Ngày xưa đó có thể là “ngày xửa ngày xưa” từ thời kỳ đồ đá của loài người, hay câu chuyện vài trăm năm trước. Nhưng đôi khi đoạn hoài niệm ấy cũng chỉ khoảng đôi ba thập kỷ, kiểu như thay vì nói “mười mấy hai mươi năm trước” một cách định lượng rành mạch, thì người ta ngắn gọn: “Ngày xưa, tôi đây cũng ngon nghẻ, từng oai oách như ai”…
Thậm chí, chỉ mới trước đó một đoạn đời mang tính nối tiếp, như “ngày xưa, ông đó là sếp cả một vùng”, “ngày xưa, khi thiên hạ còn xài điện thoại “cục gạch”, tôi đã lên đời StarTAC rồi…”
Bức tranh The Persistence of Memory của tác giả Salvador Dalí |
Cái thói quen hoài niệm ấy, trong đại đa số các trường hợp, khá là dễ thương. Hoài niệm một thời quá khứ thiếu thốn nhưng thân thương. Hoài niệm miền quê với những kỷ niệm thơ ấu, cuộc sống chất phác tuần tự vận hành theo nông lịch. Hay là sự ôn lại những góc ký ức của lớp người trung tuổi, nhớ lại những chuyện cũ lưu dấu trên từng góc phố vỉa hè, những thói quen nắng mưa phố thị hay dáng đẹp giai nhân tài tử một thời…
Những tưởng, đó chí là thói quen của một thời cũ kỹ, nhưng hóa ra lối nhắc nhớ thời gian theo phong cách khẩu ngữ ấy vẫn “lưu hành” đến tận bây giờ - giữa thời buổi nhà nhà nói chuyện “cách mạng công nghệ”, bữa cơm nào cũng “nhúng 4.0” ngang câu chuyện dưa cà, giá thịt…
Trong một tọa đàm công nghệ về Chuyển đổi số mới đây, vị Chủ tịch Hội đồng quản trị của tập đoàn công nghệ đình đám nọ cất giọng truyền cảm “Các vị ạ, ngày xưa chúng ta nghĩ ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh chỉ là phần mềm kế toán, phần mềm chấm công, là ERP (giải pháp quản trị doanh nghiệp), là CRM (giải pháp quản trị khách hàng)… thì nay thiên hạ nói chuyện Chuyển đổi số, nói chuyện phân tích dữ liệu lớn, chuyện đưa toàn bộ hệ thống thông tin “lên mây” (điện toán đám mây). Chúng ta không thể tuần tự kỳ cạch đi từ vỡ lòng lên tiểu học như ngày xưa được, mà buộc phải bước vào một cuộc chơi công nghệ lớn đang diễn ra trên toàn cầu”.
Vậy là, câu chuyện công nghệ liền một lúc nhắc mấy lần đến “ngày xưa” trong một thế so sánh với làn sóng Chuyển đổi số đang diễn ra trên toàn cầu. Từ những lĩnh vực tiên phong như Công nghệ thông tin – Truyền thông, cho đến Viễn thông, Tài chính – Ngân hàng, rồi Giao thông Vận tải, Y tế, Giáo dục… Mỗi doanh nghiệp cần phải trở thành một doanh nghiệp số, mỗi đất nước sẽ tiến lên thành quốc gia số, với nền kinh tế số vận hành.
Chuyện không phải nghe lần đầu, mà chợt thấy giật mình. Ngày Hôm nay dường như - chỉ rất nhanh thôi - sắp trở thành “Ngày xưa” của 10-20 năm tới, nơi các công nghệ mới như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain) hiện diện khắp nơi…
Mới có ngày nào chúng ta viết thư tay, hẹn hò nhau đi xa nhớ “đánh dây thép” về báo tin, rồi tiến tới gọi điện thoại bàn, liên lạc qua điện thoại di động và thư điện tử. Rồi hôm nay, từ đứa trẻ mới biết mặt chữ đến cụ già đều tập sử dụng voicechat, video call qua các ứng dụng OTT.
Trong một lộ trình tiến hóa công nghệ với tốc độ nhanh như thế, mỗi chúng ta sẽ làm gì để cập nhật các kỹ năng mới, để “bơi kịp” với làn sóng vừa đáng sợ vừa đáng mừng kia?
Hay chỉ gật gù hoài niệm với những câu hát mượt mà, ngộ nghĩnh kia, khi:
“Ông bà anh yêu nhau thời chưa có tivi
Ông bà anh yêu nhau thời chưa có xe hơi..”
Còn nay:
“Anh và em yêu nhau thời xe máy, ô tô
Anh và em yêu nhau thời Facebook, Zalo
Anh và em yêu nhau thời tay cầm smartphone
Anh và em yêu nhau ngày tháng trôi mau vì
Ta chẳng nói chuyện gì với nhau
Ngồi bên nhau cầm điện thoại thật lâu…”
Thực lòng, tôi mong mình không ở lại “ngày xưa”! ….
Hội An: Bước thời gian trên mái ngói
Thời gian dường ưu ái nơi này để đồng hành và lưu dấu. Người ta tìm về nơi đây để làm mới mình cùng nhịp thời gian!