Thị trường nông sản 14/12: Giá tiêu, cao su tiếp tục lao dốc

Thị trường nông sản hôm nay ghi nhận giá cà phê phục hồi, trong khi đó giá hồ tiêu và cao su giảm.

Giá cà phê phục hồi

Giá cà phê trong nước hôm nay tăng nhẹ. Thị trường dao động ở mức 40.400 – 41.200 đồng/kg. Cụ thể, giá cà phê tại tỉnh Lâm Đồng ở mức 40.400 đồng/kg.

Giá cà phê tại các huyện của tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk: 41.100 đồng/kg, Đắk Nông: 41.200 đồng/kg.

Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn London trở lại xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 1/2023 tăng 10 USD, lên 1.902 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3/2023 tăng 16 USD, lên 1.878 USD/tấn, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.

Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn New York cùng xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 3/2023 tăng 1,40 cent, lên 168,45 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5/2023 tăng 1,35 cent, lên 168,75 cent/lb, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.

Thị trường nông sản 14/12: Giá tiêu, cao su tiếp tục lao dốc - Ảnh 1.

Cà phê arabica kỳ hạn trên sàn ICE đang giao dịch quanh mức 1,6 USD/pound, không xa mức thấp nhất trong 16 tháng là 1,5 USD chạm vào ngày 18/11, do đồng real yếu hơn và trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu dồi dào.

Về thị trường cà phê nội địa, sản lượng cà phê niên vụ 2021 - 2022 (từ 1/10/2021 đến 30/9/2022) của Việt Nam ước tính khoảng 1,73 triệu tấn, thay đổi không đáng kể so với niên vụ trước đó. Tổng diện tích trồng không đổi, khoảng 600.000 ha. Tuy nhiên chuyên gia dự báo sản lượng niên vụ 2022 - 2023 dự kiến giảm khoảng 10 - 15% so với niên vụ 2021 - 2022. Nguyên nhân chủ yếu đến từ diện tích trồng cà phê có xu hướng giảm do người dân chuyển sang các cây trồng khác có hiệu quả hơn.

Thời gian qua, ngành cà phê Việt Nam đã phát triển vượt bậc cả về diện tích, năng suất, sản lượng, từng bước xây dựng công nghiệp chế biến cà phê hiện đại, đa dạng sản phẩm, phù hợp thị hiếu thị trường. Việt Nam cũng đã bước đầu hình thành công nghiệp chế biến cà phê nhân xuất khẩu, cà phê rang xay, cà phê hòa tan và hệ thống kho bảo quản 2,36 triệu tấn/năm.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 11 ước tính đạt khoảng 110.000 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị xuất khẩu cà phê 11 tháng năm 2022 ước đạt 3,6 tỷ USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, với thị trường tiêu thụ cà phê hàng đầu như khu vực châu Á, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng thích nghi, khai thác, tận dụng hiệu quả những cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do mang lại, nhanh chóng giành lại thị phần đã mất và từng bước mở rộng kim ngạch xuất khẩu. Hiện, Việt Nam đang từng bước tăng cường xuất khẩu cà phê chế biến, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu cà phê thô, mở ra triển vọng tính cực cho ngành cà phê.

Giá tiêu hôm nay

Giá tiêu hôm nay thị trường trong nước điều chỉnh giảm 500 đồng/kg tại các vùng trồng trọng điểm. Cụ thể, tại Gia Lai giá tiêu ở mức 58.000 đồng/kg, Bà Rịa Vũng Tàu: 60.500 đồng/kg, Đắk Lắk, Đắk Nông: 59.000 đồng/kg, Đồng Nai, Bình Phước: 59.500 đồng/kg.

Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung giảm 13 USD/tấn xuống mức 3.800 USD/tấn. Còn giá hạt tiêu trắng Muntok của quốc gia này giảm mạnh hơn 80 USD/tấn xuống còn ở mức 5.914 USD/tấn. 

Trong khi đó, giá tiêu đen Kuching ASTA của Malaysia vẫn giữ ở mức 5.100 USD/tấn; hạt tiêu trắng ASTA của quốc gia này đang ở mức 7.300 USD/tấn. Đối với thị trường Brazil, giá hạt tiêu đen ASTA 570 duy trì ổn định ở mức 2.625 USD/tấn.

Còn tại thị trường xuất khẩu tiêu của Việt Nam, giá tiêu đen loại 500g/l và 550g/l duy trì ở mức 3.150 và 3.250 USD/tấn. Còn giá tiêu trắng nước ta vẫn neo ở mức 4.600 USD/tấn.

