“Tại sao tôi lại đem hai nhân vật này vào cùng trong một cuốn sách? Trước tiên tôi hy vọng rằng sách của tôi sẽ trả lời câu hỏi: Tại sao đàn ông cứ bình thản là đàn ông, trong khi phụ nữ lúc nào cũng là nạn nhân của mọi thứ định kiến, đồng thời lại là đối tượng được nâng niu trân trọng trong vai trò của ngọn nguồn sáng tạo văn học nghệ thuật.”
Đó là những câu hỏi của giáo sư John C.Schafer đặt ra trong cuốn sách: Đọc Phạm Duy và Lê Vân Tư Duy Về Nam và Nữ Giới, dịch giả: Cao Thị Như Quỳnh, Trương Quý.
Bằng sự “đọc lại” tự truyện của Phạm Duy và Lê Vân, Giáo sư John C.Schafer đã phân tích nhiều góc cạnh trong đời sống, suy nghĩ của hai nhân vật để đưa ra cái nhìn đa chiều về Đàn Ông và Phụ Nữ Việt Nam.
Bắt đầu với câu chuyện của một người đàn ông là tự truyện của nhạc sỹ Phạm Duy, giáo sư John C.Scharfer không chỉ phân tích hình ảnh người đàn ông mà còn cả người phụ nữ trong đời sống hôn nhân của Việt Nam.
Ngược lại, từ cuốn sách “Yêu và Sống” của diễn viên Lê Vân, ông lại cho ta thấy những đấu tranh tinh thần giữa việc gìn giữ giá trị truyền thống với tư tưởng của lối sống hiện đại của một người phụ nữ Việt khi bị gò bó trong một khuôn khổ chật hẹp.
Chỉ qua hai cuốn tự truyện, tác giả đã mang đến cho tôi một góc nhìn khác về đàn ông và phụ nữ Việt Nam.
Phụ nữ luôn là “nạn nhân của mọi thứ định kiến, văn học nghệ thuật”. Mà cụ thể như Lê Vân, trong những bộ phim cô đóng do đàn ông viết kịch bản và đạo diễn, thì cô luôn vào vai những phụ nữ mang những giá trị truyền thống, chung thuỷ, hy sinh. Tuy nhiên Phụ nữ cũng là “đối tượng được nâng niu trân trọng trong vai trò của ngọn nguồn sáng tạo văn học nghệ thuật”, mà cụ thể như nhạc sỹ Phạm Duy, Phụ nữ là nguồn cảm hứng sáng tác của ông. Và cũng nhờ họ mà ông có những sáng tác rất đẹp về hình ảnh người phụ nữ như thế này:
“Xin em giữ giùm anh
Người con gái đồng trinh.”
John C.Scharfer phân tích:
“Trong bài này ông gợi lại một hình ảnh rất cao cả của truyền thống Việt: người phụ nữ đoan trang tiết hạnh. Tuy nhiên, ngôn ngữ ông dùng để diễn tả nàng giống như các người mẫu với “môi thơm”, “môi ngọt ngào”, “môi mềm”, “môi ngon”, “tay ngà”, “tay trong”, “chân dài”. Và ông xin em gìn giữ giá ngọc để làm gì? Để anh “hôn vào”, để anh “bơi trong tóc em,” để được “em ẵm ôm.” Tóm lại “em” giữ gìn giá ngọc không phải là do sự tôn trọng, bảo trì những giá trin truyền thống, mà để cho “anh”. Sao “anh” lại may mắn thế?”
Nhạc sỹ Phạm Duy |
Nhưng cũng nghịch lý thay, tác giả John C.Schafer chỉ ra:
“Trong khi người phụ nữ phải gìn vàng giữ ngọc thì chẳng ai để ý đến việc người đàn ông còn tân hay đã mất tân trong ngày cưới, và khi có vợ rồi, nếu họ ngoại tình thì dư luận sẽ bàn tán nhưng rồi ai cũng bỏ qua, ngay cả bà vợ cũng vậy.”
Điều gì đã khiến đàn ông lại may mắn thế, đó là vì “truyền thống đã cho phép những người đàn ông như Phạm Duy ngoại tình.” Tuy chính điều này khiến cho đàn ông cũng có cái “đáng tội”. “Đáng tội” khi phải hy sinh những cuộc tình của mình để suốt đời với vợ. Nhạc sỹ Phạm Duy trong tự truyện của mình chia sẻ:
“Tôi cũng hy sinh chứ. Tôi không hy sinh cho bà Hằng thì tôi đã bỏ bà Hằng để lấy người tình của tôi.”
