Thấy mình kém cỏi vì 30 tuổi vẫn chẳng có tiền tiết kiệm, tháng nào cũng tiêu hết tiền lương

Không có tiền tiết kiệm đồng nghĩa với việc lúc nào cũng thấp thỏm lo lắng “nếu có biến cố, lấy đâu ra tiền mà lo liệu?”.

Có một khoảng thời gian trước đây, chúng ta tranh cãi kịch liệt về câu chuyện: “30 tuổi, không có nổi 100 triệu tiết kiệm thì có phải là thất bại hay không?”. 

Không ít người đồng tình, cho rằng 30 tuổi, nghĩa là đã đi làm được khoảng 7-8 năm, chỉ cần tiết kiệm 1,2 triệu đồng/tháng, thì đến năm 30 tuổi cũng có 100 triệu rồi. Vậy mà không có, đúng là thất bại.

Cũng có người phản bác, cho rằng dùng tiền tiết kiệm để đánh giá việc một người thành công hay thất bại, là suy nghĩ có phần phiến diện. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, có thể họ chưa tiết kiệm được vì kinh doanh thất bại, vì cuộc sống có biến cố,...

Mỗi người một quan điểm, rất khó để phân định đúng sai. Tuy nhiên, có một sự thật mà chúng ta khó lòng phủ nhận: Không có tiền tiết kiệm, dù ở bất kỳ độ tuổi nào đi chăng nữa, người ta cũng khó có thể tự tin đối mặt với những biến cố trong cuộc sống, đặc biệt là những biến cố cần dùng tới tiền, như ốm đau, thất nghiệp,...

Cảm thấy mình kém cỏi, chẳng bằng ai vì ngoài 30 rồi vẫn không có nổi 1 đồng tiết kiệm

Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính, tâm sự của một cặp vợ chồng đã nói lên nỗi lòng của không ít người. Chị vợ 30 tuổi, anh chồng 37 tuổi, gia đình có 2 con nhỏ mà hiện tại không có đồng nào phòng thân. Việc không có tiền tiết kiệm khiến anh chị lo lắng vô cùng, cũng cảm thấy bản thân quá kém cỏi.

Nguyên văn tâm sự của chị vợ
Nguyên văn tâm sự của chị vợ

Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người chia sẻ hoàn cảnh tương tự, động viên vợ chồng chị cố gắng và cho rằng cả nhà khỏe mạnh là điều quan trọng nhất. Có sức khỏe cũng chính là có tiền.

“Khổ về tiền bạc là cái khổ dễ vượt qua nhất”... Cũng đúng ha!
“Khổ về tiền bạc là cái khổ dễ vượt qua nhất”... Cũng đúng ha!

Có sức khỏe, không nợ nần cũng là những lợi thế tiết kiệm!

Trong câu chuyện của gia đình này, nhiều người cho rằng bản thân vợ chồng chị và 2 con khỏe mạnh, cộng thêm việc hiện tại không có khoản nợ nào phải trả - đó đều là những lợi thế rất lớn. Để có động lực quản lý tài chính và tiết kiệm, có lẽ, chúng ta nên nhìn vào những lợi thế như vậy, hơn là so sánh bản thân mình với người khác. Vì suy cho cùng, đâu có ai lại mang những khó khăn của bản thân ra khoe bao giờ.

Nếu bạn cũng đang trong tình cảnh tương tự: Không có nợ, không ốm đau và CHƯA CÓ tiền tiết kiệm như gia đình phía trên, trước hết, hãy rũ bỏ cảm giác tự ti, kém cỏi đang dày vò mình. Tiền tiết kiệm chỉ là chưa có thôi, không phải cả đời không có nếu bản thân bạn chịu cố gắng quản lý chi tiêu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Để bắt đầu hình thành thói quen tiết kiệm, bạn có thể áp dụng phương pháp phân bổ chi tiêu theo 6 chiếc lọ. Đây là công thức được tạo ra bởi T. Harv Eker - Tác giả của 2 cuốn sách bán Bí mật tư duy triệu phú (Secret of Millionaire Mind) và Làm giàu nhanh (Speed Wealth).

Theo Harv Eker, bất cứ ai cũng có thể sử dụng phương pháp 6 chiếc lọ để duy trì thói quen tiết kiệm, đồng thời có một lối sống cân bằng (không hưởng thụ quá mức nhưng cũng không phải sống quá khổ, quá tằn tiện).

Harv Eker khuyên bạn nên chia thu nhập hàng tháng thành 6 chiếc lọ, tương đương với 6 khoản quỹ chi tiêu:

1. 55% thu nhập cho Quỹ nhu cầu thiết yếu: Chi phí sinh hoạt, ăn uống, di chuyển,...

2. 10% thu nhập cho Quỹ giáo dục: Mua sách, đăng ký tham gia các khóa học cải thiện kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực nghề nghiệp bạn đang theo đuổi.

3. 10% thu nhập cho Quỹ trải nghiệm: Mua các sản phẩm chăm sóc bản thân hoặc mua trải nghiệm mới (đi du lịch, dùng bữa tại các nhà hàng sang trọng,...)

4. 10% thu nhập cho Quỹ tự do tài chính: Hay còn có tên gọi khác dễ hiểu hơn chính là quỹ hưu trí - khoản tiền giúp bạn sống thảnh thơi, an tâm lúc về già.

5. 10% thu nhập cho Quỹ tiết kiệm dài hạn: Khác với quỹ tự do tài chính, quỹ tiết kiệm dài hạn là khoản tiền phục vụ cho các nhu cầu lớn trong cuộc sống của mỗi cá nhân như mua nhà, mua xe, kết hôn,...

6. 5% thu nhập cho Quỹ giúp đỡ người khác: Đây là khoản quỹ để bạn đi làm từ thiện, giúp đỡ người thân, bạn bè…

Harv Eker khuyên mọi người nên lập 6 tài khoản ngân hàng khác nhau tương đương với 6 chiếc lọ trên và chia thu nhập vào từng tài khoản vào ngày đầu mỗi tháng, để tránh việc khoản quỹ này "lẹm" vào khoản quỹ kia.

Trong trường hợp bạn chưa đủ tự tin để duy trì các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống (chi phí thuê nhà, ăn uống, đi lại), Harv Eker khuyên bạn có thể cân nhắc dồn 5% thu nhập cho Quỹ giúp đỡ người khác vào Quỹ nhu cầu thiết yếu. Ông cũng nhấn mạnh rằng để duy trì thói quen tiết kiệm và có một lối sống cân bằng, khoản Quỹ giúp đỡ người khác là đầu mục duy nhất mà bạn nên cắt bỏ trong thời gian ngắn hạn.

Ngọc Linh

Đi làm 3 năm tiết kiệm được 1 tỷ

Đi làm 3 năm tiết kiệm được 1 tỷ

Đi làm 3 năm đã tiết kiệm được 1 tỷ, quả là tuổi trẻ tài cao…