Nỗi khổ của Kinh tế trưởng
Mở đầu bằng việc thảo luận những câu chuyện “drama”, host Ngọc Trinh đã đưa ra một bình luận của khán giả: “Vĩ mô sáng với vĩ mô chiều, vĩ mô nào thì sáng hơn?” Mr.X30 Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng kiêm Trưởng ban Đào tạo và Phát triển, Công ty CP Chứng khoán SSI “kể khổ”: “Người ta chỉ đến tìm những người phân tích vĩ mô khi thị trường đi xuống”.
Dù rất hiếm khi các thông tin có ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường xuất hiện chỉ trong một sớm một chiều, nhiều nhà đầu tư hiện nay vẫn có tư duy: “Thắng làm vua, thua đổ thị trường, đổ vĩ mô” thay vì nghiên cứu lại những quyết định đầu tư của mình. “Dù trời nắng hay mưa, nếu bạn mãi khư khư đeo một chiếc kính đen thì thế giới xung quanh sẽ luôn khó nhìn.” - Mr.X30 chia sẻ.
Khách mời lần này của chương trình là ông Nguyễn Trần Hải, một nhà đầu tư cá nhân với nhiều năm kinh nghiệm. Chia sẻ thêm về bình luận trên, ông Hải nhận định đây có thể là quan điểm của một “chứng sĩ” theo hệ ngắn hạn thay vì dài hạn. Bởi có nhiều phong cách đầu tư khác nhau, việc theo dõi tình hình vĩ mô hằng ngày cũng có thể trở thành một công cụ nếu gặp đối tượng phù hợp - chẳng hạn những người đang theo đuổi phong cách đầu cơ, “lướt sóng”. Ngoài ra, đây cũng có thể coi là một ví dụ cho sự “sáng nắng chiều mưa” của thị trường, thay vì một bình luận nghiêm túc.
“Dòng tiền thông minh”
Trước bình luận của một khán giả: “Tin tức truyền thông luôn chậm hơn thị trường thật”, BTV Hoàng Nam - chuyên trách chứng khoán bản tin Tài chính kinh doanh VTV1 nêu quan điểm: “Đồng tiền trên thị trường chứng khoán thường được coi là đồng tiền thông minh, bởi dòng tiền này đến từ những người có khả năng dự đoán một phần sự chuyển hướng của dòng tiền”. Chẳng hạn giai đoạn cuối năm 2022, nhiều nhà đầu tư rơi vào tâm lý tiêu cực khi liên tục xuất hiện các tin tức xấu liên quan đến thị trường tài chính lẫn môi trường vĩ mô, VN-Index liên tục giảm điểm. Tuy nhiên, vẫn có những người đã dự đoán năm 2023 sẽ có sự thay đổi liên quan tới chính sách tiền tệ quốc gia hay Ngân hàng nhà nước hạ lãi suất... Tình hình thực tế thị trường thời gian qua cũng đã chứng minh những nhận định trên là có cơ sở và hợp lý.
Vậy phải chăng “no news is good news, good news sometimes is bad news?” (Không có tin tức gì là tốt, tin tốt lại đôi khi lại là… tin xấu?) - BTV Hoàng Nam đặt câu hỏi. Mr.X30 lấy ví dụ từ chính thời điểm tháng 11, khi thời gian công bố kết quả kinh doanh quý III đã qua, các số liệu vĩ mô chưa tới thời điểm công bố, thị trường trong nước nhìn chung khá ít thông tin. Tuy nhiên, là một thị trường chứng khoán non trẻ, Việt Nam vẫn gián tiếp bị ảnh hưởng từ tin tức thế giới như các động thái của FED, hay anh Nguyễn Trần Hải đề cập tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp diễn ra. Một thay đổi lớn về chính trị tại một quốc gia lớn như Mỹ hoàn toàn có thể làm ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu như xuất nhập khẩu, các chính sách tiền tệ,...
“Tê giác xám” - Hiểm họa khó lường
“Tê giác xám” là một thuật ngữ kinh tế để miêu tả những rủi ro có thể nhận thấy nhưng thường bị lơ là, cũng là chủ đề của chương trình Bí mật đồng tiền số này. Một cuộc khảo sát về những vấn đề tâm lý gây ảnh hưởng nhất đến quá trình đầu tư đã được thực hiện từ những phút đầu, khiến bầu không khí chương trình trở nên rôm rả. Trong ba “chú tê giác” được gọi tên có “thiếu sự tự tìm hiểu”, tức thiếu hiểu biết về thị trường và các yếu tố tác động tới thị trường, thiếu hiểu biết về khả năng đầu tư, khẩu vị rủi ro của bản thân...
Bởi mục tiêu, phương pháp đầu tư của mỗi người là khác nhau, “thiếu sự tự tìm hiểu” sẽ khiến các “chứng sĩ” dễ rơi vào cảnh FOMO, luôn thấp thỏm, phụ thuộc vào các động thái từ thị trường hay các nhà đầu tư khác thay vì tự quyết dòng tiền. Theo dõi những nguồn thông tin, kiến thức uy tín và phù hợp sẽ là giải pháp để nhà đầu tư ngày một tự chủ, “thông minh hóa” dòng tiền của mình.
Dòng tiền đổ vào ngân hàng bất chấp lãi suất huy động liên tục giảm
Mặc dù lãi suất huy động giảm nhanh và thị trường chứng khoán sôi động trở lại nhưng tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng vẫn tăng mạnh.