Cua Kiên Giang
Hiện, giá cua biển tại tỉnh Kiên Giang đang giảm hơn một nửa so với thời điểm trước Tết Nguyên đán 2020.
Theo TTXVN, cua gạch (3 con/kg) tại vùng U Minh Thượng được thương lái thu mua với giá dưới 300.000 đồng/kg thay vì trên 650.000 đồng/kg trước Tết; cua thịt loại một (3 - 5 con/kg) giá 200.000 đồng/kg, trước Tết trên 400.000 đồng/kg. Cua loại thường có giá chưa đến 130.000 đồng/kg; thậm chí, một số nơi giảm còn 110.000 đồng/kg nhưng không có người mua.
Điều này khiến người nuôi cua biển trên địa bàn huyện An Minh đứng ngồi không yên bởi cua đã đến thời kỳ thu hoạch.
Giá gà công nghiệp rớt giá
Giá gà công nghiệp tại Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu , giảm sâu, chỉ còn 10.000 đồng/kg. Trong khi đó, gà vượt trọng lượng xuất chuồng hồi tuần trước 10.000 đồng/kg, nay giảm còn 9.000 đồng/kg.
Nguyên khiến giá gà giảm mạnh là do bếp ăn tập thể của các khu công nghiệp, trường học nghỉ Tết; đồng thời, các trường học tiếp tục nghỉ thêm 2 tuần do dịch bệnh Covid -19. Thêm nữa, đang có tình trạng khủng hoảng thừa gà công nghiệp vì thời điểm xảy ra dịch tả heo Châu Phi thì nhiều hộ chăn nuôi chuyển sang nuôi gà công nghiệp dẫn đến việc đàn gia cầm tại một số tỉnh ở Đông Nam Bộ tăng.
Tôm, ruốc Phú Yên giảm giá mạnh
Đầu vụ thu hoạch, ruốc Phú Yên chỉ bán được 20.000 đồng/kg. Một số ngư dân cho biết, nguyên nhân khiến ruốc rớt giá là do các thương lái không thể xuất được đi Trung Quốc nên sức mua cũng giảm mạnh.
Tôm hùm tại Phú Yên cũng giảm giá mạnh. Cụ thể, giá tôm hùm tự nhiên bán buôn tại xã Xuân Hải dao động từ 200.000-500.000 đồng/kg tùy cỡ (từ 150-400g/con). Nguyên nhân khiến giá tôm hùm và ruốc giảm sâu, người dân địa phương cho biết, bởi lượng khách du lịch về khu vực Quy Nhơn, Sông Cầu gần như rất ít. Nhiều nhà hàng hải sản chẳng thấy có bóng dáng khách nhậu.
Tôm hùm “giải cứu” bán với giá siêu rẻ
Trước tình hình tôm hùm rớt giá mạnh tại các tỉnh miền Trung, nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng hải sản đưa ra chiến lược “ giải cứu tôm hùm ” bán với mức giá rẻ như cho.
Theo đó, với chương trình "giải cứu tôm hùm baby", siêu thị Vinmart đang bán ra hai loại tôm hùm xanh đông lạnh và tươi sống. Với sản phẩm đông lạnh, khoảng 0,2-0,3 kg/con, mức giá rao bán chỉ 495.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá tôm hùm xanh baby tươi sống, trọng lượng 0,2-0,5 kg/con được bán với giá 630.000 đồng/kg.
Tại hệ thống AEON Tân Phú, tôm hùm cũng được giới thiệu trong chiến dịch giải cứu với giá 890.000 đồng/kg (3-5 con).
Cửa hàng kinh doanh hải sản Sói Biển (Hà Nội) giá tôm hùm được bán với giá 1.095.000 đồng/kg thấp hơn nhiều với giá trước đây là 1.500.000 đồng/kg.
Còn tại hệ thống Đảo hải sản, chuyên bán hải sản tươi sống cũng chào bán tôm hùm giải cứu ngư dân Nha Trang lại có giá 650.000 đồng/kg (loại 6 con/kg), loại 4-5 con/kg có giá 750.000 đồng/kg, loại lớn 3 con/kg có giá 890.000 đồng/kg.
Sầu riêng cần giải cứu
Vì không thể xuất khẩu và không tìm được đầu ra khiến giá sầu riêng ở Tiền Giang giảm mạnh còn 22.000 đồng/kg trong tuần trước, Đến đầu tuần này tăng lên 25.000-28.000 đồng/kg, ngày 19/2 tiếp tục tăng lên 32.000-37.000 đồng/kg do nhiều thương lái hỏi mua để xuất bán đi các địa phương khác.
Tại một số điểm bán sầu riêng tại quận Tân Bình, TP.HCM cho thấy, thông thường sầu riêng nghịch mùa như Ri6 loại một giá 130.000-140.000 đồng/kg nhưng hiện nay còn 100.000 đồng/kg.
Dưa hấu , thanh phục hồi giá
Trong và sau Tết Nguyên đán, dịch Covid- 19 bùng phát khiến thanh long tại các tỉnh rớt giá thê thảm vì không xuất được sang Trung Quốc, chỉ còn 5.000-7.000 đồng/kg mà sức tiêu thụ vẫn yếu.
Khoảng một tuần trở lại đây giá thanh long bắt đầu tăng. Thương lái đến tận vườn mua thanh long với giá dao động từ 10.000-12.000 đồng/kg, tăng hơn 4.000-5.000 đồng so với tuần trước.
Dưa hấu đã tăng giá trở lại. Cụ thể, tại Gia Lai, sau thời gian giá dưa hấu giảm còn 1.000 đồng/kg nhưng vẫn bế tắc đầu ra vì dịch COVID-19 khiến mặt hàng này không thể xuất sang thị trường Trung Quốc, nay giá cũng phục hồi trở lại.
Giá dưa được thu mua tại cánh đồng ở huyện Krông Pa (Gia Lai) vào khoảng hơn 3.000 đồng/kg, tức tăng gấp đôi so với tuần trước.
Lý giải về nguyên nhân khiến các loại nông sản tăng giá trở lại, một chuyên gia trong ngành giải thích, giá nông sản ổn định và tăng trở lại là do lượng hàng hóa xuất sang cửa khẩu Trung Quốc không còn bị ùn ứ và ảnh hưởng không nhỏ từ các chiến dịch giải cứu nông sản tại thị trường trong nước.