Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên, đơn vị quản lý Thảo Cầm Viên, vừa công bố báo cáo quyết toán năm 2022 với mức doanh thu kỷ lục từ ngày thành lập.
Chiếm phần lớn trong khoản doanh thu gần 145 tỷ đồng của Thảo Cầm Viên là tiền đến từ việc bán vé. Năm 2022, Thảo Cầm Viên bán hơn 1,83 triệu lượt vé, thu gần 95 tỷ đồng (chưa tính VAT).
Báo cáo tài chính những năm về trước cũng cho thấy nguồn thu chính của công ty đến từ bán vé tham quan. Tính bình quân năm 2022, mỗi ngày Thảo Cầm Viên bán được hơn 5.000 vé. Cả năm 2021 trước đó, sở thú này chỉ bán được bình quân mỗi ngày 1.500 vé, thu 28,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, đơn vị vận hành sở thú 158 năm tuổi này cũng ghi nhận doanh thu kinh doanh đạt hơn 50 tỷ đồng năm ngoái, chủ yếu là thu từ kinh doanh giải khát - ẩm thực, trò chơi, vé xe lửa điện, cho thuê mặt bằng…
Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của Thảo Cầm Viên Sài Gòn đạt xấp xỉ 19 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong báo cáo tài chính phát sinh chỉ tiêu "giảm trừ thu nhập khác" với con số âm hơn 13,4 tỷ đồng. Đây là khoản điều chỉnh giảm thu nhập khác sau khi Thảo Cầm Viên Sài Gòn xin không nhận ngân sách đặc thù do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (trước đó, công ty đã ghi nhận khoản tiền này vào thu nhập khác của năm 2021). Trong phần ý kiến của đơn vị kiểm toán, phía công ty kiểm toán cho rằng khoản này phải được điều chỉnh hồi tố vào năm 2021.
Lãi trước thuế của công ty đạt 3,6 tỷ đồng, sau thuế còn chưa tới 3 tỷ đồng. Dù vậy, mức này vẫn cao gấp 3 lần kế hoạch kinh doanh đề ra và là mức cao nhất 10 năm trở lại đây.
Tính đến cuối năm 2022, Thảo Cầm Viên Sài Gòn có vốn điều lệ 617 tỷ đồng và tổng tài sản 785 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn tài sản của doanh nghiệp là giá trị xây dựng cơ bản dở dang với gần 670 tỷ đồng.
Không được thuyết minh rõ nhưng khoản mục này tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 được nêu là chi phí xây dựng cơ bản dở dang dự án Sài Gòn Safari tại huyện Củ Chi, TP.HCM. Trong tổng chi phí xây dựng dở dang, chi phí đền bù, thiệt hại chiếm tới hơn 95%. Dự án này đã "treo" hơn 2 thập kỷ, do Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên làm chủ đầu tư, dính các lùm xùm liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng, chậm tiến độ.
Thảo Cầm Viên được người Pháp xây dựng năm 1864, tên gọi đầu tiên là Vườn Bách Thảo, còn được người dân gọi là Sở Thú, là một trong 10 vườn thú lâu đời nhất thế giới.
Đây cũng là công trình mang tính lịch sử và lâu đời nhất TP.HCM và là biểu tượng văn hóa đặc trưng của thành phố. Thảo Cầm Viên được xây cùng thời với Nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành, Bưu điện thành phố...
Thảo Cầm Viên có nguồn vốn chủ sở hữu hơn 700 tỷ đồng, là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước do UBND TP.HCM quản lý. Trước năm 2010, công ty là doanh nghiệp Nhà nước, trực thuộc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, sau đó chuyển đổi sang mô hình công ty TNHH một thành viên như hiện tại.
Từ năm 2015, Thảo Cầm Viên hoạt động tự chủ hoàn toàn về tài chính, ngân sách không hỗ trợ. Nguồn thu chính của đơn vị này đến từ việc bán vé vào cửa, bên cạnh đó còn có các hoạt động kinh doanh khác như trồng cây, liên doanh bãi xe, mặt bằng..., theo Markettimes.
(Tổng hợp)