Thị trường nông sản 14/12: Giá tiêu, cao su tiếp tục lao dốc - Ảnh 2.

Theo ước tính, xuất khẩu tiêu của Việt Nam trong năm 2022 có thể đạt 220.000-225.000 tấn. Nếu vậy, đây là mức xuất khẩu thấp nhất tính từ 3 năm trở lại vì 2020 đạt 285.000 tấn và 2021 là 265.000 tấn, theo chiều giảm dần.

Từ năm 2020 trở lại đây, thị trường hồ tiêu trải qua nhiều biến động, từ 34 triệu đồng/tấn vào tháng 3/2020 lên đến 90 triệu đồng/tấn vào đầu năm ngoái và nay đang khá ổn định quanh mức 55-60 triệu đồng.

Theo các chuyên gia, thị trường trong nước có thể tiếp tục tiến triển tích cực dựa vào tín hiệu Fed sẽ không tăng lãi suất vào cuối năm nay. Việc đồng USD hạ nhiệt là tin vui giúp thị trường hàng hóa hồi phục trở lại, trong đó có hồ tiêu.

Ngoài ra, tình hình xuất khẩu tăng nhẹ cùng với nhu cầu tăng của Trung Quốc vào dịp cuối năm đã thúc đẩy thị trường tiêu Việt Nam sôi động hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định, thị trường vẫn thận trọng khi đây là đợt tăng giá nhằm "thoát hàng" cho giới đầu cơ trước vụ mùa mới.

Thách thức trong tháng cuối năm 2022 với hồ tiêu còn rất nhiều. Ở trong nước, vốn vay khó khăn khiến giới đầu cơ thoát hàng, dòng vốn đổ về cà phê. Một lượng lớn vốn vẫn bị kẹt vào bất động sản, khi thời gian trước có thời điểm đầu cơ đua nhau bán hồ tiêu để ôm đất.

Ngoài ra, nỗi lo xung quanh tình hình lạm phát cùng viễn cảnh kinh tế 2023 không mấy tươi sáng khiến ngành hàng hồ tiêu không có nhiều hy vọng khởi sắc tích cực.

Giá cao su hôm nay

Giá cao su hôm nay vẫn tiếp tục giảm đỏ toàn thị trường, tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su giảm mạnh hơn 1% và tại Sàn Tocom (Tokyo - Nhật Bản), giá cao su nhiều kỳ hạn giảm hơn 1%.

Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (Tocom), giá cao su kỳ hạn giao tháng 12/2022 ghi nhận mức 222,1 yen/kg, giảm 1,29% giảm 2,9 yen/kg. Kỳ hạn cao su tháng 1/2023, kỳ hạn tháng 2/2023; cao su kỳ hạn tháng 3/2023, kỳ hạn cao su tháng 4/2023 giảm ở mức trên dưới 1%.

Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 1/2023 ở mức 12.930 nhân dân tệ/tấn, giảm 1,45%, giảm 190 nhân dân tệ/tấn.

Giá cao su Thượng Hải hôm nay giảm mạnh ở kỳ hạn tháng 3/2023; kỳ hạn cao su tháng 4/2023, tháng 5/2023, tháng 6/2023 ở mức giảm gần 2%.

Thị trường nông sản 14/12: Giá tiêu, cao su tiếp tục lao dốc - Ảnh 3.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho biết trong 10 tháng năm 2022, trị giá nhập khẩu cao su (HS 4001, 4002, 4003, 4005) của Trung Quốc đạt hơn 10,7 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ hai cho Trung Quốc với 1,8 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Thị phần cao su Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc trong 10 tháng năm 2022 chiếm gần 17%, cao hơn so với mức 16,7% của 10 tháng năm ngoái. Trong khi đó, Thái Lan giảm từ 33,6% xuống còn 33,2%, Malaysia giảm còn 8,8%, Nhật Bản giảm còn 5,6%...

Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu cao su tự nhiên và cao su tổng hợp, nhập khẩu các mặt hàng này đều có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, trong 10 tháng năm 2022, trị giá nhập khẩu cao su tự nhiên (HS 4001) của Trung Quốc đạt 3,24 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 5 cho Trung Quốc với 249,7 triệu USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam chiếm 7,7% trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc, cao hơn so với mức 6,3% của 10 tháng năm 2021.

Bên cạnh đó, trị giá nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) của Trung Quốc đạt 4,35 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam là thị trường cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp lớn thứ hai cho Trung Quốc với 1,54 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Việt Nam chiếm 35,5% trong tổng trị giá nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Trung Quốc, thấp hơn so với mức 38% của 10 tháng năm 2021.

HÀ MY