Tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại (NHTM) gần như đã ở mức kịch trần biên độ mới (5%) so với tỷ giá trung tâm, quanh mốc 24.870 VND/USD (tương đương mất giá 8,5% so với cuối năm ngoái), theo báo cáo thị trường tiền tệ tuần 17/10-21/10 của Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI.
Tỷ giá liên ngân hàng cũng nhanh chóng tăng vượt mốc giá bán tại Sở Giao dịch NHNN (24.380 VND/USD) và NHNN đã phải tiếp tục can thiệp thông qua việc bán ngoại tệ từ dữ trự ngoại hối, tuy nhiên ở mức tương đối hạn chế.
Trên thực tế, trong phiên đầu tuần này, NHNN đã phải tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán tại Sở Giao dịch NHNN, lên mức 24.870 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, giá USD bán ra tính đến thời điểm đầu giờ sáng nay dao động quanh mức 24.885 - 24.888 VND/USD, tăng khoảng 8,6% kể từ đầu năm đến nay. Tỷ giá trên thị trường tự do cũng tăng vượt mức 25.000 VND/USD (tương đương tăng 6,8% so với cuối năm ngoái).
Các chuyên gia tại bộ phận nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI nhận định, mặc dù các yếu tố cơ bản trong nước ghi nhận tích cực, trên thực tế, xu hướng găm giữ USD đã tăng lên đáng kể trong thời gian qua trong bối cảnh VND không thể đứng ngoài xu hướng đồng nội tệ mất giá đang lan rộng khắp châu Á, nguyên nhân xuất phát từ các đợt tăng lãi suất liên tục của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Trạng thái tâm lý này sẽ tiếp tục tạo áp lực tỷ giá và các chính sách điều hành của NHNN cũng khó có thể có tác động lớn như trước đó. Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng quý cuối năm nay sẽ là giai đoạn căng thẳng nhất về tỷ giá USD/VND.
Nguyên nhân đến từ sức mạnh đồng USD nhiều khả năng tiếp tục tăng do chính sách tiền tệ thắt chặt của FED. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam tại thời điểm cuối tháng 9 đã thấp hơn mức 12 tuần nhập khẩu nên dư địa để NHNN tiếp tục can thiệp tỷ giá thông qua bán USD sẽ hẹp dần.
KBSV cho rằng trong ngắn hạn, NHNN sẽ tiếp tục sử dụng hai công cụ dự trữ ngoại hối và bơm - rút tiền trên thị trường mở để ổn định tỷ giá, đồng thời điều tiết và hỗ trợ thanh khoản hệ thống trước những cú sốc bên ngoài.
Trong tuần qua, phát ngôn từ các thành viên thuộc Hội đồng thống đốc Fed có những quan điểm cho tín hiệu về việc giảm nhịp độ nâng lãi suất, cũng như chỉ số kinh tế tổng hợp của Mỹ từ Conference Board trong tháng 9 không tích cực (giảm 0,4%, xuống chỉ còn 115,9 điểm) giúp thị trường định giá tích cực hơn về tốc độ tăng lãi suất trong 2 kỳ họp tới.
Trong đó, khảo sát từ CME Group cho thấy xác xuất 92% FED sẽ tăng lãi suất 0,75% trong tháng 11 (giảm từ 98% vào tuần trước) và 50% tăng 0,25% - 0,5% trong tháng 12.
Đối với thị trường các nước khác, NHTW Nhật Bản đã bất ngờ can thiệp vào thị trường ngoại hối (thống qua việc bán ngoại tệ) nhằm giảm đà mất giá của đồng Yên. Mức tâm lý của Đồng Yên hiện tại đang là vùng 150 JPY/USD trong khi đó, diễn biến chính trị của Anh đang khá phức tạp khi thủ tướng mới nhậm chức của Anh đã nộp đơn xin từ chức.
Nhìn chung, trong tuần qua, sức mạnh đồng USD đã giảm nhiệt (giảm -1,1% so với tuần trước đó) và các đồng tiền chủ chốt hầu như tăng giá so với USD, như EUR +1,4%, GBP +1,2%, JPY +0,7%,..
(Tổng hợp)