Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và nâng cao năng lực đàm phán hợp đồng chuyển giao công nghệ là những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế.
Nhận thức được tầm quan trọng này, Trung tâm Ứng dụng Khoa học công nghệ và Khởi nghiệp (COSTAS) thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam và Trung tâm nghiên cứu, đào tạo và hỗ trợ, tư vấn thuộc Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ KH&CN đã phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I tổ chức lớp đào tạo tập huấn “Sở hữu trí tuệ, phương thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và Đàm phán hợp đồng chuyển giao công nghệ”. Tại lớp tập huấn, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều bài học hay về kỹ năng đàm phán hợp đồng chuyển nhượng và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ.
![]() |
Toàn cảnh lớp đào tạo tập huấn “Sở hữu trí tuệ, phương thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và Đàm phán hợp đồng chuyển giao công nghệ” tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I |
ThS Lê Thị Khánh Vân, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp, Hội Nữ trí thức Việt Nam, nhấn mạnh lợi ích của việc cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm. Bà cho biết: “Cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm là một lợi ích thiết thực, trực tiếp và được các doanh nghiệp đặt lên hàng đầu. Từ việc nâng cao được chất lượng sản phẩm sẽ làm cho doanh nghiệp duy trì, củng cố và mở rộng thị phần của sản phẩm, tạo thêm sản phẩm mới, đáp ứng được các quy định, tiêu chuẩn, luật lệ; giảm tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng; cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao độ an toàn sản xuất cho người và thiết bị; giảm tác động xấu đến môi trường... Vì vậy có thể khẳng định đổi mới công nghệ là một tất yếu phù hợp với quy luật phát triển.”
Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp cũng chỉ ra thực tế rằng nhiều dự án đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ dù có triển vọng nhưng vẫn thất bại. “Nguyên nhân thì nhiều nhưng lý do chính là năng lực đàm phán kém, kỹ thuật soạn thảo Hợp đồng yếu đã trở thành những rào cản và phát sinh tranh chấp, khiếu kiện trong quá trình thực hiện chuyển giao công nghệ", ThS Lê Thị Khánh Vân cho hay.
Các chuyên gia tại lớp tập huấn đều đồng ý rằng kỹ năng đàm phán là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của hợp đồng chuyển giao công nghệ. Để đàm phán thành công, các bên cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, hiểu rõ về đối tác, về công nghệ, về thị trường và về luật pháp. Giai đoạn chuẩn bị đàm phán rất quan trọng, đòi hỏi các bên tìm hiểu kỹ thông tin về đối tác, bao gồm cả thông tin vĩ mô (sở hữu trí tuệ, thuế, tài chính, thị trường, chế độ chính trị, văn hóa,...) và thông tin vi mô (danh tiếng của nhà cung cấp công nghệ, kinh nghiệm thương mại, tình hình tài chính, công nghệ cần mua đang ở giai đoạn nào, bản chất và hiệu quả của công nghệ sản xuất ra sản phẩm mà doanh nghiệp đang quan tâm, thông tin về thị trường cho loại sản phẩm dự kiến, chất lượng sản phẩm, chi phí sản xuất sản phẩm, chi phí công nghệ).
![]() |
ThS Lê Thị Khánh Vân, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp, Hội Nữ trí thức Việt Nam, chia sẻ về kỹ năng đàm phán hợp đồng chuyển nhượng và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ |
Các bên cũng cần xây dựng một danh sách thứ tự các mục tiêu mà mình đang theo đuổi (mục tiêu kỹ thuật, mục tiêu thị trường và kinh tế,...) và chuẩn bị đội ngũ đàm phán (chuyên gia kỹ thuật, chuyên gia tài chính, chuyên gia luật pháp, nhà sản xuất). Trong quá trình đàm phán, các bên cần phải có thái độ tôn trọng lẫn nhau, lắng nghe ý kiến của nhau và sẵn sàng thỏa hiệp để đạt được mục tiêu chung.
