Đầu tháng 2, khi đại dịch COVID-19 lây lan ở Trung Quốc, khi ấy là một sự đe dọa rất lớn cho Việt Nam. Để đảm bảo an toàn, nhiều nước trong đó có Việt Nam đã buộc phải đóng cửa biên giới. Điều này khiến việc vận chuyển linh kiện, nguyên liệu từ Trung Quốc đến các nhà máy địa phương bằng xe tải bị đình trệ.
Đây là một vấn đề đối với Samsung, gã khổng lồ công nghệ của Hàn Quốc, nơi sản xuất hầu hết các thiết bị cầm tay của họ tại Việt Nam. Vừa ra mắt 2 điện thoại thông minh mới ở Mỹ, thế nên việc trì hoãn sản xuất do không có linh kiện điện tử sẽ gây ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp này. Chính bởi vậy, Samsung bắt đầu vận chuyển các bộ phận quan trọng khỏi Trung Quốc.
Câu chuyện này nói lên 2 vấn đề. Thứ nhất, Việt Nam đã hành động nhanh chóng trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19 với chiến lược theo dõi và cách ly triệt để. Nền kinh tế của họ đã phải chịu ảnh hưởng lớn nhưng đã nhanh chóng phục hồi hơn bao giờ hết.
Đây là một trong số rất ít đất nước được dự đoán báo cáo GDP tăng trong năm nay.
Thứ 2, câu chuyện này cũng cho thấy Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn đối với những khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đây vốn là căn cứ ưa thích của những nhà máy may mặc lớn. Gần đây, quốc gia này còn trở thành một điểm kết nối quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ.
Theo The Economist, Việt Nam không chỉ thu hút của các công ty đa quốc gia. Họ cũng là điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư ở những thị trường cận biên (một quốc gia phát triển hơn các quốc gia kém phát triển nhất nhưng vẫn quá nhỏ, có quá nhiều rủi ro cho vốn, thanh khoản quá thấp để được xếp hạng là thị trường mới nổi).
Vài thập kỷ trở lại đây, quốc gia này vốn được thừa hưởng nhiều từ tốc độ tăng trưởng mạnh của ngành thương mại toàn cầu, giờ họ lại đang tiếp tục có cơ hội lớn từ sự sụp đổ của toàn cầu hóa.
Việt Nam từng hưởng lợi lớn từ sự tăng trưởng của thương mại thế giới trong những thập niên gần đây, giờ đây tiếp tục hưởng lợi từ sự lung lay của toàn cầu hóa.
Theo The Economist, nền kinh tế ngày một ổn định đã giúp Việt Nam ghi thêm điểm về sức hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư. Ngân hàng nhà nước đã giữ đồng nội tệ ở mức ổn định so với đồng USD, tín dụng ngân hàng được thắt chặt, lạm phát duy trì ở mức thấp... là những yếu tố khiến Việt Nam tăng hạng lòng tin với giới nước ngoài.
Cùng với đó, Việt Nam luôn cởi mở trong xúc tiến thương mại, nhanh chóng gia nhập Tổ chức thương mại thế giới vào năm 2007, kể từ đó ký được thỏa thuận với Nhật Bản, Hàn Quốc - hai nhà đầu tư lớn của châu Á. Sau 9 năm đàm phán, sáng ngày 8/6 Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) được Quốc hội thông qua đã mở ra cơ hội hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh hơn của Việt Nam và EU. Những khoản đầu tư lớn từ Trung Quốc, Hong Kong, Singapore đã dần xuất hiện.
The Economist cho rằng, một điều khá thú vị, đó là chiến lược kinh tế của Việt Nam hiện tại khá giống với những gì Trung Quốc đã từng làm: rất nhiều FDI, xuất khẩu kéo tăng trưởng, thâm nhập sâu vào các chuỗi giá trị từ dệt may đến công nghệ...Tuy nhiên, Việt Nam còn thu hút bởi một vài điểm khác nữa gồm: Nền kinh tế tăng trưởng nhanh, đô thị hóa nhanh, cơ sở hạ tầng đang được cải thiện và tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều.
Tất cả những điều đó nghe đều rất hấp dẫn. Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản. Việt Nam áp dụng giới hạn sở hữu nước ngoài với nhiều công ty. Đây là lý do chính tại sao Việt Nam vẫn được xếp vào nhóm thị trường cận biên, không phải thị trường mới nổi.
"Một nhà đầu tư nước ngoài muốn mua một cổ phiếu đã đạt đến giới hạn sở hữu sẽ buộc phải mua từ một người nước ngoài khác. Những giao dịch ngoại hối này có thể mất vài tuần để được sắp xếp và phê duyệt," Andrew Brudenell của Ashmore, một nhà quản lý quỹ cho biết.
Hiện tại, dù đã đối phó bước đầu thành công với COVID-19 nhưng Việt Nam vẫn còn gặp một vài khó khăn khi Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn bậc nhất của họ lại vẫn phải vật lộn với làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 2.