Điện Kremlin đã lên án đề xuất này là một rủi ro lớn và cho biết các quốc gia cung cấp máy bay hoặc huấn luyện, bao gồm cả Anh, đang "đùa với lửa".
Giống như bệ phóng tên lửa HIMARS, xe tăng Leopard và tên lửa Patriot trước đó, những chiếc F-16 đã trở thành biểu tượng cho sự ủng hộ của phương Tây, mà người Ukraina cho rằng sẽ mang lại sức mạnh giúp đẩy lùi lực lượng Nga.
Theo các chuyên gia quân sự, sự xuất hiện của các máy bay tiêm kích mới này sẽ là sự nâng cấp rất cần thiết cho quân đội Ukraina trong cuộc chiến chống lực lượng không quân vượt trội của Nga.
Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo rằng việc tích hợp vũ khí mới vào hệ thống của quân đội Ukraina sẽ mất nhiều tháng để hoàn thành, có nghĩa là các máy bay tiêm kích mới khó có thể đóng vai trò đáng kể nào trong cuộc phản công được chờ đợi từ lâu của Ukraina trong năm nay.
Trong tất cả những bất ngờ mà lực lượng Ukraina đã tạo ra trong 15 tháng qua, việc họ đủ khả năng chống trả lực lượng không quân Nga là một trong những điều lớn nhất. Các máy bay tiêm kích ưu việt của Nga được kỳ vọng sẽ nhanh chóng tiêu diệt phi đội già cỗi của Ukraina, giúp Moskva dễ dàng chiếm ưu thế trong việc tiến hành các cuộc không kích theo ý muốn.
Trái lại, lực lượng không quân Ukraina đã sống sót và tiếp tục chiến đấu, trong khi các máy bay Nga tác chiến tại Ukraina liên tục đối mặt với nguy cơ bị tên lửa đất đối không bắn hạ mặc dù không quân Ukraina đã phải chịu thương vong nặng nề và tương quan lực lượng vẫn đang bất lợi cho Ukraina.
Các phi công Ukraina tiết lộ họ phải điều khiển máy bay chiến đấu, ví dụ như MiG-29, bay ở độ cao thấp rất nguy hiểm để tránh các máy bay tiêm kích mạnh hơn của Nga và các hệ thống phòng không đáng gờm của nước này. Điều này làm hạn chế khả năng tiến hành các cuộc không kích vào các vị trí của Nga.
Họ cũng đề cập việc bị áp đảo bởi các máy bay Su-35 và lửa R-37 có tầm bắn vượt trội của Nga. Vì vậy, Ukraina đã hứng chịu tổn thất nghiêm trọng về phi công và máy bay. Đại tá Volodymyr Lohachov, người đứng đầu bộ phận phát triển hàng không của Lực lượng không quân Ukraina, nói với BBC hồi đầu tháng này rằng "Các phi công của chúng tôi đang bay trên lưỡi dao".
Các nhà phân tích nhận định việc triển khai các máy bay tiêm kích F-16 thậm chí sẽ làm leo thang cuộc chiến, khiến các máy bay phản lực của Nga gặp nhiều rủi ro hơn và do đó buộc chúng phải giữ khoảng cách lớn hơn.
Khoảng không gian bổ sung đó sẽ cho phép Ukraina giảm số lượng các cuộc không kích của Nga và cho phép các máy bay của chính họ thực hiện nhiều cuộc không kích hơn, sâu hơn vào lãnh thổ bị chiếm đóng.
Nga đã cảnh báo về việc gửi các máy bay chiến đấu, nói rằng hành động này sẽ làm nổi bật sự tham gia quân sự trực tiếp của lực lượng NATO do Mỹ đứng đầu vào cuộc chiến.
Các nhà ngoại giao cấp cao của Nga cho biết việc chuyển giao các máy bay chiến đấu sẽ không làm suy yếu các mục tiêu quân sự của Moscow.
Không phải phép màu
Edward Stringer, Nguyên soái đã nghỉ hưu thuộc lực lượng Không quân Hoàng gia Anh (RAF), đã viết trên "Financial Times" hồi tuần trước: "F-16 không phải là phép màu, mà là một biểu tượng giúp cuộc chiến cân bằng hơn".
Chuyên gia hàng không Gareth Jennings tại công ty tình báo quốc phòng Janes, cho biết: "Tôi không nghĩ rằng những chiếc F-16 tự chúng sẽ mang lại ưu thế trên không cho Ukraina và tôi không nghĩ đó là mục đích của chúng. Thay vào đó, chúng sẽ cho phép Kiev 'giữ lực lượng không quân Nga ở khoảng cách xa tối đa có thể'".
Chiếc F-16 "Fighting Falcon" do Mỹ chế tạo lần đầu tiên được đưa vào phục vụ trong Lực lượng Không quân nước này vào năm 1980. Máy bay tiêm kích một chỗ ngồi được chế tạo cho cả chiến đấu không đối không và không đối đất đã trở nên phổ biến với quân đội trên khắp thế giới.