Xét về góc độ nào đó thì tôi thấy đây cũng là sự “chung thủy”, khi năm bảy người tình, thì đàn ông vẫn không bỏ vợ. Một người chồng lý tưởng, chỉ duy có một tật xấu mà thôi, là đa tình. Tất nhiên người vợ cũng phải như thế nào mà người chồng mới giữ sự “chung thuỷ” của mình mà không chạy theo người đàn bà khác?!
Dù rất đa tình, nhưng nhạc sỹ Phạm Duy không hề giấu vợ, và nhạc sĩ Phạm Duy cũng có những nguyên tắc riêng như ông viết:
“Tôi vẫn thường khoe với bạn bè dù là người thích bay bướm nhưng không bao giờ tôi vắng mặt trong bữa cơm hằng ngày. Rất ít khi ngủ đêm ở ngoài.”
Ăn cơm nhà và không ngủ ngoài, có thể nói là những biểu hiện của người chồng “chăm ngoan” trong quan niệm của xã hội ngày nay. Phụ nữ Việt đôi khi chỉ cần những điều rất bình thường ấy thôi, với họ đã cảm thấy hạnh phúc nhất rồi. Và có lẽ còn một lý do mà vợ của nhạc sỹ Phạm Duy vẫn chấp nhận dù biết chồng “lăng nhăng”, đó là bởi ông không hề giấu bà chuyện ngoại tình, và dù hai vợ chồng có xích mích thế nào thì không bao giờ to tiếng.
Ngoài ra ông cũng khoe rằng không bao giờ hút thuốc, uống rượu và luôn để vợ thực hành vai trò “nội tướng”, làm được bao nhiêu tiền ông đều giao cho vợ, không bao giờ phản đối vợ dù là chuyện cỏn con nhất.
Tôi nghĩ chính sự chân thật và làm tròn trách nhiệm của một người chồng, tôn trọng và không to tiếng, xô xát mà người sẽ vợ sẵn sàng bỏ qua những tật xấu của chồng. Và phải chăng đó mới là yếu tố của chung thuỷ?
Ngược lại, dù có những mối quan hệ bị cho là “bất chính”, yêu người đã có vợ, ngoại tình, thì Lê Vân cũng chỉ có ước muốn: “Tôi thèm được là đàn bà bình thường lắm.” Nhưng ”Ở Việt Nam, tột đỉnh của người đầy nam tính (machismo) không phải là một thứ đàn ông ưa hành hạ đàn bà theo kiểu Địa Trung Hải mà là một thứ đàn ông biếng lười đầy lịch lãm.”
Diễn viên Lê Vân |
Và bất hạnh của Lê Vân là cô đã lấy phải một người chồng “biếng lười đầy lịch lãm” rồi phải thay chồng là trụ cột “nội tướng” trong gia đình. Cô cũng là hình ảnh người Phụ nữ hiện đại, mạnh mẽ và tự chủ trong cuộc sống, không muốn bị bó buộc vào những khuôn phép xã hội để sống theo ý muốn cá nhân. Và có lẽ chính từ hình ảnh người mẹ cam chịu trong con mắt của cô từ khi còn bé đến khi trưởng thành mà cô muốn tự “cởi trói” để được là chính mình. Và dù đã có những hành động đáng trách, thì cô cũng chỉ mong ước một gia đình, nơi cô được làm vợ, làm mẹ, được chăm sóc hết mình cho chồng con.
Qua phân tích của giáo sư Scharfer trong cuốn sách này, tôi thấy Đàn ông và Phụ nữ Việt dù có lối sống tự do như Phạm Duy hay Lê Vân, thì họ vẫn “muốn trở lại thu mình trong các khuôn khổ”.
200 trang chắc chắn không thể nói được hết những vấn đề về “Nam và Nữ giới”, nhưng cuốn sách mỏng này đã mang đến cho tôi cái nhìn thú vị về đàn ông và phụ nữ Việt. Và chẳng có nhận xét, đánh giá nào đúng cho tất cả, hạnh phúc hay khổ đau đều do chúng ta lựa chọn và chấp nhận với lựa chọn của mình.
Một thị trường không hướng đến người mua cuối cùng thì không thể bền vững