam mê. Hai vợ chồng Từ Sơn Xuyên và Thẩm Tiểu Nghinh, bề ngoài có cuộc sống viên mãn, danh giá nhưng thực chất hành động và tâm lý lại suy đồi và vô cảm đến bất ngờ. Mộ Đạt Phu, một giáo sư khoa Văn dù đã từng dễ dàng viết những lời công kích, phản biện gay gắt trên văn đàn nhưng đối mặt với người vợ Nhiễm Đông Đông của mình lại trở nên yếu đuối, nhu nhược đến mức không thể tỏ bày ý kiến riêng, chấp nhận sự nứt vỡ của gia đình. Và còn rất nhiều con người khác bộc lộ chân thực mọi góc khuất trong tâm lý con người như sự áp đặt và kỳ vọng quá mức của cha mẹ, sự phản bội giữa vợ chồng, sự hoang tưởng tâm lý đến bệnh hoạn xuất phát từ tổn thương thời thơ ấu.
Đông Tây đã tạo nên một đời sống xã hội ngổn ngang vết cắt tinh thần. Những con người trong đó đều không giữ được lý tưởng tốt đẹp ban đầu mà dần bị tha hóa đi. Thế nhưng, ở giữa xã hội rối ren, phức tạp này, thì “cái trục” chân lý và đúng đắn sẽ nằm ở đâu? Xã hội hiện đại phải đối mặt với thực tại phân mảnh, không còn một trung tâm lý tưởng duy nhất, dẫn tới sự méo mó, xô lệch trong tâm hồn mỗi nhân vật. Bởi vậy mà điểm chung nhất ở các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết này là họ đều mắc ít nhiều những hội chứng tâm lý từ mờ nhạt đến mức độ nghiêm trọng dẫn đến tội ác. Ngòi bút Đông Tây có lẽ chẳng nhằm lên án bản chất con người mà đúng hơn, ông đặt ra một phản đề về giá trị con người và hành trình nhìn nhận lại nó qua khai thác tâm lý chiều sâu.
Đối thoại về tình yêu – thỏa hiệp với thực tế hay chạy theo lý tưởng?
Banner tiếng vọng đoạt giải Mao Thuẫn 2023 |
Kết cấu tiểu thuyết được xây theo hai tuyến song song, một bên là Nhiễm Đông Đông với vụ trọng án, bên kia là Nhiễm Đông Đông trong đời sống gia đình bên bờ vực rạn nứt. Bên cạnh sự căng thẳng đến từ vụ án, tác giả còn khiến người đọc day dứt, trăn trở với cuộc đối thoại về tình yêu và tiềm thức con người.
Một kiểu tình yêu vĩnh hằng, vĩnh cửu không có điểm dừng chính là điều Nhiễm Đông Đông cả đời đi tìm kiếm. Tính cách, tâm hồn bị cuốn theo các vụ án đã tạo cho cô thái độ phản bác hiện thực, phản biện cả những người thân cô luôn tin tưởng. Cô phóng đại sự nghi ngờ lòng chung thủy của chồng nhưng chính cô lại không nhận ra mình thật sự không tin vào tình yêu vĩnh hằng. Tiềm thức cô vẫn luôn bị ám ảnh bởi tuổi thơ đã chứng kiến người bố ngoại tình và mối quan hệ không mấy hòa thuận giữa bố và mẹ. Vọng tưởng của cô vào tình yêu vĩnh cửu có lẽ chỉ để Nhiễm Đông Đông quên đi quá khứ tổn thương ấy và cũng một phần che giấu đi chính sự thay lòng của mình. Bởi thế, các nhân vật gần như đã chọn lấy phần thỏa hiệp với thực tế hoặc với chính mong muốn thầm kín của mình. Vì lý tưởng, thật ra cũng chỉ có ý nghĩa tương đối và sẽ xuôi theo mong muốn, thay đổi theo thời gian của chính con người.
Một điểm đặc sắc nữa ở cuốn tiểu thuyết này là tính thẩm mỹ trong các cuộc đối thoại tình yêu và văn chương. Suy tư về tình yêu, lật lại những câu chuyện tình yêu kinh điển, tác giả cho thấy một sự não nề, trăn trở của nhân vật Mộ Đạt Phu về mối liên hệ giữa nghệ thuật, hiện thực và ước vọng, bản chất tâm lý của con người.
Gây dấu ấn đặc biệt từ lối văn phong sáng tạo, giàu trí tưởng tượng nhưng giữ nguyên độ chân thực, logic để phác họa nên đời sống xã hội Trung Quốc hiện đại nhiều góc khuất, tác phẩm này của nhà văn Đông Tây quả thực đồ sộ cả về chất liệu hiện thực, khoa học, nghệ thuật lẫn tư tưởng, quan điểm, cảm xúc của tác giả, không bất ngờ khi Tiếng vọng là tác phẩm đã xuất sắc đoạt giải Văn học Mao Thuẫn năm 2023.
4 phim Hoa ngữ nổi tiếng gần đây có tiểu thuyết gốc cực kỳ hay: Fan ngôn tình không thể bỏ lỡ
Những phim Hoa ngữ này đều chuyển thể từ các bộ tiểu thuyết hay, được nhiều độc giả khen ngợi.