Tín dụng bị hạn chế
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục siết mạnh với cho vay bất động sản khi chính thức đưa ra lộ trình giảm dần tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu siết tín dụng với bất động sản. |
Cụ thể, từ 1/1/2020-30/9/2020 tỷ lệ này là 40%; 1/10/2020-30/9/2020 là 37%; 1/10/2021-30/9/2022 là 34% và kể từ 1/10/2022 sẽ giảm xuống còn 30%.
Đặc biệt, bên cạnh việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, Ngân hàng Nhà nước còn tăng hệ số rủi ro khi kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%.
Các khoản phải đòi được đảm bảo toàn bộ bằng nhà ở (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai), quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất của bên vay và đáp ứng một trong các điều kiện sau sẽ có hệ số rủi ro 50%.
Đối với các khoản phải đòi khác như đối với cá nhân phục vụ đời sống mà tổng số tiền thỏa thuận cho vay/mức cho vay tại các hợp đồng tín dụng của khách hàng đó từ 4 tỷ đồng trở lên (sau khi trừ đi khoản phải đòi của khách hàng đó đã áp dụng hệ số rủi ro 50%) sẽ bị áp hệ số rủi ro 120%, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/12/2020 và sau đó sẽ nâng lên 150% kể từ ngày 1/1/2021.
Cũng theo thông tư trên, tỷ lệ tối đa dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi là 85% đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Bệnh cạnh đó, các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41 phải gửi văn bản đến Ngân hàng Nhà nước trước ngày 1/1/2020 nêu rõ lý do tiếp tục thực hiện tỷ lệ an toàn vốn và giải pháp, lộ trình để đảm bảo tuân thủ Thông tư 41 chậm nhất kể từ ngày 1/1/2023. Thông tư 22 này sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2020.
Doanh nghiệp nên làm gì?
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, ông đánh giá cao những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc đảm bảo an ninh tiền tệ, an toàn tín dụng, cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà , góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và tạo điều kiện cho đầu tư, tăng trưởng.
Người mua nhà sẽ khó vay tiền ngân hàng. Ảnh: Tri Thức |
HoREA cũng tán thành chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về lộ trình hạn chế tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, như chứng khoán, bất động sản, tín dụng tiêu dùng.
“Việc thực hiện lộ trình hạn chế tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, tuy trước mắt có gây áp lực đối với các doanh nghiệp, nhưng là áp lực lành mạnh, có tính tích cực, buộc các chủ đầu tư dự án bất động sản phải tìm kiếm các nguồn vốn khác thay thế dần một phần nguồn vốn tín dụng, nhằm phát triển thị trường bất động sản bền vững”, ông Châu đánh giá.
Ông Châu khuyến nghị doanh nghiệp bất động sản cần phải đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận, doanh thu, chuẩn bị được quỹ đất dự án, chất lượng công trình, tiến độ thực hiện dự án, tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp... để đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng các nguồn vốn khác thay thế do ngày càng khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Đồng thời, các doanh nghiệp luôn luôn đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết, giữ chữ tín, đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ thi công, bàn giao nhà, xây dựng căn hộ thông minh, tòa nhà thông minh, hình thành không gian sống xanh, thân thiện môi trường.
Coi trọng công tác hậu mãi chăm sóc khách hàng, để có thể huy động được nguồn vốn ứng trước của khách hàng theo đúng quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản (được huy động đến 70% giá trị hợp đồng nếu chưa bàn giao nhà, được huy động đến 95% giá trị hợp đồng nếu đã bàn giao nhà).
Để thích ứng với lộ trình hạn chế tín dụng vào thị trường bất động sản, HoREA cũng đã có 8 khuyến nghị đối với doanh nghiệp. Đó là tăng vốn chủ sở hữu, chuyển đổi thành công ty cổ phần đủ điều kiện niêm yết để có thể huy động nguồn vốn trên thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mở rộng liên doanh, liên kết trong nước và nước ngoài thông qua việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)...
Còn ông Trần Đình Cường, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã đặt vấn đề thận trọng trong cho vay ở các lĩnh vực rủi ro như dự án BOT, lĩnh vực xây dựng bất động sản từ 2-3 năm. Ngân hàng Nhà nước cũng chuyển sang phương pháp quản lý qua các chỉ tiêu gián tiếp chứ không như trước đây là đưa ra chỉ tiêu cụ thể gồm tổng dư nợ cho vay bất động sản 15%, cho vay chứng khoán 30%...
Thực tế, không ít chủ đầu tư khi được hỏi đều trả lời không vay được vốn ngân hàng, trong khi đó, lãi suất cho vay mua căn hộ cũng tăng. Ảnh: Tri Thức |
“Để điều chỉnh phù hợp với quy định, các ngân hàng có thể điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiền gửi trung, dài hạn để thu hút dòng vốn ở phân khúc này. Những chính sách điều tiết vốn từ Ngân hàng Nhà nước có tác động từ từ, đủ thời gian để các bên liên quan điều chỉnh nên tác động của nó không phải là ngay tức thì. Đây cũng là cách quản trị phù hợp theo chuẩn quốc tế và các doanh nghiệp cũng phải tự điều chỉnh mình, có mô hình sử dụng vốn phù hợp hơn”, ông Cường nói.
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, việc siết tín dụng bất động sản đã được triển khai từ nhiều tháng nay. Thực tế, không ít chủ đầu tư khi được hỏi đều trả lời không vay được vốn ngân hàng, trong khi đó, lãi suất cho vay mua căn hộ cũng tăng.
Việc thắt chặt tín dụng nói chung và vào thị trường bất động sản nói riêng sẽ có những tác động nhiều chiều đối với các nhà kinh doanh bất động sản. Đối với người mua nhà, đây không phải là điều tích cực, vì lãi suất tăng sẽ hạn chế khả năng trả nợ của người mua nhà. Bởi đối tượng này hiếm khi bỏ 100% vốn cá nhân đi mua nhà đất, mà thường dựa vào vốn ngân hàng.
Ở chiều ngược lại, khi tín dụng bất động sản bị thắt chặt và lãi suất cao, bắt buộc các nhà kinh doanh bất động sản phải hạn chế hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp bất động sản cũng là người sản xuất hàng hóa. Muốn có nhiều hàng hóa, thì phải có vốn để làm dự án, mà ngân hàng chính là nguồn cung tiền lớn nhất của doanh nghiệp để làm ra sản phẩm.
Khi nguồn cung tiền giảm, chắc chắn, doanh nghiệp sẽ bị hạn chế rất nhiều trong việc cung cấp sản phẩm mới ra thị trường, chưa kể những yếu tố khó khăn khác từ pháp lý, quỹ đất. Vì vậy, doanh nghiệp sẽ phải tính toán kỹ hơn khi ra sản phẩm mới, khiến nguồn cung bị giảm.
Thị trường bất động sản khốn khó: Siết trái phiếu doanh nghiệp (bài 3) Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng rà soát quy định, đảm bảo ban hành đầy đủ theo đúng pháp luật liên quan đến việc mua trái phiếu doanh nghiệp. |