Việc CSGT có bất ngờ lao ra đường yêu cầu thiếu niên 16 tuổi dừng xe để xử lý hay không là một trong những tình tiết đang được làm rõ.
Tình tiết quan trọng
Liên quan tới vụ việc thiếu niên đi xe máy hất văng CSGT, chiều 11/6, trao đổi với PV, ông T. - một người thân của thượng úy Nguyễn Trọng Quý (cán bộ thuộc Đội CSGT - Trật tự, Công an huyện An Lão, Hải Phòng) cho biết, hiện tại sức khỏe của anh Quý đang hồi phục và tiến triển tốt.
Khi được hỏi về chi tiết gây tranh cãi của độc giả những ngày qua về việc thượng úy Quý có bất ngờ lao ra đường yêu cầu Đỗ Văn Thắng (16 tuổi, trú tại xã Thái Sơn, huyện An Lão) dừng xe hay do thiếu niên phát hiện CSGT nhưng không tránh, ông T. cho rằng tình tiết trên đang được cơ quan điều tra.
Do sức khỏe nạn nhân còn yếu nên người nhà thượng úy Quý vẫn chưa trao đổi nhiều với nạn nhân về sự việc.
"Nhưng sự việc này đã được camera ghi lại. Có thể nhìn thấy, CSGT đã đứng ra đường từ trước đó, rồi ra hiệu lệnh cho xe máy dừng lại", ông T. nhìn nhận.
Ông T. cũng cho hay, người nhà Thắng cũng đã liên hệ, hỏi thăm sức khỏe của thượng úy Quý.
Về phần mình, chia sẻ với báo chí, ông Đỗ Văn Vinh (SN 1977, bố Đỗ Văn Thắng) cho hay, vào sáng 9/7 được nghỉ làm phụ sơn nên mượn chiếc xe máy của người anh họ đi chơi từ sáng.
Ông Vinh chia sẻ về sự việc. Ảnh; ĐSVN |
Theo lời thuật lại của ông Vinh, Thắng không đội mũ bảo hiểm, bị CSGT thổi còi nhưng bỏ chạy. Một CSGT đuổi theo Thắng, đến vị trí xảy ra tai nạn thì có 3 CSGT chạy ra giữa đường thổi còi.
Ông Vinh cho rằng, Thắng đang chạy với tốc độ cao nên không dừng lại được, nếu đánh lái sang trái thì vướng xe tải. Thắng bẻ lái sang phải để tránh CSGT nhưng do vị CSGT cũng tránh chiếc xe máy do Thắng điều khiển nên xảy ra tai nạn.
Vụ việc khó
Trước các tường thuật khác nhau về vụ việc, trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Anh Vũ – Đoàn luật sư thành phố Hải Phòng đã có những phân tích.
Luật sư Anh Vũ khẳng định rằng, vấn đề này trước hết phải có được kết quả của cơ quan điều tra, kết quả khám nghiệm hiện trường, khám xét phương tiện gây tai nạn, xác định tốc độ của phương tiện tại thời điểm đó của cơ quan chức năng vì trong những vụ án tai nạn giao thông phần lớn là do khách quan và thuộc lỗi hỗn hợp.
"Về lỗi thì chắc chắn phía người điều khiển phương tiện giao thông đã vi phạm: Không có bằng lái xe máy, không đội mũ bảo hiểm, không làm chủ tốc độ khi tham gia giao thông. Đây", luật sư Anh Vũ nói.
Theo vị luật sư, về phía CSGT cũng cần nhìn nhận ở 2 góc độ. Thứ nhất, vị trí, khoảng cách đứng để ra hiệu dừng phương tiện giao thông. Thứ hai đó là có hay không việc CSGT ra chặn phương tiện giao thông và đó có thuộc tình huống khẩn cấp phải ngăn chặn ngay khi phát hiện sự việc hay không?
Vị luật sư nhấn mạnh: "Cần xem xét thêm tình tiết từ lúc CSGT xuất hiện, đứng để ra tín hiệu dừng phương tiện giao thông, đến lúc người điều khiển phương tiện kịp nhận ra và xử lý giảm tốc độ bị đâm thì thời gian là bao nhiêu? Với tốc độ xe máy đang đi nhanh vậy có kịp tránh hoặc dừng lại không? Đây có được coi là tình huống bất ngờ không?”.
Luật sư Nguyễn Anh Vũ đánh giá, đây là vụ việc khó. "Vi phạm rõ nhất của cậu thiếu niên chính là vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo điều Điều 260 bộ Luật Hình sự 2017. Mức độ nghiêm trọng và khung hình phạt còn tùy thuộc vào hậu quả, chính là sức khỏe của vị CSGT kia, tổn hại bao nhiêu %" - ông Vũ nói.
Bài viết không tồn tại hoặc đã xóa