Hiện nay, nhiều nước đã loại khỏi biên chế và bán bớt những chiếc F-16 để thay thế chúng bằng những chiếc máy bay hiện đại hơn như F-35. Nhưng theo một quan chức của RAF, F-16 vẫn là một "bước nhảy vọt" so với những gì lực lượng không quân Ukraina hiện sở hữu. Ông nói thêm: "Tôi sẽ dùng F-16 thay MiG-29 vào bất kỳ ngày nào trong tuần".
Tuy nhiên, hiệu quả tác chiến của chúng sẽ phụ thuộc vào loại F-16 nào được cung cấp. Chiếc máy bay này đã 40 tuổi, cho dù những năm qua chúng đã được lực lượng NATO nâng cấp các hệ thống điện tử và radar bên trong.
Một số nhà phân tích hàng không đã cảnh báo rằng nếu Ukraina chỉ được cung cấp các phiên bản F16 cũ hơn, họ vẫn sẽ bị loại máy bay mới nhất của Nga vượt mặt.
Douglas Barrie, chuyên gia cấp cao về hàng không vũ trụ quân sự tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), cho biết ông không cho rằng phương Tây sẽ viện trợ cho Ukraina những thứ lỗi thời.
Ông nói: "Với những vũ khí, khí tài mà các quốc gia phương Tây đã từng cung cấp cho Ukraina, đó đều không phải là thứ 'hết đát' đến mức vô dụng mà còn khá mới". Ngoài ra, điểm cốt yếu sẽ là loại vũ khí nào được cung cấp.
Theo ông Barrie, việc cung cấp các tên lửa không đối không tầm xa hơn AIM-120 sẽ giúp hỗ trợ các lực lượng Ukraina về dài hạn. Những chiếc F-16 cũng có thể được trang bị bom chính xác JDAM và tên lửa chống bức xạ HARM được thiết kế để tăng cường khả năng phòng không. Cả hai thứ vũ khí này đều đã được bàn giao cho Ukraina.
Tuy nhiên, theo Justin Bronk thuộc Viện nghiên cứu Hoàng gia Anh về các vấn đề an ninh-quốc phòng (RUSI), ngay cả với những tính năng trên, F-16 vẫn cần cảnh giác với hệ thống phòng không của Nga, có nghĩa là các tiêm kích này phải bay sát mặt đất khi ở gần tiền tuyến và điều đó sẽ làm giảm hiệu quả của chúng.
Vậy làm thế nào tất cả điều này có thể được thực hiện nhanh chóng là câu hỏi lớn nhất. Riêng việc huấn luyện phi công ước tính mất tối thiểu 4 tháng, một số dự báo còn lâu hơn thế. Ukraina cũng sẽ cần thợ cơ khí, đội ngũ hỗ trợ mặt đất và hậu cần.
Sử dụng các nhà thầu phương Tây có thể tiết kiệm thời gian nhưng đây là một nhiệm vụ tối quan trọng. Điều đó có nghĩa là những chiếc F-16 sẽ không có khả năng đóng vai trò trong bất kỳ cuộc phản công sắp xảy ra nào.
Lợi ích trung và dài hạn
Chuyên gia Barrie bình luận: "Nếu có một cuộc phản công sắp được thực hiện trong thời gian tới, Ukraina sẽ phải vận dụng toàn bộ sức mạnh không quân đang sở hữu. Do đó, tác dụng lớn nhất của chúng có lẽ sẽ là trong trung và dài hạn, như một sự đảm bảo quan trọng cho tương lai của Ukraina.
Kiev từ lâu đã nói rằng bất kể kết quả của chiến dịch giành lại lãnh thổ như thế nào, Ukraina cần một lực lượng quân sự theo tiêu chuẩn của NATO để bảo vệ biên giới quốc gia trước một nước Nga thù địch trong thời gian dài.
Nhiều người coi quyết định của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép đồng minh xuất khẩu F-16 là sự thừa nhận những lo ngại của Kiev là đúng và Washington sẵn sàng làm điều đó.
Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall hồi đầu tháng 5 đã phát biểu: "Ukraina sẽ vẫn là một quốc gia độc lập, họ sẽ cần được trang bị năng lực quân sự đầy đủ. Vì vậy, đã đến lúc bắt đầu suy nghĩ dài hạn hơn về quân đội đó sẽ trông như thế nào và nó có thể bao gồm những gì".
Một quan chức khác nói với Politico rằng bất kể điều gì xảy ra trong chiến tranh, Ukraina sẽ phải bảo vệ một đường biên giới dài trước một nước láng giềng thù địch, vì vậy họ sẽ cần một lực lượng không quân hiện đại cho nỗ lực đó.
(Nguồn: TTXVN/Telegraph)