Chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả 5 năm (2016-2020) phát triển mắc ca tại Việt Nam tổ chức ở Đắk Lắk sáng 29/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong 5 năm qua, sản lượng mắc ca đã tăng gần 25 lần, trong đó 60% là xuất khẩu.
Hiện có 2 vùng có thể phát triển ổn định là vùng Tây Bắc và Tây Nguyên. Trong đó vùng Tây Nguyên có thể đưa mắc ca vào trồng xen với cà phê và các loại cây khác. Tại Tây Bắc có thể trồng tập trung.
Mắc ca cho thu nhập gấp 3 lần cà phê
Hạt mắc ca có nhiều chất béo lành mạnh rất tốt cho sức khỏeG. Nguồn: Lowcarb-glutenfree |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mắc ca du nhập vào Việt Nam từ năm 1994, bắt đầu với 10 cây, do Trung tâm Nghiên cứu giống cây rừng thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam trồng thử tại Ba Vì (Hà Nội).
Sau 5 năm quy hoạch, đến nay cả nước đã có 23 tỉnh trồng cây mắc ca, với diện tích trên 16.500 ha. Trong đó, 9 tỉnh nằm trong quy hoạch ở Tây Bắc. Khu vực Tây Nguyên đã trồng trên 15.400 ha, tăng 55% diện tích so với quy hoạch. Hơn 1.000 ha còn lại nằm rải rác tại 14 tỉnh khác chưa có trong quy hoạch.
Mắc ca Việt Nam đã xuất khẩu với sản lượng trên 2.400 tấn sản phẩm sấy/năm tới Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Pháp... Thời gian gần đây, nhu cầu mắc ca tăng 200%. Năm 2020, cả nước dự kiến thu hoạch gần 6.600 tấn hạt tươi, tăng gần 24,5 lần so với năm 2015.
Với giá bán sản phẩm dạng hạt sấy khoảng 200 triệu đồng/tấn như hiện nay, ước hơn 4.000 tấn hạt sấy sẽ mang lại giá trị khoảng 788 tỷ đồng.
Với tiềm năng hiện có, Thủ tướng cho rằng mắc ca có thể “đi sau, về trước” nếu biết cách làm. Ông lấy ví dụ về cây cà phê vào Việt Nam từ năm 1885. Năm 1902, người Pháp chính thức cho khảo nghiệm và đến năm 1975, Việt Nam mới có 13.000 ha cà phê.
Bắt đầu từ 1986, bằng việc đưa nhanh diện tích cà phê vào nông lâm trường, rồi tới những năm 1990, cây cà phê phát triển mạnh ở những hộ gia đình, đến nay, Việt Nam có ngành hàng cà phê với diện tích trên 680.000 ha, sản lượng 1,5 triệu tấn, xuất khẩu 3 tỷ USD.
Mắc ca du nhập vào Việt Nam từ năm 1994, bắt đầu với 10 cây. Đến nay, cả nước có 23 tỉnh trồng trên 16.500 ha, thu hoạch gần 6.600 tấn hạt tươi. Ảnh: Dân trí |
“Gần 125 năm, cây cà phê mới trở thành cây công nghiệp đứng 2 thế giới về xuất khẩu. Vậy câu hỏi đặt ra cho mắc ca, với tinh thần “đi sau về trước”: Vào Việt Nam khảo nghiệm, phát triển và bước đầu đã thành công, thì cần 10 hay 20 năm tới để có thể trở thành cây đứng đầu thế giới”, Thủ tướng đặt vấn đề.
Thủ tướng nhấn mạnh cần phải ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết chuỗi giá trị trong phát triển mắc ca. Nếu giữ năng suất 4-5 tấn hạt/ha và giá bán như hiện nay, là 6 USD Úc/kg, thì 1 ha cho thu hoạch 200-300 triệu đồng, thu nhập mang về từ trồng cây mắc ca gấp 3 lần cây cà phê.
Như vậy, ngành nông nghiệp, các nhà khoa học, doanh nghiệp, Hiệp hội Mắc ca phải trả lời cho được những câu hỏi, để làm sao có thể phát triển xứng tầm với điều kiện cụ thể ở Việt Nam.
Ông lưu ý quy hoạch vùng trồng đi liền với quản lý giống, đẩy mạnh chế biến sâu, không để phát triển ồ ạt… và nhất trí tập trung quy hoạch phát triển cây mắc ca cho vùng Tây Bắc và Tây Nguyên. Các nơi khác xem xét cho thí điểm trước khi kết luận trồng đại trà.
Phấn đấu doanh thu mắc ca đạt 1 tỷ USD vào năm 2030
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng khẳng định cây mắc ca không chỉ xóa đói giảm nghèo mà có thể làm giàu. Việc sớm đưa cây mắc ca trở thành cây chủ lực trong 5-10 năm nữa là hoàn toàn khả thi khi Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển loại cây này.
Đại diện Hiệp hội Mắc ca Việt Nam khẳng định sẽ bao tiêu sản phẩm cho người trồng, không để tình trạng “được mùa, mất giá”. Ảnh: A.Đ |
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, cây mắc ca đã có những tác động tích cực tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho khoảng 10.000 hộ gia đình nông thôn.
Dự báo thời gian tới, cả sản lượng cung và cầu trên thế giới đều tăng nhanh với tốc độ cung tăng 9%/năm, cầu tăng 12%/năm. Đây là cơ sơ quan trọng để Việt Nam phát triển vùng nguyên liệu mắc ca, tham gia thị trường sản phẩm này trong giai đoạn 2021 - 2030 và các năm sau đó.
Định hướng trong thời gian tới, mắc ca là cây trồng trong 20 loài cây trồng rừng chính, tăng diện tích vùng trồng tập trung, xây dựng thành một ngành hàng mới của nông nghiệp Việt Nam, phấn đấu đến 2030 đạt doanh thu 1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 600 triệu USD.
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Hiệp hội Mắc ca và các địa phương xây dựng một chiến lược phát triển cây mắc ca ở Việt Nam. Bộ Nông nghiệp chủ trì nghiên cứu xây dựng một nghị định về phát triển mắc ca, do hiện nay chính sách dành cho loại cây này đang phân tán.