Trong những cái khó hiện nay, khó khăn về dòng tiền là lớn nhất và tác động tới hầu hết thành viên thị trường. Khả năng từ đây đến cuối năm, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng vẫn sẽ khó khăn, cả doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư muốn “trụ” được này sẽ phải chủ động tìm kiếm các giải pháp ứng phó.
Nnhững rào cản về tín dụng, vướng mắc pháp lý tiếp tục kéo dài nên dự án bị đình trệ, dẫn đến nguồn cung thấp, giá bán bị đẩy lên cao, thanh khoản yếu…, từ đó khiến doanh nghiệp chết hàng loạt. Nếu kịch bản này xảy ra, quá trình sàng lọc này rất đáng lo ngại vì gây bất lợi cho thị trường bất động sản cũng như nền kinh tế. Thị trường địa ốc có thể bước vào chu kỳ khó khăn kéo dài.
Điều mà thị trường bất động sản lo ngại hiện nay là nguồn cung sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực ngày càng khan hiếm do thủ tục bị siết chặt, cùng với đó là áp lực lạm phát tăng, quỹ đất ngày càng khan hiếm… sẽ đẩy giá bất động sản ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, khó khăn của người này là cơ hội cho người khác, thách thức hiện nay sẽ khiến nhiều doanh nghiệp hụt hơi, nhưng cũng là thời cơ hội để các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính và lợi thế về quỹ đất vượt lên.
Có thể nói, khó khăn của thị trường bất động sản là điều ai cũng cảm nhận được. Song, trong “nguy luôn có cơ”, môi trường khó khăn sẽ tạo ra những cơ hội mới, nếu doanh nghiệp và nhà đầu tư nắm bắt được cơ hội đó sẽ có nhiều khả năng phục hồi và phát triển.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đối mặt với nhiều thách thức, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ổn định, cho nên những khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay chỉ là tạm thời. Vì thế, điều quan trọng lúc này là cần nỗ lực vượt qua khó khăn để đón đầu cơ hội sắp tới.
Hơn 2 năm đối mặt với đại dịch Covid -19 và gần đây thêm “cú sốc” siết tín dụng bất động sản, doanh nghiệp địa ốc càng trở nên kiệt sức. Thời gian gần đây, bắt đầu xuất hiện những doanh nghiệp quy mô lớn nợ lương, phải cắt giảm nhân sự, co cụm bộ máy nhằm tiết giảm chi phí, thậm chí có doanh nghiệp để có dòng tiền duy trì hoạt động phải vay “nóng” bên ngoài với lãi suất cao do không huy động được vốn từ các kênh chính thống.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn tại TP.HCM cho hay: “Chiến lược lúc này là nằm im, vì ngoài ra cũng không biết làm gì khi dòng tiền tắc nghẽn, dự án bị ngưng trệ do vướng pháp lý, còn thị trường thì mất thanh khoản”, đồng thời nói rằng, có lẽ không chỉ doanh nghiệp ông mà phần lớn doanh nghiệp địa ốc khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Theo vị này, điều doanh nghiệp cần làm hiện nay là đẩy mạnh tái cơ cấu, từ sản phẩm cho đến nhân sự để tinh gọn bộ máy, tiết giảm chi phí…, chờ thị trường tích cực rồi tính tiếp.
Không chỉ nhà phát triển dự án, mà cả các doanh nghiệp môi giới lẫn nhà đầu tư cá nhân cũng đang loay hoay với bài toán “kẹt tiền, thiếu vốn”. Theo ghi nhận của phóng viên, đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp môi giới phải tạm thời ngưng hoạt động vì không có đủ nguồn tài chính duy trì bộ máy.
Lãnh đạo một doanh nghiệp môi giới tại TP.HCM cho hay, phần lớn các đơn vị môi giới đều có nguồn lực mỏng manh, trong khi phải duy trì việc “nuôi quân”, nhưng thực tế là không có sản phẩm để bán, nếu có cũng không dễ bán do thị trường khó khăn.
Với nhà đầu tư cá nhân, dù không diễn ra cảnh bán tháo trên diện rộng, song việc khó tiếp cận vốn kéo dài khiến không ít người bị “ngộp hàng”, phải chấp nhận bán giá thấp để thu hồi vốn. Thực tế, phần lớn nhà đầu tư ra hàng thời điểm này đều bị kẹt vốn, không còn cách nào xoay xở nên phải rao bán thấp hơn giá thị trường, song với những người trường vốn chẳng những không bán ra, mà còn tìm cách gom “hàng ngộp” đón đầu cơ hội.
Tổng Hợp