Hợp đồng chuyển giao công nghệ là một văn bản pháp lý quan trọng, quy định rõ ràng các quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia. Nội dung của hợp đồng bao gồm: bản chất và đặc điểm của công nghệ chuyển giao; tên hợp đồng và bố cục; đối tượng công nghệ được chuyển giao; tiêu chí chất lượng sản phẩm được sản xuất từ công nghệ chuyển giao; phương thức chuyển giao; phương thức thanh toán; thời hạn hiệu lực hợp đồng, tiến độ thực hiện và bảo hành; các điều khoản vi phạm hợp đồng. Hợp đồng cần có tên gọi rõ ràng, bố cục hợp lý với phần mở đầu nêu rõ các bên tham gia, ngày tháng năm ký kết và mục đích của hợp đồng; phần chính quy định các điều khoản về đối tượng chuyển giao, phương thức chuyển giao, thời hạn chuyển giao, giá cả, phương thức thanh toán, quyền và nghĩa vụ của các bên, trách nhiệm pháp lý, giải quyết tranh chấp,...; phần phụ lục bao gồm các tài liệu kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ và các tài liệu khác liên quan đến công nghệ chuyển giao.
Đối tượng công nghệ được chuyển giao có thể là bí quyết kỹ thuật, kiến thức kỹ thuật dưới dạng phương án công nghệ, quy trình công nghệ, giải pháp kỹ thuật, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật, chương trình máy tính, thông tin dữ liệu, giải pháp hợp lý hoá sản xuất, đổi mới công nghệ. Các bên cần thỏa thuận rõ ràng các tiêu chí chất lượng sản phẩm được sản xuất từ công nghệ chuyển giao, bao gồm các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật - môi trường, các nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Phương thức chuyển giao có thể là hợp đồng chuyển giao công nghệ độc lập, hoặc là một phần trong các dự án đầu tư, hợp đồng nhượng quyền thương mại, hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp, hợp đồng mua bán máy móc, thiết bị, hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Phương thức thanh toán có thể là trả một lần hoặc nhiều lần bằng tiền hoặc hàng hoá, chuyển giá trị công nghệ thành vốn góp vào dự án đầu tư hoặc vào vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, hoặc các phương thức khác do các bên thỏa thuận.
Các bên cũng cần thỏa thuận rõ ràng về thời hạn hiệu lực của hợp đồng, tiến độ thực hiện, trách nhiệm bảo hành công nghệ được chuyển giao, cũng như các điều khoản vi phạm hợp đồng, bao gồm các hình thức phạt, trách nhiệm do vi phạm, pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp và cơ quan giải quyết tranh chấp.
Về hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ cần quy định rõ ràng về đối tượng (quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp...), phạm vi chuyển nhượng (quyền, thời hạn, lãnh thổ), giá cả, phương thức thanh toán, quyền và nghĩa vụ của các bên, trách nhiệm pháp lý và phương thức giải quyết tranh chấp.
Chia sẻ về những yếu tố then chốt tạo nên một hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ thành công, ThS Lê Thị Khánh Vân cho biết, hợp đồng cần có tính khả thi, công bằng, quan tâm đến lợi ích của cả hai bên và phải phù hợp với pháp luật của quốc gia tiếp nhận công nghệ.
![]() |
Một số đại biểu tham dự lớp đào tạo, tập huấn chụp ảnh lưu niệm |
----
"Bài viết nằm trong dự án “Nâng cao nhận thức, năng lực sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh cho cộng đồng nữ trí thức Việt Nam” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030" do Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ và Khởi nghiệp thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam chủ trì".
Tọa đàm nâng cao nhận thức và năng lực sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ cho nữ trí thức Việt Nam
Những kinh nghiệm, đề xuất và giải pháp được đưa ra tại Tọa đàm góp phần thúc đẩy hơn nữa hoạt động SHTT trong cộng đồng nữ trí thức Việt Nam